Cha đỗ Hoàng giáp, con đậu Trạng nguyên

GD&TĐ - Bốn cha con ông cháu đều đỗ Tiến sĩ, ba trong số đó được dân tôn thánh. Đó là kết quả huy hoàng của một dòng họ chuyên tâm dùi mài kinh sử.

Ba cha con Hoàng giáp Đỗ Nhân được ghi danh trong Văn miếu Xích Đằng.
Ba cha con Hoàng giáp Đỗ Nhân được ghi danh trong Văn miếu Xích Đằng.

Họ Đỗ làng Lại Ốc, xã Long Hưng (Văn Giang - Hưng Yên) nổi tiếng từ thế kỷ 15, đến nay vẫn còn những sử liệu lẫn giai thoại kể về sự học của tiên tổ. Đó là Hoàng giáp Đỗ Nhân – thân phụ của Trạng nguyên Đỗ Tông và Tiến sĩ Đỗ Tấn, cũng là ông nội của Tiến sĩ Đỗ Trực.

Cha đỗ Hoàng giáp

Theo sách “Danh nhân Hưng Yên”, vào năm 1493 nhà Lê mở khoa thi, Đỗ Nhân người làng Lại Ốc tham gia ứng thí và đỗ Hoàng giáp khi tròn 20 tuổi. Khoa thi này, Ngô Thầm - người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn đỗ Đệ nhất giáp Bảng nhãn. Đỗ Nhân đứng thứ 3 trong hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ.

Sau khi đỗ đạt, ông đổi tên là Đỗ Nhạc, từng phụng mệnh vua Lê Thánh Tông đi sứ nhà Minh. Năm 1512 thời Lê Tương Dực, ông làm Tán lý quân vụ, tiến đánh tàn quân nổi dậy của Trần Tuân, Nguyễn Nghiêm ở Sơn Tây, Hưng Hóa. Giữa năm đó, có Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt nổi dậy ở Nghệ An chống triều đình tiến ra Thanh Hóa. Ông lại được lệnh làm Tán lý đi đánh và thắng được.

Ít lâu sau quân nổi dậy Trần Cảo đánh chiếm kinh thành, vua Lê Chiêu Tông phải bỏ chạy. Sau đó các trấn mang quân về chiếm lại kinh thành. Đỗ Nhân trong số các tướng rước vua Chiêu Tông trở lại Thăng Long.

Năm 1517, ông được thăng làm Thượng thư bộ Lại, kiêm chức cũ. Mùa Thu năm 1518, Đỗ Nhân được thăng làm Đô ngự sử. Ông làm quan trải 6 triều vua, một lòng trung thành, làm việc cẩn thận, nổi tiếng hay chữ, thanh liêm, tính tình cương trực, thẳng thắn, dám nói thẳng ý mình, không sợ cường quyền.

Trong năm 1518, quyền thần là Trần Chân bị vua giết. Thuộc hạ thân tín của Chân là Nguyễn Kính đem quân ép sát kinh thành Thăng Long để báo thù. Vua phải bỏ chạy khỏi kinh thành trong đêm. Sau đó cho triệu Mạc Đăng Dung ở Hải Dương về dẹp loạn.

Mạc Đăng Dung liên tục ép buộc vua dời từ nơi này sang nơi khác. Khi biết mưu đồ của Mạc Đăng Dung, Đỗ Nhân cùng một đại thần khác là Nguyễn Dự can gián nhưng không được.

Thấy vua bị ép phải vượt qua sông Hồng về sát kinh thành vẫn đang do quân phiến loạn chiếm giữ, Đỗ Nhân không màng nguy hiểm ra sức can ngăn. Mạc Đăng Dung thấy vậy liền sai đồ đảng là Đinh Mộng bắt đến ruộng dâu ngoài cửa Bắc hành dinh Xuân Đỗ rồi giết ông và Nguyễn Dự.

