Phát triển các chương trình tín dụng
Báo cáo của Ngân hành Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nam Định cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020 đã có 12.786 lượt hộ nghèo, 29.429 lượt hộ cận nghèo, 13.843 hộ mới thoát nghèo và 75.329 các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Qua đó góp phần thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Chương trình tín dụng về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp các hộ gia đình được sử dụng nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, 66.280 hộ gia đình đã được vay vốn với số tiền 1.004,6 tỷ đồng, xây dựng mới và cải tạo 66.276 công trình nước sạch, 66.257 công trình vệ sinh.
Đáng chú ý, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giải ngân cho 4.860 khách hàng, duy trì và mở rộng việc làm cho 5.683 lao động. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.
Được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, từ đó các mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu tại các địa phương được hình thành như: Mô hình nuôi cá bống bớp với diện tích 370 ha. Mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cây dược liệu của Công ty Hoa Thiên Phú với diện tích 27,5 ha, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản của Công ty TNHH Cường Tân với quy mô 350 ha…
Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 151 cánh đồng lớn ổn định để sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diện tích 11.000 ha, trong đó 68 cánh đồng liên kết chuỗi giá trị với diện tích trên 800 ha; 313 trang trại chăn nuôi… Nuôi trồng thủy sản chuyển dịch sang nuôi thâm canh áp dụng quy trình VietGap, hình thành các vùng nuôi tập trung, với tổng diện tích nuôi đạt 16.150 ha,… Đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.
Giúp người dân xóa nghèo và làm giàu
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, trong 5 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã có 131.450 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư vào sản suất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giúp người dân làm giàu trên chính quê hương mình.
Từ việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đã huy động được nhiều nguồn lực tài chính để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, làm kinh tế hộ gia đình,...
Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh, xã hội trên địa bàn.
Nguồn vốn cho vay vào các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp cho lao động nông thôn ổn định sản xuất, tăng sản phẩm, tăng thu nhập, thay đổi cách thức sản xuất kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống, hỗ trợ được các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và cải thiện đời sống.
NHCSXH đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, là địa chỉ tin cậy cung cấp tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Với những kết quả đạt được, tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, tạo ra bộ mặt mới trong đời sống kinh tế về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và Nam Định được Trung ương đánh giá là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Nam Định đề xuất tiếp tục thực hiện Chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo và Chương trình tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn khi hết thời hạn quy định...
Đồng thời xem xét nâng mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa đối với một số chương trình tín dụng, kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo lên 5 năm, mở rộng các đối tượng hỗ trợ vay vốn khác.