Chàng trai trẻ bỏ doanh nghiệp chục tỷ về giúp dân thoát nghèo

GD&TĐ -Đó là câu chuyện của anh Phạm Văn Khôi – cử nhân Kinh tế Đại học Giao thông vận tải về làm giàu cho quê hương từ sản phẩm nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Giải thưởng Lương Định Của cho Anh Phạm Văn Khôi - Hợp tác xã Chiến Thắng - Xã Thiện Phiến, Huyện Tiên Lữ, Tỉnh Hưng Yên.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Giải thưởng Lương Định Của cho Anh Phạm Văn Khôi - Hợp tác xã Chiến Thắng - Xã Thiện Phiến, Huyện Tiên Lữ, Tỉnh Hưng Yên.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

Sau 10 năm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và thi công nội thất tại Hà Nội với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cùng hàng trăm công nhân, anh Khôi đã tìm kiếm cơ hội thành công trong một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với những gì được học và làm trước đó với dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp trên quê nhà Hưng Yên.

Sinh ra và lớn lên tại xã Thiện Phiến - địa phương có truyền thống sản xuất cây rau màu, tuy nhiên, sản xuất của người dân địa phương chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ nên hiệu quả chưa cao. Nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp không phải dễ dàng gì đối với người học kinh tế. Thế nhưng, vận dụng những trải nghiệm sau nhiều năm thiết kế thi công nội thất, cộng với suy nghĩ phải giúp dân thoát nghèo, giúp các thanh niên có công ăn việc làm, tránh được các tệ nạn xã hội.

Anh chia sẻ: “Nhiều lần về quê, thấy hộ nghèo vẫn còn, bà con lại loay hoay làm kinh tế mãi vẫn chưa đủ sinh hoạt. Không lẽ cứ trông chờ vào những “hũ gạo cứu đói” của nhà nước. Tôi đã nung nấu ý định sản xuất nông nghiệp, khởi nguồn từ tài nguyên sẵn có của địa phương”.

Nghĩ là làm, tháng 3/2018, anh Khôi đứng ra thành lập HTX rau an toàn Chiến Thắng, thu hút 7 thành viên tham gia. Ban đầu, HTX có quy mô 5ha (trong đó có 1.000m2 nhà kính, 12.000m2 nhà lưới) với tổng kinh phí đầu tư 1,2 tỷ đồng.

Mới được thành lập không lâu, nhưng mô hình trồng rau của HTX Rau an toàn Chiến Thắng, xã Thiện Phiến (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đã hoạt động hiệu quả theo hướng liên kết, hỗ trợ người dân địa phương trong quá trình sản xuất. Cũng từ đây, bà con nhân dân nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ đi đúng hướng, tích cực làm giàu.

Anh Khôi cho biết: “Với nguồn nguyên liệu đầu vào, cần nhiều người tham gia để sản xuất. Vì vậy, thành lập HTX cũng là giải pháp về vấn đề việc làm cho nhân dân. Hơn nữa, Hưng Yên là tỉnh gần Hà Nội nên vấn đề về đầu ra của sản phẩm cũng dễ dàng hơn, nhất là mỗi ngày, nhu cầu dùng sản phẩm sạch của người dân càng tăng cao”.

HTX tập trung sản xuất các sản phẩm về rau, củ, quả theo quy trình VietGAP, áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Bằng việc tổ chức tập huấn thường xuyên kết hợp tuyên truyền vận động thông qua Hội Nông dân xã, đến nay, HTX đã thu hút được thêm 21 thành viên tham gia với diện tích liên kết trên 15ha.

Nâng cao đời sống từ những vườn rau

Không dừng ở việc cung cấp ra siêu thị, anh Khôi mở rộng khách hàng đến các bếp ăn tập trung như công nhân, trường học, để cung cấp lượng lớn rau an toàn.

Nhằm bảo đảm chất lượng cung cấp rau đến đơn vị thu mua, tất cả các sản phẩm rau, củ, quả của HTX ngay sau khi thu hái sẽ được đóng gói, xuất bán ngay đến các khách hàng. Bên cạnh đó, HTX đã đầu tư xây dựng khu vực nhà sơ chế để đóng gói sản phẩm cùng 3 xe ô tô tải, trong đó có xe đã được lắp đặt hệ thống máy lạnh để bảo quản rau trong quá trình vận chuyển đường dài. 

Hiện nay, HTX đã cung cấp rau cho các siêu thị, bếp ăn, công ty với tổng số 5.600 suất ăn công nghiệp, các trường học trên địa bàn. Mô hình mang lại lợi nhuận đạt 600 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm cho 50 thanh niên. Không chỉ làm giàu cho các thành viên, HTX còn tạo được việc làm cho 25 lao động thường xuyên và 26 lao động mùa vụ với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, HTX luôn kiểm soát chặt chẽ, tập huấn cho người lao động và đảm bảo việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học bảo đảm theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. 

Từ những trăn trở về việc giúp dân thoát nghèo, cùng ổn định cuộc sống, giờ đây nhiều hộ gia đình đã ấm no, có công ăn việc làm, đầu tư hơn về giáo dục cho thế hệ sau, anh Khôi mới thấy nhẹ lòng khi mình đã dám “liều” để đi đúng hướng. Nhắn nhủ tới các bạn trẻ muốn khởi nghiệp làm giàu, anh cho rằng: “Điều quan trọng nhất khi làm bất cứ công việc gì là chữ Tâm. Từ cái tâm muốn đạt được mục đích đề ra, đến chất lượng sản phẩm tới tay người dân. Và quan trọng hơn hết là việc không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn cả cộng đồng”.

Anh cũng cho biết thêm, nhiều người làm việc tại HTX thuộc hộ nghèo và cận nghèo trước đây, giờ đều đã thoát khỏi danh sách đó. Chính vì vậy, niềm vui lớn nhất của anh cũng là chung tay góp phần vào chiến dịch giúp dân thoát nghèo theo Mục tiêu chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo.

Nhìn cánh đồng của HTX đến mùa thu hoạch cứ xanh mướt, tiếng bà con cười nói vui vẻ khi kinh tế dần ổn định, anh Khôi mong muốn thời gian tới sẽ mở rộng hơn về quy mô, nhân lực, vật lực để huyện Tiên Lữ sẽ thêm trù phú, tươi đẹp.

Với những nỗ lực, cố gắng, năm 2018, anh Phạm Văn Khôi được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Năm 2019, anh vinh dự là nhà nông trẻ tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.