Sử sách có ghi, về sau Mạc Đăng Dung nhận thấy việc giết Đỗ Nhân và Nguyễn Dự là quá nhẫn tâm nên cuối năm đó tâu vua làm lễ dự tế cho hai ông, cử Thượng thư bộ Lại là Lê Sạn đứng chủ tế và cấp cho gia quyến mỗi nhà 100 quan tiền, truy tặng Đỗ Nhân tước Thiếu bảo, Văn Trinh bá.

Bốn cha con ông cháu Đỗ Nhân đều là các nhà khoa bảng lừng danh. Ảnh minh họa: ITN.

Bốn cha con ông cháu Đỗ Nhân đều là các nhà khoa bảng lừng danh. Ảnh minh họa: ITN.

Con đậu Trạng nguyên

Thương tiếc vị Hoàng giáp tài năng chính trực, dân làng Lại Ốc quê hương ông đã lập đền thờ, tôn ông là phúc thần. Sau này, khi nhà Mạc nắm quyền, mở khoa thi chọn người tài, con của Đỗ Nhân là Đỗ Tông và Đỗ Trực ra ứng thí mong nối nghiệp cha.

Theo các nguồn sử liệu đăng khoa, khoa thi năm Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529) đời Mạc Thái Tổ - người đỗ Trạng nguyên là Đỗ Tông (Đỗ Tống) người xã Lại Ốc, huyện Tế Giang, phủ Thuận An, Kinh Bắc.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Kỷ Sửu (1529) ghi rằng: Ngày 18/2, Hoàng thượng ngự ở hiên điện, đích thân ra đề văn sách hỏi về đạo trị nước. Sai Đề điệu là Thái bảo Diệm quốc công Mạc Kim Phiêu, Binh bộ thượng thư Khánh Khê hầu Mạc Ninh Chỉ cùng các quan hữu ti chia giữ các việc.

Hôm sau, quan Độc quyển là Lễ bộ thượng thư Đông các Đại học sĩ Văn Đàm bá Nguyễn Thanh, Lại bộ thượng thư Quốc Tử Giám Tế tửu Bỉnh Lễ bá Đinh Trinh dâng quyển đọc. Hoàng thượng xem xét, định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Đỗ Tông 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Vân Quang 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hữu Hoán 16 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.

Ngày 24, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, sai gọi loa xướng tên người đỗ. Bộ Lại ban ân mệnh, bộ Lễ rước bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học… Bọn thần kính vâng mệnh sáng, chúc mừng cho nền tư văn, cung kính cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Khí chân nguyên hòa hợp thì hào kiệt xuất hiện trong thiên hạ, vua sáng tôi hiền gặp gỡ, cơ trời cảm ứng, há phải chuyện tình cờ… Từ đời Hán đến Đường, Tống cùng là các bậc anh minh của nước Việt ta đều lấy việc đó làm bậc thang cho hào kiệt tiến thân…

Kẻ sĩ được gặp gỡ vua thánh anh minh, gội nhuần giáo hóa, dự vào hạng anh hùng, bước vào đường vinh hiển, lại được nêu họ tên lâu dài trên bia đá, há chẳng vẻ vang may mắn lắm sao? Vậy nên mang đội ơn sâu, dốc lòng thực tiễn, lấy trung liêm dồi tiết cứng, lấy lễ nghĩa làm phép thường, giữ lòng thẳng thắn, chẳng lệch chẳng xiên, làm nên sự nghiệp lớn lao bền vững.

Phải làm sao như Lã Văn Dương lấy chính đạo giữ mình mà giúp cuộc thịnh trị trong đời thái bình hữu đạo, như Hàn Ngụy Công áo mũ chầu vua mà thiên hạ yên như bàn thạch; khiến mọi người phải ca ngợi là vị Trạng nguyên chân chính, vị Tiến sĩ lừng danh. Được như thế trên không phụ thánh thiên tử cho đặt khoa thi, dưới không phụ với sở học thường ngày, thì công lao sự nghiệp vĩ đại quang minh sẽ làm rạng rỡ cho tấm đá này.

