Thi tốt nghiệp THPT 2021: Có địa phương đã chấm xong bài thi tự luận

GD&TĐ - Chiều 16/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn kiểm tra số 1 của BCĐ quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 họp trực tuyến với BCĐ thi 11 tỉnh phía Nam, Tây Nguyên kiểm tra công tác chấm thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Trong số 11 tỉnh có những địa phương đang là điểm nóng về dịch bệnh như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh…

Chấm thi thuận lợi, bảo đảm tiến độ

Báo cáo của các địa phương cho thấy công tác chấm thi đang diễn ra hết sức nghiêm túc và thuận lợi, nỗ lực để bảo đảm cả chất lượng và tiến độ chấm.

Tại Lâm Đồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hồng Hải thông tin tình hình chấm thi tại địa phương diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch. Công tác chấm thi tự luận được tiến hành từ 11/7 và chiều nay đã chấm xong các bài thi tự luận. Sáng mai tiến hành ráp phách, kiểm rò 100% bài thi. Dự kiến chiều mai sẽ hoàn tất phần chấm tự luận.

“Thông tin từ tổ trưởng tổ chấm, năm nay tiến độ chấm thi tự luận nhanh hơn vì số lượng tờ giấy bài làm của thí sinh ít hơn năm trước. Với bài trắc nghiệm, Lâm Đồng đã gửi về Bộ đĩa CD0, CD1 và hiện đang trong quá trình sửa lỗi” – bà Phạm Thị Hồng Hải cho biết.

Cùng Lâm Đồng, Kon Tum cũng là địa phương sớm hoàn thành chấm tự luận. Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, cho biết sẽ hoàn thành chấm tự luận vào ngày mai. Chấm thi trắc nghiệm, Sở GD&ĐT đã hoàn thành công đoạn sửa lỗi và bàn giao CD2 cho Bộ GD&ĐT.

Hội đồng thi Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh năm nay có 87.668 bài tự luận Ngữ văn và hơn 420.000 bài thi trắc nghiệm. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hoài Nam cho biết: Theo tinh thần cuộc họp giao ban của Ban chấm thi Hội đồng thi TP Hồ Chí Minh, với công suất và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm như hiện nay, thành phố sẽ hoàn thành hoạt động chấm thi đảm bảo tiến độ theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT là trước ngày 24/7.

Tại Đắk Lắk, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa, với chấm trắc nghiệm, hiện địa phương đã gửi đĩa CD0, CD1 về Bộ GD&ĐT; chiều nay hoàn thành sửa lỗi và ghi đĩa CD2 để gửi về Bộ. Với bài tự luận, tính đến chiều 16/7, Đắk Lắk đã hoàn thành 80% số bài. Dự kiến tỉnh sẽ hoàn thành chấm thi vào 20/7/2021 và công bố kết quả thi theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT là 26/7/2021.

Đồng tốc với Đắk Lắk, Long An cũng đã chấm được khoảng 80% bài tự luận. Riêng trắc nghiệm, Sở GD&ĐT đã gửi đĩa CD2 về Bộ.

Còn Đồng Nai, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Huy Khánh, chấm trắc nghiệm đang ở công đoạn sửa lỗi, ghi đĩa CD2. Chấm tự luận đang diễn ra rất thuận lợi và dự kiến sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 20/7.

Tiền Giang, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Hiếu, việc chấm thi tự luận đã hoàn thành chấm được 80% số bài thi. Với chấm trắc nghiệm, đã xuất 2 CD0-1-2 gửi về Bộ GD&ĐT.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết dự kiến chấm xong bài tự luận vào khoảng 20/7. Chấm trắc nghiệm, Sở GD&ĐT đã gửi đĩa CD0, CD1 về Bộ và đang thực hiện việc sửa lỗi, dự kiến sẽ xuất CD2 gửi Bộ vào ngày mai...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn kiểm tra số 1 của BCĐ quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 họp trực tuyến với BCĐ thi 11 tỉnh phía Nam, Tây Nguyên kiểm tra công tác chấm thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn kiểm tra số 1 của BCĐ quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 họp trực tuyến với BCĐ thi 11 tỉnh phía Nam, Tây Nguyên kiểm tra công tác chấm thi.

Ít trường hợp chênh lệch điểm

Thông tin đáng lưu ý được các địa phương chia sẻ là trong quá trình chấm bài thi tự luận, độ lệch điểm không lớn. Một lý do chung quan trọng được hầu hết địa phương đưa ra là do đáp án của Bộ GD&ĐT chi tiết, cụ thể, tạo thuận lợi cho việc chấm thi.

Ông Võ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang nhận định: Đáp án môn Ngữ văn rất chi tiết, rõ ràng, rành mạch, nên trong quá trình thảo luận chấm chung, thầy cô thống nhất cao. Do đó, ghi nhận đến thời điểm này, độ lệch điểm giữa các vòng chấm không cao.

