Nhữnglưu ý của Phó Thủ tướng về kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tuần qua, các địa phương đồng loạt triển khai công tác chấm thi tốt nghiệp THPT đợt 1. TP.HCM hiện đang là điểm nóng nhất cả nước về diễn biến của dịch Covid-19. Bởi vậy, một trong những nội dung Phó Thủ tướng chỉ đạokhi chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai tăng cường, siết chặt các biện pháp phòng chống Covid-19 sáng 11/7 là về công tác chấm thi tốt nghiệp trong mùa dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu không áp lực về thời gian, phải tuyệt đối đảm bảo an toàn với dịch bệnh, không để một giáo viên nào trong khu chấm thi tốt nghiệp ở TP.HCM nhiễm Covid-19.
Trong tuần, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế về việc tổ chức đợt thi tiếp theo của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo công văn của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, căn cứ tình hình dịch Covid-19 có kế hoạch cụ thể tổ chức đợt thi tiếp theo của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021, bảo đảm an toàn, quyền lợi của thí sinh và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022.
Cũng trong công văn này, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát, tạo điều kiện để các thí sinh không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác nhau (trừ trường hợp gian lận) được dự thi ở đợt thi tiếp theo.
Bộ GD&ĐT lên tiếng về Quy chế đào tạo tiến sĩ mới
Vừa qua, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ nhận được sự quan tâm. Nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng, quy chế mới có cải tiến, nhưng dễ dãi hơn, hội nhập quốc tế đều thấp hơn.
Nhiều nhà quản lý, chuyên gia bày tỏ sự ủng hộ, bên cạnh đó, cũng ghi nhận một số băn khoăn cho rằng, các nghiên cứu sinh (NCS) tối thiểu phải có công bố quốc tế (dẫu rằng ngoài các công bố trong nước, chí ít phải có thêm chỉ là bài Kỷ yếu hội thảo quốc tế, hoặc Tạp chí quốc tế bằng tiếng nước ngoài, chưa yêu cầu phải ISI/Scopus) để tăng cường khả năng hội nhập...
Về vấn đề này, trao đổi với báo báo chí, đại diện Bộ GD&ĐT, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) Nguyễn Thu Thủy đã có những trao đổi, làm rõ một số vấn đề được đặc biệt quan tâm này.
Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ: Trước tiên, chúng ta cần thống nhất nhận thức, rằng, Quy chế 18 lần này là một quy chế khung, bao gồm các quy định, các mức cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu của một tiến sĩ.
Bởi lẽ, như đã nói ở trên, quy chế tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo Luật GDĐH, với tinh thần giao nhiều quyền (kèm theo cả trách nhiệm giải trình) về đào tạo hơn cho cơ sở GDĐH.
Với vai trò quản lý nhà nước, quy chế này quy định các tiêu chuẩn tiêu chí căn bản, tối thiểu, đã tính đến sự đa dạng phong phú của các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở GDĐH căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo mà đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình, đồng thời, công bố công khai minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội và người học biết và giám sát, thực hiện.
Lưu ý, việc đặt ra các tiêu chí như thế nào sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để cơ sở GDĐH đó khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của mình.
Thứ hai, việc xây dựng, ban hành Quy chế 18 song song với xây dựng ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của GDĐH, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF).
Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai VQF, các hội đồng nhóm ngành, khối ngành sẽ xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo (gồm các yêu cầu tối thiểu) với các đặc thù riêng, chặt chẽ hơn cả về đầu vào, đầu ra, có thể cao hơn so với chuẩn theo trình độ và phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề đào tạo.
Căn cứ vào chuẩn tối thiểu (theo trình độ, theo nhóm ngành…), các cơ sở GDDH có thể xây dựng quy chế đào tạo, đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn các chuẩn chung của toàn hệ thống, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề đào tạo cũng như năng lực thực tiễn của cơ sở đào tạo, từ đó khẳng định uy tín đào tạo của mình.
Thứ ba, về chuẩn đầu vào, đầu ra, trước hết, cần xem toàn văn Quy chế, đặc biệt là quy định đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn tại Điều 14. Theo đó, việc đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn được tổ chức khi nghiên cứu sinh đáp ứng đủ những yêu cầu theo quy chế và yêu cầu bổ sung của cơ sở đào tạo đối với từng chương trình đào tạo (nếu có).
Trong những yêu cầu được nêu tại Quy chế, hiện được quan tâm nhất là yêu cầu liên quan đến công trình, sản phẩm khoa học của nghiên cứu sinh.
Có lẽ, cần thống nhất chia sẻ quan điểm khi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của bài báo, công trình khoa học đối với việc đào tạo tiến sĩ.
Đây là một trong những minh chứng, chỉ số để đánh giá chất lượng học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong quá trình đạt tới học vị tiến sĩ.
Tuy nhiên, việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại.
Quy chế 08 năm 2017 có quy định công nhận các báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện, chưa xem xét cụ thể mức độ uy tín của hội nghị hay hội thảo. Quy chế 18 đã quy định cụ thể hơn về những ấn phẩm được Hội đồng Giáo sư nhà nước đánh giá, và các hội nghị khoa học cũng phải thuộc danh mục WoS/Scopus.
So với thời điểm ban hành Quy chế 08 năm 2017, hiện nay, các tạp chí, ấn phẩm trong nước đã có nhiều đầu tư về nguồn lực và chuyên môn, đã có sự thay đổi nhiều về chất. Không chỉ là diễn đàn khoa học, đây còn là nơi công bố các nghiên cứu, tư vấn chính sách… có ý nghĩa thực tiễn với Việt Nam, được thành lập và hoạt động dưới sự cho phép và quản lý của các cơ quan chức năng.
Trên thực tiễn, chất lượng của nhiều tạp chí ngày càng gia tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước hoàn toàn xứng đáng được nhìn nhận đánh giá khách quan và công bằng hơn.
Bên cạnh yêu cầu đầu ra, việc đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ còn thể hiện ở các quy định từ đầu vào, nhưng quan trọng hơn là quá trình học tập, có nỗ lực và tiến bộ, có sự chuẩn bị kỹ về kế hoạch, thời gian học tập, nghiên cứu…
Bộ GD&ĐT trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường giám sát (cùng với sự giám sát của giới khoa học, của toàn xã hội) đối với quá trình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong các cơ sở đào tạo.