Quy chế đào tạo Tiến sĩ 2021: Tiếp cận thế nào cho đúng?

GD&TĐ - Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD&ĐT ban hành kèm Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT (Quy chế mới) thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và cơ sở giáo dục ĐH.

Một buổi bảo vệ Luận án TS tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.
Một buổi bảo vệ Luận án TS tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.

Đồng thời, trong tiếp cận quy chế mới này cũng có những góc nhìn khác nhau tạo nên tranh luận. 

Cần xem đây là một quy chế tối thiểu

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, GS.TS Võ Văn Sen - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG TPHCM, cho rằng:  Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (TS) năm 2017 thể hiện mong muốn hội nhập quốc tế trong đào tạo sau ĐH. Tuy nhiên, cũng có những điểm bất cập không phù hợp với thông lệ đào tạo TS trên thế giới cũng như điều kiện trong nước.

“Do đó, Quy chế mới ban hành dựa trên nền tảng quy chế trước đây và sửa đổi bổ sung cho hợp lý. Cụ thể, quy chế mới có quy định tiêu chuẩn người hướng dẫn, điều kiện bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh (NCS) và bài báo khoa học… được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, cũng như khả thi trong thực hiện để có thể thúc đẩy việc phát triển đào tạo sau ĐH” - GS.TS Võ Văn Sen chia sẻ.

Đồng thời, GS.TS Võ Văn Sen nhận định: Cần xác định và thống nhất cách hiểu về Quy chế mới là quy định tối thiểu và khi đáp ứng những điều kiện này, các cơ sở GDĐH mới được tiến hành đào tạo TS.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), cho hay: Xác định nghiên cứu khoa học là thành phần chính yếu và bắt buộc trong chương trình đào tạo trình độ TS có thể được xem là ưu điểm nổi bật của Quy chế mới.

Bởi quá trình làm luận án TS chính là hoạt động NCKH của NCS và tập thể người hướng dẫn. Kết quả nghiên cứu được thể hiện trong nội dung luận án TS và những công bố khoa học có liên quan đến hướng nghiên cứu của NCS. Đây cũng chính là cơ sở để quy chế xác định cụ thể ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu ra cho luận án TS, tiêu chuẩn người hướng dẫn và thành viên hội đồng đánh giá luận án.

“Những công trình công bố liên quan đến kết quả nghiên cứu của luận án được Quy chế mới quy định cho thấy tính hội nhập, linh hoạt và đa dạng trong công bố kết quả nghiên cứu. Đồng thời qua đó, đánh giá cao một số tạp chí khoa học trong nước có uy tín, tạo cơ hội cho việc rà soát để nâng cao chất lượng các tạp chí được tính điểm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước…” - PGS.TS Bùi Văn Hồng chia sẻ. 

GS.TS Võ Văn Sen phát biểu tại hội thảo khoa học
GS.TS Võ Văn Sen phát biểu tại  hội thảo khoa học

Đề cao tinh thần tự chủ

Ở góc độ tự chủ ĐH, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) nêu quan điểm: Quy chế mới có nhiều điểm mới so với quy định trước đây. Trong đó, điểm nổi bật nhất chính là tính lượng hóa trong các quy định; tiến tới xu hướng chung của thế giới và giao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ sở đào tạo.

“Theo đó, việc để một NCS bảo vệ thành công và trở thành TS sẽ phải có các kết quả nghiên cứu cụ thể, được định lượng qua công trình đã công bố, đồng thời thủ tục cũng đơn giản hơn so với trước đây. Tôi hy vọng, Thông tư mới này sẽ tạo đà để đào tạo nhiều TS có chất lượng cho Việt Nam” - TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.

Liên quan những ý kiến trái chiều về chất lượng đào tạo TS theo Thông tư mới, TS Nguyễn Trung Nhân trao đổi: Xã hội quan tâm là đúng. Đào tạo TS là cấp độ chuyên sâu, đặc thù, do đó phải có người thầy giỏi, chuyên gia trong lĩnh vực mà NCS muốn nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của NCS cũng phải có đóng góp nhất định trong lĩnh vực đó, ít nhất về mặt khoa học, phương pháp luận.

