Thoát nghèo, vươn lên làm giàu
Từ lâu vùng đất ngập mặn ven biển tỉnh Bạc Liêu hình thành vùng nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nuôi tôm. Tuy nhiên, nuôi tôm theo hình thức quản canh (nuôi thiên nhiên) hay nuôi theo mô hình công nghiệp nguy cơ rủi ro cao, chí phí khá lớn. Đặc biệt, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp nên việc nuôi trồng thủy hải sản đối diện nhiều khó khăn, nguy cơ.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, thoát nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian qua nhiều hộ dân, doanh nghiệp ở Bạc Liêu áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Đặc biệt là xây dựng ao nuôi tôm bằng phương pháp ao lót bạc và hồ nổi tròn. Mô hình này thời gian qua cho năng suất khá lớn, tỷ lệ tôm sinh trưởng, đạt chất lượng tốt. Lợi nhuận thu về giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo thống kê, tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi tôm 140.000ha, trong đó nuôi siêu thâm canh 1.845 ha, diện tích mặt nước nuôi 185,22 ha, với 1.575 ao hồ nuôi (1.335 ao lót bạt và 240 hồ nổi tròn). Theo đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, giống tôm được thả nuôi là tôm thẻ chân trắng. Theo nhiều hộ nuôi, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong hồ nổi tròn có nhiều ưu điểm. Bình quân mỗi hồ nổi tròn rộng từ 250 - 500m2, có hộ mỗi vụ thu hoạch lãi vài tỷ đồng.
Theo anh Phạm Tiến Thành, ở ấp Thành Công, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), ưu điểm của mô hình nuôi siêu thâm canh trong hồ nổi tròn là tôm đạt tỷ lệ sống từ 70 - 90%. Hạn chế được dịch bệnh xâm nhập vào khu nuôi do hạn chế bơm nước mới trực tiếp từ sông, rạch vào cũng như bơm xả ra môi trường bên ngoài góp phần bảo vệ môi trường. Theo đó, một năm thả nuôi được 4 vụ, nuôi theo mô hình này giảm được nhiều chi phí khác như nhân công, điện, quản lý được nguồn nước nuôi, thuận lợi chăm sóc tôm. Năng suất luôn cao hơn từ 30 - 35% so với nuôi truyền thống trong ao đất.
Anh Thành cho biết, anh thả nuôi 3 hồ nổi, bình quân mỗi hồ rộng 500m2. Vừa thu hoạch xong vụ tôm thứ 3 lãi khoảng 120 triệu đồng. Bên cạnh đó anh còn thiết kế hệ thống biogas để xử lý chất thải và dành ra 1 ao 2.000 m2 thả 5.000 con cá rô phi để xử lý nước thải. Cá nuôi chỉ sau 6 tháng đạt trọng lượng khoảng 700 gram đến 1 kg giá bán từ 25.000 - 35.000 đồng/kg cũng thu về cả trăm triệu đồng.
Nuôi tôm siêu thâm canh thả tôm giống theo 3 giai đoạn, bình quân mật độ thả 150con/m2. Trung bình mỗi vụ tôm thu hoạch đạt năng suất 7,6 - 7,8 tấn/1.000m2. Sau khi trừ hết chi phí lãi khoảng 50%. Bình quân đầu tư tuôi tôm siêu thâm canh trong hồ nổi tròn rộng 250m2 khoảng 120 triệu đồng.
Phát triển bền vững
Khác với mô hình nuôi tôm truyền thống, nuôi tôm siêu thâm canh được áp dụng nhiều thiết bị công nghệ từ khâu cho ăn cho đến theo dõi, chăm sóc. Theo đó, tôm nuôi được cho ăn bằng máy tự động. Máy được thiết kế với bộ định lượng có thể đo lường thức ăn chính xác, giá trị hiệu chuẩn của định lượng giúp người sử dụng biết được chính xác khối lượng thức ăn phun trên mỗi giây. Giúp việc tính toán và cài đặt các thông số thiết lập được nhanh hơn và chính xác hơn. Ngoài ra, bộ định lượng này còn có lắp cảm biến giúp phát hiện thức ăn bị kẹt và cảnh báo cho người sử dụng biết qua đèn báo.
Khác với việc nuôi tôm truyền thống chỉ có 1 giai đoạn (con giống thả thẳng xuống ao) hay 2 giai đoạn (con giống được ương một thời gian rồi chuyển qua ao nuôi đến khi thu hoạch).
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn gồm 1 giai đoạn vèo (20 ngày) và 2 giai đoạn nuôi thương phẩm (50 ngày/giai đoạn). Hệ thống ao nuôi được thiết kế gồm 3 ao, trong đó 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi giai đoạn 3. Ao thiết kế tròn khung sắt nổi (cao triều) an toàn sinh học tốt hơn ao đất lót bạt, vì vậy nước bên ngoài không thấm vô ao nuôi được. Ngoài ra, còn có hệ thống xử lý nước đầu vào và khu xử lý nước thải, đảm bảo môi trường nước nuôi bên trong và không ảnh hưởng môi trường bên ngoài.
Toàn tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 136.000ha, chủ yếu là tôm, với sản lượng từ 120.000 - 150.000 tấn/năm. Trong đó, có 12 đơn vị và hơn 320 hộ dân đang áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng, ước tính năng suất bình quân từ 17 - 30 tấn/ha, cao gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống. Những năm gần đây tỉnh Bạc Liêu khuyến khích nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh nhằm ứng phó với thời tiết cực đoan, bệnh dịch, tiết kiệm chi phí đầu vào.
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh có 12 công ty, đơn vị nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao có hiệu quả. Ao nuôi lót bạt đạt trung bình 50 tấn/ha mặt nước nuôi/vụ (cao nhất đạt 77 tấn/ha/vụ, thấp nhất đạt 25 tấn/ha/vụ), hồ tròn đạt trung bình 60 tấn/ha mặt nước nuôi/vụ (cao nhất đạt 70 tấn/ha/vụ, thấp nhất đạt 50 tấn/ha/vụ).
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.