Nhà khoa bảng tự xây mộ cho mình

GD&TĐ - Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng là một trong số ít các nhà khoa bảng tự thiết kế xây dựng phần mộ cho mình.

Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng là người tu sửa đền thờ Phạm Ngũ Lão.
Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng là người tu sửa đền thờ Phạm Ngũ Lão.

Là một trong số ít các nhà khoa bảng tự thiết kế xây dựng phần mộ cho mình, Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng không chỉ để lại lời răn dạy con cháu trên những tấm bia, mà còn để lại nghệ thuật tạo tác đá ở chính nơi mình nằm xuống.

Vũ Hồng Lượng (Vũ Vinh Tiến) sinh năm 1620 quê xã Phù Ủng, huyện Đường Hào, nay là thôn Phù Ủng, xã Phù Ủng (Ân Thi - Hưng Yên). Đến nay các nguồn sử liệu về nhà khoa bảng lừng danh thời Lê vẫn khá khiêm tốn. Bởi vậy rất ít người biết đến vị Tiến sĩ có công đức tu sửa đền thờ Phạm Ngũ Lão và đặt ra lệ để dân làng thờ cúng.

Tiến sĩ bị xử tệ

Khu lăng mộ Vũ Hồng Lượng được đánh giá là một di tích giá trị về ý nghĩa nghệ thuật đá thời Lê

Khu lăng mộ Vũ Hồng Lượng được đánh giá là một di tích giá trị về ý nghĩa nghệ thuật đá thời Lê

Theo một số tư liệu, Vũ Hồng Lượng thuở nhỏ nhờ gắng sức chăm chỉ học hành nên khi mới 20 tuổi đã đỗ giải Hương, 21 tuổi đỗ Tiến sĩ. Tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), bia số 35 dựng ngày 16 tháng 11, niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất (1653) có đề danh “Vũ Vinh Tiến, người xã Phù Ủng, huyện Đường Hào” là Tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa năm thứ 6 (1640).

Năm 1645, ông được phong tước nam vì có công trị yên trong nước. Năm 1651, lại được thăng lên chức Bình khoa cấp sự trung, rồi sau đó là Hộ khoa Đô cấp sự trung, được ban tước tử. Năm 1657, nhờ có công vạch định các sách lược, trị an xã tắc, được cất nhắc lên chức Binh bộ Hữu thị lang. Năm 1664, giữ chức Bồi tụng tọa đường, lại được thăng chức Phó đô Ngự sử trung Ngự sử đài.

Những năm cuối đời, nhiều biến cố xảy đến với ông. Năm 1665, Vũ Hồng Lượng bị giáng chức do lỗi khám xét ngục tụng để quá kỳ hạn. Tới năm 1668, ông nhậm chức Đốc trấn Cao Bằng, trấn giữ biên thùy.

Khi Mạc Kính Vũ chạy sang nhà Thanh xin cứu viện. Đầu năm 1669, sứ nhà Thanh đến Thăng Long yêu cầu triều đình nhà Lê bỏ đất bốn châu thuộc Cao Bằng cho nhà Mạc với lý lẽ “thờ nước lớn cần phải cung kính theo mệnh lệnh”. Vì cớ đó, Vũ Hồng Lượng bị triệu về.

Hiện nay, năm mất của Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng chưa thống nhất, một số nguồn cho rằng ông mất năm 1669, tuy nhiên nhiều người ngả theo ý kiến nhận định ông qua đời năm 1689. Ông được nhà Lê truy tặng Binh bộ Hữu thị lang, tước bá.

Sau này, Phạm Đình Hổ có ghi chép đôi dòng về Vũ Hồng Lượng trong “Vũ trung tùy bút”: Đời Lê, khi mới dẹp yên giặc Cao Bằng, trong làng Phù Ủng có một quan văn thần tên là Vũ Vinh Tiến, tuổi còn trẻ đã làm nên khoa hoạn, cầm trọng binh đốc trấn ở Cao Bằng.

Những người kỳ lão ở trong làng đều ghen ghét, việc gì cũng đè nén không cho dự. Mỗi khi làng vào đám, có lệ ăn uống, thì mọi người đều thoái thác, không muốn ngồi cùng chiếu với Vũ công. Vũ công sai đem một trăm lạng bạc và trâu, gạo tạ lỗi. Chúng khước đi không nhận, bắt phải thân về tận nơi.

Vũ công dắt trâu, đem bạc về, luồn lọt cho được thỏa lòng. Được ít lâu, cái hiềm khích cũ đã quên dần, ông mới bàn với dân xoay miếu thần về hướng Bắc, xong đâu đấy, lập đàn chiêu hồn, rồi nhảy xuống sông mà thề rằng: “Làng này đã coi khinh khoa hoạn thì về sau không nên có nữa”.

Từ khi Vũ công mất, học trò trong làng không mấy người đỗ đạt được nữa. Làng mới hối hận về chỗ xử tệ với ông quá. Khoảng năm Bính Ngọ, Đinh Mùi (1726 - 1727) lại xoay miếu thần về hướng Tây như cũ, nhưng trong làng bị dịch tai hại, dân không được yên, đành lại phải để về hướng Bắc…

Tự xây phần mộ cho mình

Một trong các tấm văn bia khắc lời răn dạy ở lăng Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng

Một trong các tấm văn bia khắc lời răn dạy ở lăng Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng

Lăng mộ Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng hiện nay thuộc làng Phù Ủng, nằm trong cụm di tích đền Phù Ủng - cũng là nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Theo ngành văn hóa Hưng Yên, tại đây có hai tấm bia đá rất độc đáo.

