Tuyên truyền để bà con vùng khó thoát nghèo: kiên trì, nỗ lực và kinh nghiệm

GD&TĐ - Giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ của nhiều địa phương vùng khó, nhất là vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Đến từng nhà để tuyên truyền, kiên nhẫn giúp bà con thay đổi tư duy làm ăn lạc hậu là một trong những biện pháp giúp nhân dân thoát nghèo.
Đến từng nhà để tuyên truyền, kiên nhẫn giúp bà con thay đổi tư duy làm ăn lạc hậu là một trong những biện pháp giúp nhân dân thoát nghèo.

Thoát nghèo sẽ nâng cao nhận thức

Kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ở nhiều địa phương như Bắc Hà (Lào Cai), Lũng Cú (Hà Giang), hệ thống công trình hạ tầng được đầu tư đã có tác động lớn trong việc thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, miền núi của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển các dịch vụ kinh doanh trong vùng.

Đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến trong phương thức làm ăn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tập quán chăn nuôi kiểu chăn thả rông trước đây dần được thay đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, chuồng trại. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ĐBKK.

Anh Vàng A Ghếnh – Chủ tịch xã Lùng Cải (Bắc Hà), Lào Cai cho biết: “Thông qua các công tác tuyên truyền, giáo dục giúp những người thuộc diện đói nghèo biết tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước, hướng dẫn cho họ biết xây dựng kế hoạch, biết khai thác các điều kiện được hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả theo các chương trình tín dụng ưu đãi, tham gia học nghề, xuất khẩu lao động…đã khiến đời sống bà con nhân dân chuyển biến tích cực. Đặc biệt, bà con khi đã thoát nghèo thì tinh thần học hỏi, mong muốn con cái được đến trường càng nhiều, từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân vùng khó”.

Tuyên truyền để thay đổi tư duy, lối mòn cũ

Anh Ghếnh cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng, tiến bộ trong công tác tuyên truyền giáo dục về xóa đói giảm nghèo bền vững,  nên nhiều cuộc vận động xóa đói giảm nghèo và những “ngày vì người nghèo” đã được các cấp các ngành trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, các địa phương trong huyện hưởng ứng, tích cực ủng hộ, giúp đỡ những người thuộc diện đói, nghèo dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện cho họ, khuyến khích động viên họ vươn lên trong cuộc sống, từng bước thoát khỏi đói, nghèo vững chắc.

Anh Ghếnh cũng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền vô cùng quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo. Bởi, hầu hết bà con vùng khó, vùng sâu vùng xa đều có trình độ dân trí thấp. Đồng thời, nhân dân đã quen thuộc với cách làm ăn từ nhiều năm trước đó như đi nương, làm rẫy. Chính vì vậy, để bà con biết cách sử dụng vốn để làm ăn, chuyển đổi cách thức chăn nuôi, trồng trọt là điều rất khó.

Đây là tâm lý phổ biến, ăn sâu bám rễ của phần lớn người dân ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, kết cấu hạ tầng còn thiếu, giao thông đi lại khó khăn, giao lưu văn hóa, kinh tế còn nhiều hạn chế, tập trung ở các khu vực miền núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng bãi ngang ven biển... Đời sống người dân ở những vùng này dựa vào tự nhiên là chính, trình độ lao động thấp, tập quán sản xuất lạc hậu, tự cấp tự túc, dẫn đến “bằng lòng” với cái nghèo, không nghĩ đến cũng như không cần đến sự thay đổi để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, cần kiên trì, đi từng nhà để tuyên truyền. Cần nói về các mô hình đã thành công, cách thực hiện cụ thể như thế nào, các phương pháp xử lý khi có tình huống về thiên tai, dịch bệnh,…

Cần hiểu rằng, để giải quyết vấn đề giảm nghèo, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp lương thực, thực phẩm, tạo việc làm cho người lao động mà còn phải tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, các nguồn vốn để phát triển sản xuất và đặc biệt là tạo cho họ các cơ hội để có thể tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Trong công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng khó, điều quan trọng chính là làm sao để bà con sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tạo ra được sản phẩm, nhất là việc xây dựng các trang trại, mô hình chăn nuôi từ con giống, cây trồng đến các kỹ thuật canh tác và đầu ra. Khi có những mô hình làm chuẩn, đem lại lợi nhuận kinh tế, các hộ gia đình khác cũng sẽ học hỏi và làm theo. Chính vì vậy, đây không phải là nhiệm vụ sớm chiều sẽ làm xong mà cần nỗ lực, kiên trì theo đuổi đạt được mục đích đặt ra là bao nhiêu hộ sẽ thoát nghèo qua các năm.

Ngoài việc hướng dẫn bà con cách làm kinh tế, cũng cần nghiên cứu kỹ về đặc điểm của địa phương xem có những thế mạnh gì cần phát huy như các nghề thủ công, xây dựng làng nghề, chú trọng du lịch hoặc sản xuất đặc sản vùng miền,…Đồng thời, xem xét các vấn đề ngoại cảnh như thiên tai, thời tiết, dịch bệnh thường gặp để có hướng giải quyết và kế hoạch cụ thể.

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTTQ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.