Nhà khoa bảng văn võ toàn tài làng Lê Xá

GD&TĐ - Xuất thân từ một nhà khoa bảng, Tiến sĩ Lý Trần Thản lại lĩnh nhiều chức vụ quan võ, tham gia dẹp loạn, tiễu phỉ…

Năm 2021, gia tộc Lý Trần đã tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm sinh ngày sinh Tiến sĩ Lý Trần Thản.
Năm 2021, gia tộc Lý Trần đã tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm sinh ngày sinh Tiến sĩ Lý Trần Thản.

Trong cuộc đời làm quan, Lý Trần Thản được giao nhiều trọng trách như: Hữu tư giảng, Biên tu, Đốc lĩnh các đạo Hưng - Tuyên, làm nhiệm vụ tiễu phỉ; Thị lang rồi Thượng thư, sau lại được tham dự việc trông coi biên soạn sách vở ở Viện Hàn lâm. Người đương thời đánh giá ông là nhà khoa bảng có tài cả văn lẫn võ.

Nhà khoa bảng Lê Xá

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, cha và ông nội họ Đặng nhưng Lý Trần Thản lại mang họ Lý, bởi trong 2 lần thay đổi tính danh của dòng tộc từ gốc họ Trần sang Đặng Trần, rồi từ Đặng Trần sang thành Lý Trần thì ứng vào trường hợp Lý Trần Thản.

Là hậu duệ của họ Đặng Trần, nhưng lại là khởi phát của việc ra đời dòng họ Lý Trần. Cho dù truân chuyên nhưng trong cả 2 lần thay đổi tính danh dòng họ thì 2 đặc điểm truyền thống nổi bật là: Dòng họ cự tộc đại gia và văn hiến thi thư đều tụ lại được ở Lý Trần Thản.

Lý Trần Thản sinh ngày 12/3 năm Tân Sửu (1721) tại xóm Giếng, xã Lê Xá (nay là làng Lê Xá, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Cha của ông là Đặng Trần Diễm, quê làng Vân Canh (nay là xã Xuân Phương, Nam Từ Liêm - Hà Nội). Mẹ ông là bà Lê Thị, người xã Lê Xá, tổng Đội Sơn, trấn Sơn Nam Thượng.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh - Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo, thì từ nhỏ Lý Trần Thản đã được cha rèn cặp cẩn thận, từ nét chữ đến nét người.

Đặc biệt, người cha luôn dạy con lấy chữ Đức làm đầu. 11 tuổi, mẹ qua đời, Lý Trần Thản được cha đưa về Vân Canh. Năm 12 tuổi, Lý Trần Thản theo học thầy Nguyễn Quảng Cư, sau này ông Quảng Cư về làm quan ở phủ Thường Tín.

Bắt đầu con đường khoa cử từ sớm, năm 16 tuổi Lý Trần Thản đỗ Tam khoa. Năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), ngoài 20 tuổi, Lý Trần Thản đỗ Tam trường. Tuy nhiên, đây đều là những kỳ thi Trung khoa chứ chưa phải là Đại khoa.

Năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744) ông được bổ làm Tri huyện Thanh Hà (Hải Dương). Năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), được bổ làm Tri huyện Phú Xuyên. Năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) làm quan Trấn thủ Hưng Hóa, rồi Trấn thủ Đà Giang.

Năm Cảnh Hưng 12 (1751) lên Tuyên Quang, có công dẹp loạn, được phong chức Binh bộ Thị lang, tước Tuy viễn Hầu. Năm Kỷ Sửu (1769), 48 tuổi đỗ Tiến sĩ. Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 30 (1769) ghi rằng: “Thực nhờ mọi lúc mọi nơi nêu cao thánh đức, theo lệ xưa mở khoa thi Hội. Sai Phó Đô tướng Tả hòa quân doanh Thự phủ sự Đô đốc phủ Đô đốc đồng tri Nghiêm Quận công Trịnh Miên làm Đề điệu, Nhập thị Kinh diên Bồi tụng Binh bộ Thượng thư Bái Xuyên hầu Trần Huy Bật làm Tri Cống cử, Thự Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử Hàn lâm viện Thị độc Trần Tiến làm Giám thí. Qua trường bốn lấy trúng cách bọn Ngô Duy Viên 9 người”.

Trong bia đề danh, Lý Trần Thản đứng hàng thứ 4 trong 9 vị đại khoa, và hàng thứ 3 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân sau Phạm Công Chí và Nguyễn Đình Giản. Trong khoa thi này, danh sĩ Bùi Huy Bích người Định Công (Thanh Trì) một nho sinh trúng thức đỗ đầu ở hàng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

Lĩnh vụ võ quan

Ban thờ Tiến sĩ Lý Trần Thản.

Ban thờ Tiến sĩ Lý Trần Thản.

Sau khi đỗ Tiến sĩ, Lý Trần Thản được triều đình bổ dụng chức Tri phủ Lỵ Nhân. Tháng 10 năm đó lại triệu vào kinh phong Hữu tư giảng để cùng với Nguyễn Lệ (giữ chức Tả tư giảng) dạy học cho con trai trưởng của chúa là Trịnh Khải, về sau là Đoan Nam vương.

Trưởng thành trong khoa cử phong kiến, trong giai đoạn lịch sử thế kỷ 18 nhiều biến động (vua Lê, chúa Trịnh, Trịnh - Nguyễn phân tranh), nhưng với đức thanh liêm chính trực, cùng tài năng và đức độ của mình, Lý Trần Thản đã đóng góp xứng đáng vào giai đoạn lịch sử này.