Tương tự, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng, từ kết quả 1.186 bài thi được chấm kiểm tra (khoảng 9% tổng số bài thi), số điểm lệnh giữa chấm kiểm tra với phiếu thống nhất điểm của giám khảo chấm không có bài nào lớn hơn 1,5 để phải chấm lại lần 3. Chỉ có 42 bài lệch từ 0,25 đến 1,5 điểm (chiếm khoảng 3,5%số bài chấm kiểm tra).

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cũng cho rằng, qua theo dõi thấy đáp án năm nay của Bộ khá rõ ràng, tạo thuận lợi cho thầy cô thảo luận, vận dụng. Số lượng bài thi phải chấm vòng 3 ít hơn so với mọi năm.

Tương tự, Sở GD&ĐT Đồng Nai cũng nhận định đáp án chi tiết, dễ chấm, việc thực hiện thảo luận đáp án chấm thi nghiêm túc, hiệu quả, nên điểm chênh lệch giữa 2 vòng chấm rất ít; chưa xảy ra tình trạng phải chấm lần 3.

Với Tây Ninh, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Ngọc Hải, trong số các bài được chấm kiểm tra, có 7 bài lệch điểm, mức lệch cao nhất là 0,25 - nhìn chung nằm trong vùng an toàn. “Đáp án tự luận nhìn chung rõ ràng, chặt chẽ, cán bộ chấm thi không có ý kiến phản ánh gì khác và cơ bản chấm đều tay” - ông Hải cho hay.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông nhận định đáp án chấm chi tiết, khoa học. Hiện địa phương chưa có đề xuất nào từ tổ trưởng tổ chấm kiểm tra với trưởng ban chấm thi về việc đối thoại với cán bộ chấm thi.

Thực hiện “3 tại chỗ”, nghiêm cẩn theo quy chế và phòng dịch

Báo cáo đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM - Lê Hoài Nam cho biết, bên cạnh bảo đảm công tác chuyên môn về chấm thi, Hội đồng thi Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh phải “căng mình” ứng phó với dịch bệnh. Song song với các Ban chuyên môn như Ban làm phách, Ban chấm thi tự luận, Ban chấm thi trắc nghiệm… TP Hồ Chí Minh còn thành lập Ban phòng chống Covid-19 để kiểm soát, phòng chống dịch cho tất cả đội ngũ giám khảo, cán bộ, nhân viên tham gia chấm thi được yên tâm thực hiện nhiệm vụ. 

Gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu chấm thi, trước khi thực hiện nhiệm vụ, đều được xét nghiệm Covid-19. Hoạt động xét nghiệm này đều đặn tiến hành 5 ngày/lần, để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh, đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân sự tham gia.

Mỗi tổ chấm bố trí không quá 10 người và chia ca giữa các tổ chấm, để tránh tập trung đông.

Đồng Nai hiện cũng là “điểm nóng” về dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, địa phương này đã trưng dụng một khu vực độc lập để tổ chức chấm thi và làm nơi ở tập trung trong suốt thời gian chấm thi cho tất cả lực lượng tham gia công tác này. Trước đó, tất cả nhân sự chấm thi đều được xét nghiệm Covid-19, bảo đảm âm tính mới tham gia làm nhiệm vụ.

Nguyên tắc 3 tại chỗ - chấm thi, ăn, nghỉ tại chỗ cũng được Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng. 176 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và công an tham gia làm nhiệm vụ trong các ban chấm thi đều được xét nghiệm Covid-19. Trong suốt quá trình chấm thi tập trung, lực lượng này thực hiện ăn nghỉ cách ly và chỉ rời khu chấm khi công tác chấm thi đã hoàn tất. Trước khi ra về, cán bộ, giáo viên, nhân viên được xét nghiệm lại Covid-19 để bảo đảm không có nguồn dịch lây trong cộng đồng.

“Chúng tôi xác định việc chấm thi cũng phải thực hiện nhiệm vụ kép là tổ chức chấm đúng Quy chế và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K để bảo đảm an toàn phòng chống dịch” - đại diện Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay.

Ghi nhận nỗ lực của các địa phương, thầy cô tham gia công tác chấm thi trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, tổ chức tốt công tác chấm thi để bảo đảm cả chất lượng và tiến độ chấm; đồng thời bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19.

Qua báo cáo và ý kiến trao đổi của địa phương đến thời điểm này, có thể thấy công tác chấm thi diễn ra theo đúng kế hoạch, bước đầu đạt mục tiêu kép: bảo đảm an toàn phòng dịch và bảo đảm tiến độ, chất lượng chấm thi. Mặc dù vậy, Thứ trưởng tiếp tục nhấn mạnh cần tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Trong đó, đặc biệt phải thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh và quy trình chấm thi theo đúng quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.