Thảng hoặc có người ngoài vuông nhưng trong tròn, trước trinh trắng mà sau tì vết, điều nhìn thấy không đúng với điều được nghe, việc làm trái với sở học thì chỉ làm lụy cho khoa mục, làm tì vết cho bia đá này, há chẳng nên tự răn hay sao?

Cả nhà Tiến sĩ

Bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức 3 (1529) – khoa Đỗ Tông đỗ Trạng nguyên.

Bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức 3 (1529) – khoa Đỗ Tông đỗ Trạng nguyên.

“Lẽ trời ở trong lòng, hiện ra thì thấy rõ, thánh hóa ban tới người dân, lâu ngày tất cũng rõ rệt. Bia đá này dựng ở nhà Thái học, nêu cao ý chuộng văn của triều đình trong buổi đầu mà còn khích lệ nhân tâm, bồi dưỡng sĩ khí để phù hợp với giáo hóa. Sau này các sĩ tử gặp nhau, mắt nhìn bia, miệng đọc bia, chẳng ai mà không cảm kích phấn khởi, lấy khoa mục để tự động viên mình thấy ơn sâu mà gắng sức, nối nhau xuất hiện mà giúp cuộc thái bình thịnh trị muôn thuở cho nước nhà, xây đắp xã tắc muôn năm được bền vững” - Lời kết văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Kỷ Sửu (1529).

Các nguồn sử liệu cho biết sau khi đỗ Trạng nguyên, Đỗ Tông làm quan cho nhà Mạc, giữ các chức quan như Tả Thị lang bộ Hình, Đông các Đại học sĩ.

Em trai Đỗ Tông là Đỗ Tấn đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi năm Đại Chính thứ 6 (1535) thời Mạc Thái Tông, làm quan đến chức Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Trà Quận công. Sau bị tử trận, được tặng tước Quốc công.

Con trai Trạng nguyên Đỗ Tông là Đỗ Trực đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Diên Thành thứ 3 (1580) đời Mạc Mậu Hợp. Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ. Về sau ông theo giúp nhà Lê làm Đông các Đại học sĩ. Ông mở mang và khai phá một vùng đất mới nay là thôn Đại Vy, xã Đại Đồng (Tiên Du - Bắc Ninh).

Ba cha con Hoàng giáp Đỗ Nhân, Trạng nguyên Đỗ Tông, Tiến sĩ Đỗ Trực đã trở thành một tấm gương sáng về đạo học - đạo làm người. Bởi thế, ba cha con ông đều được dân làng tôn thánh phụng thờ. Ở làng Lại Ốc hiện vẫn còn dấu tích “Đền ông Trạng”. Tuy nhiên, người dân cho biết bởi thời gian và những thăng trầm lịch sử đã khiến ngôi đền này bị tàn phá.

Ngôi đền không còn, nhưng sự học và giai thoại về việc dùi mài kinh sử mà bốn cha con ông cháu Đỗ Nhân đã được ghi danh trên bia đá vẫn còn mãi với thời gian. Suốt từ thế kỷ 15 và về sau này, danh tiếng của các vị khoa bảng họ Đỗ làng Lại Ốc đã vượt ra khỏi khuôn khổ làng xã, được nhiều làng học – đất học biết đến và ngưỡng mộ.

Có thể nói rằng, triều đại nhà Mạc tuy có nhiều khúc mắc và mang tiếng cướp ngôi, nhưng cũng phải khẳng định sự chu toàn khi biết đặt giáo dục khoa cử thành chiến lược hàng đầu.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” từng phải công nhận rằng: “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống với nhà Lê, kéo dài hơn 60 năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó”.

Ở triều nhà Mạc, những danh sĩ nổi tiếng cũng được lịch sử mãi biết đến, như Nguyễn Hãng, Nguyễn Văn Huy (đỗ cùng khoa với Đỗ Tông), Giáp Hải, Dương Phúc Tư, Nguyễn Kỳ, Nguyễn Thị Duệ… mà mỗi người đều để lại những di sản văn hóa đáng kể cho hậu thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