Khi làm Tri huyện Phú Xuyên (Hà Nội), với tài trị nhậm, ông giữ được bản hạt thanh bình, ngày không lo cổng chưa gài, đêm dân yên giấc ngủ. Ngày Lý Trần Thản đảm nhiệm việc quan ở phủ Lỵ Nhân, ông đặt thêm các điểm tuần phòng trên các tuyến đê xung yếu sông Hồng, sông Châu.

Từ miền đồng bằng ông được cử đi công vụ ở xứ Hưng Hóa, nơi biên giới phía Bắc. Với tài văn võ song toàn, từ Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn... nơi nào ông đến là làng bản yên ổn, nhân dân vui mừng.

Những ngày được phong chức Hành quân Tư mã (Bộ tham mưu tiền phương của chúa Trịnh) cầm mấy ngàn quân vào sông Gianh xem xét tình hình, ông bí mật cho người vượt sông Gianh quan sát thực địa, lập bản đồ, sửa chữa lán trại, chăm sóc binh sĩ ốm đau... Nhờ tài mưu lược của Lý Trần Thản, việc tranh chấp của hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn được dàn xếp, bớt được cảnh đổ máu xương, gây đau khổ cho nhân dân.

Thầy của chúa Trịnh

Tế lễ tại nhà thờ Tiến sĩ Lý Trần Thản.

Tế lễ tại nhà thờ Tiến sĩ Lý Trần Thản.

Một số nguồn sử liệu ghi rằng, sau ngày thi đỗ Tiến sĩ, Lý Trần Thản nhận việc rèn cặp Thế tử Trịnh Tông con chúa Trịnh Sâm. Trịnh Tông lúc này nhỏ tuổi nhưng thích võ nghệ, không thích học hành. Nhờ sự kèm cặp của ông và các hiền quan khác, Trịnh Tông đã bớt chơi bời, có ý thức hơn về dòng tộc, khôn khéo hơn trước nạn kiêu binh.

Đây là một giai đoạn đầy những biến động trong nội bộ phủ chúa Trịnh. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Trịnh Sâm không muốn chọn Tông làm thế tử, đến khi đủ tuổi ra ở riêng, chúa cũng lờ luôn.

Theo lệ cổ, con trai của chúa cứ đến 7 tuổi thì cho ra ở riêng để học, nếu là con trai trưởng thì cứ đến 13 tuổi là cho mở phủ đệ riêng, được phong làm Thế tử. Nhưng Sâm cho rằng Khải không phải do Chính phi sinh ra nên không yêu quý lắm.

Chúa Trịnh Sâm cho rằng Tông không phải do vợ cả sinh ra, nên chỉ dùng Hân quận công Nguyễn Phương Đĩnh làm bảo phó. Đến năm 9 tuổi, Trịnh Tông mới đi học, dùng Nguyễn Lệ và Lý Trần Thản làm Tả, Hữu tư giảng.

Năm 1770, Lý Trần Thản nhậm chức quan Hình bộ Thị lang. Năm 1773 vào sông Gianh, rồi lại quay ra Bắc. Năm sau (1774), Lý Trần Thản trở lại quê ngoại Lê Xá. Mấy mẫu đất triều đình ban, ông hiến cho làng để làm đình, còn mình trở về xóm Giếng nơi vườn xưa của mẹ để ở, làm nơi thờ tự, đồng thời làm trường dạy trẻ. Tiến sĩ Lý Trần Thản tạ thế ngày 14 tháng 2 năm Bính Thân (1776) tại làng Lê Xá.

Khi Lý Trần Thản mất, triều đình Lê - Trịnh giao cho Tri phủ Lỵ Nhân Nguyễn Hữu Huân tổ chức tang lễ trọng thể, có đông đảo quan chức triều đình Lê - Trịnh, phủ Lỵ Nhân, đồng môn, học trò và dân chúng tham dự. Thay mặt triều đình quan Tri phủ Lỵ Nhân đọc điếu văn.

Câu đối của quan phủ Lỵ Nhân được bình là hay nhất: “Dĩ hiếu, dĩ trung đương nhật thiểu/ Hoàn danh, hoàn phúc kỷ nhân đồng” (nghĩa là “Giữ hiếu, giữ trung nào thấy lắm/ Vẹn danh, vẹn phúc mấy ai bằng” - Tố Hữu dịch năm 1978).

Vào tháng 2/2021, tại thôn Lê Xá, xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên - Hà Nam) gia tộc Lý Trần đã tổ chức Lễ kỷ niệm 300 năm sinh ngày sinh Tiến sĩ Lý Trần Thản.

Các tư liệu còn lại cho thấy, Tiến sĩ Lý Trần Thản được ban 5 sắc phong: Ban lên chức Chiếu khám và thăng chức Cẩn sự lang ở đài Ngự sử vào ngày 12 tháng 9 năm Cảnh Hưng 28 (1767); Phong tặng Đông các Đại học sĩ, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Tước tuy viễn hầu, Hữu Thị lang Hình bộ, Thượng trụ quốc, hàng thượng trật vào ngày 6 tháng 3 năm Cảnh Hưng 37 (1776);

Phong tặng là Trung đẳng phúc thần, là bậc thượng trụ của triều đình, Trung lượng đại vương, thuộc bậc chính thần của Lê Xá thờ cúng vào ngày 15 tháng 6 năm Gia Long thứ 9 (1810); Phong là Vị thần Đoan túc dực bảo Trung Hưng vào ngày 18/11 năm Thành Thái thứ nhất (1889); Tặng thêm cấp trật Vị Trung đẳng phúc thần được đặc biệt thờ phụng vào ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