“Đã đến lúc cần xem lại khái niệm “tạp chí nước ngoài” hay “tạp chí trong nước”. Thực chất, Việt Nam đã có tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh, thu hút công trình toàn cầu và có những tạp chí đã được công nhận trên thế giới thông qua việc được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus. Những tạp chí này được xếp vào “tạp chí trong nước”, nhưng bản chất là những tạp chí quốc tế…” - TS Lê Văn Út bày tỏ.

Ở góc độ khác, TS Lê Văn Út (Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cũng cho rằng: Quy chế mới nới lỏng yêu cầu kết quả công bố trong luận án trước khi bảo vệ. Theo quy chế mới, nghiên cứu sinh chỉ cần công bố công trình trên những tạp chí trong nước và được tính điểm là có thể bảo vệ luận án. Trong khi đó, quy chế năm 2017 bắt buộc nghiên cứu sinh phải có công bố trên các tạp chí/ hội thảo nước ngoài, trong đó có tạp chí ISI/Scopus. Như vậy, quy chế mới giúp cho việc hoàn thành luận án thuận lợi hơn.

Trước một số quan điểm cho rằng, Quy chế mới có những bước thụt lùi hội nhập quốc tế, GS.TS Võ Văn Sen khẳng định: Hội nhập quốc tế là tốt nhưng không phải hội nhập là tất cả và hội nhập bằng tất cả mọi giá.

“Quy chế cũ quy định chung cho các ngành như vậy là không phù hợp. Do đó chưa phải là tiến bộ mà còn làm hạn chế sự phát triển của đào tạo sau ĐH. Bởi vậy, nó chưa phải là một bước tiến mà là một mong muốn chủ quan. Đồng thời, Quy chế mới càng không phải thụt lùi mà là sự điều chỉnh cần thiết và là bước đi phù hợp, khả thi” - GS.TS Võ Văn Sen chia sẻ.

Bên cạnh đó, GS.TS Võ Văn Sen cũng cho rằng, từ nền tảng của Quy chế mới, cơ sở GDĐH nào có quyền tự chủ đào tạo, thấy mình có điều kiện tốt hơn có thể nâng tiêu chuẩn đào tạo của mình lên. Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh về thương hiệu chất lượng trong đào tạo TS giữa các cơ sở đào tạo. Điều này phù hợp với tinh thần tự chủ ĐH được quy định trong Luật GDĐH…

“Điển hình về bài báo quốc tế, quy chế mới không cấm việc có các bài báo Scopus - ISI hay bài báo uy tín quốc tế. Tuy nhiên, Quy chế mới có chữ “hoặc” bài báo khoa học trong nước, hay các hội thảo khoa học quốc tế trong nước/ công trình khoa học trong nước là phù hợp. Bởi, hiện nay chúng ta khuyến khích tự chủ về ĐH, điều này không đơn thuần là tự chủ về tài chính mà còn là tự chủ về đào tạo, tự chủ về nghiên cứu khoa học… Các cơ sở GDĐH tùy theo năng lực của mình sẽ xác định mức độ tự chủ về đào tạo” -  GS.TS Võ Văn Sen nhấn mạnh.

“ĐH Quốc gia Singapore là một trong các ĐH đẳng cấp thế giới, trong rất nhiều ngành đào tạo cũng chỉ yêu cầu NCS có 2 bài báo khoa học ở Hội nghị khoa học quốc tế (họ tài trợ kinh phí đi dự). Một số ĐH lớn ở Nhật Bản cũng không đòi hỏi NCS phải có bài báo khoa học Scopus - ISI, cùng lắm yêu cầu NCS phải có một hay hai bài báo dự Hội nghị khoa học quốc tế. Thậm chí, những ĐH lớn ở Mỹ cũng không yêu cầu NCS phải có các bài báo khoa học Scopus – ISI (ngay cả Đại học Harvard cũng thế). Họ quan niệm, những công bố khoa học lớn là chuyện của các nhà khoa học; diễn đàn tạp chí khoa học đẳng cấp cao là “sân chơi” chủ yếu của giới khoa học, chứ không phải của NCS…” - GS.TS Võ Văn Sen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