Bia thứ nhất có tên “Vũ tướng công từ chỉ bi”. Bia có bốn cột, bốn mặt. Trán bia khắc điểm hoa dây, chân bia chạm hoa sen cách điệu. Bốn cột khắc bốn đôi câu đối ca ngợi Vũ Hồng Lượng. Mặt số một khắc khẳng định tục thờ cúng là truyền thống tốt đẹp, được “vầng nhật nguyệt chứng giám” giống như “sông lớn không bao giờ cạn”.

Từ chỉ bi chỉ dẫn các bệ thờ giống chiếc giường chia ba. Bệ trái thờ Hiển tổ Vũ Phúc Thuần, bệ giữa thờ Vũ Hồng Lượng, bệ phải thờ Hiển tằng tổ Vũ Phúc Ninh. Cuối cùng là đôi câu đối.

Mặt hai ghi ruộng đất chia cho con trưởng gồm ruộng thờ (2 mẫu 3 sào 13 thước 9 tấc), ruộng tế (9 mẫu 3 sào 13 thước 4 tấc) và dặn thờ hai họ nội, ngoại, thờ những người góp của xây từ chỉ.

Mặt ba khắc bài văn Vũ Hồng Lượng khấn mời Hiển tổ, Hiển tằng tổ, Hiển cao tổ, dặn con cháu “đời đời kính trọng không quên”. Mặt tư ghi tên tục, tên húy, tên chữ, tên thụy, tên hiệu, chức tước, tên được phong tặng, phong ấm của tổ tiên để đời sau thờ phụng.

Bia thứ hai có tiêu đề “Vũ tướng công thực lục bi” viết theo lối chữ chân. Trán bia chạm lưỡng long chầu nhật, mặt sau chạm hai chim phượng chầu mặt trời, diềm chạm hoa cúc dây, chân chạm hoa sen cách điệu.

Bia có bốn mặt: Mặt trước ghi hành trạng Vũ tướng công: Năm sinh, năm mất, đường học hành, quan lộ; hành trạng phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Hạo, bà tên húy Kim Tề, là con gái công bộ Tả thị lang và cụ bà Vũ Thị Hằng. Năm Canh Thìn (1640), bà làm lễ vu quy, sinh một con trai, bốn con gái được phong ấm Thận Nhân (1657). Bà mất năm Tân Sửu (1661).

Mặt sau ghi tài sản ruộng đất chia cho các con, phần mộ tổ tiên dặn lại đời sau thờ cúng. Văn bia do Vũ tướng công soạn. Mặt ba khắc bài thơ thất ngôn bát cú “Miên tử tôn hành thiện chí” (khuyên con cháu làm điều thiện) và đôi câu đối. Mặt bốn khắc bài thơ “Miên tử tôn cần học thi” (khuyên con cháu gắng học tập) và đôi câu đối.

Điêu khắc độc đáo

Đề tài sấu đá ở lăng Vũ Hồng Lượng.

Đề tài sấu đá ở lăng Vũ Hồng Lượng.

Lăng Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng được xây bằng đá trên gò đất cao hướng Đông trông ra sông Cửu Yên, cách sông 130m, phía trước có bệ đá. Đường chính giữa lát đá, hai bên sân có hai nhà bia. Tại hai góc nền thờ có hai cặp nghê chầu hai bên cây hương và sấu đá. Đặc biệt là hệ thống tượng người, tượng linh thú và tượng thú đặt ở nhiều vị trí trong lăng mộ.

Với mặt bằng hình vuông với đường linh đạo kéo dài từ cổng vào khu mộ tạo thành kiểu mặt bằng không gian khu hành lễ - khu vực được cho là quan trọng nhất của lăng mộ, gắn với ý nghĩa nghinh đón, tưởng niệm, nơi gặp gỡ của thế giới nhân gian với thế giới linh hồn của người chết.

Theo thống kê của ngành văn hóa Hưng Yên, lăng Vũ Hồng Lượng có 2 cặp tượng người, 2 tượng nghê, 2 tượng lân và 2 tượng chó bằng chất liệu đá. Trong đó, 1 cặp tượng chó gắn với bên trong cổng lăng, đặt ở vị trí hai bên lối vào, có chiều cao 68cm và 80cm, chiều rộng 38 - 45cm.

Những tượng chó này thường được đặt ngoài cổng với hướng nhìn ra ngoài cổng lăng, đặc điểm này thể hiện vai trò canh giữ, bảo vệ giống như chức năng của loài chó thực ở ngoài đời.

Tượng nghê ở lăng Vũ Hồng Lượng được tạo tác khá mạch lạc giữa các phần thân, cổ và đầu. Tỉ lệ giữa các phần cũng hài hòa thanh thoát. Các chi tiết như tai, mắt, miệng, râu bờm, đuôi, sống lưng… không quá rườm rà. Khối tượng căng khỏe và hình tượng được thiêng hóa những chi tiết mang tính trang trí với biểu tượng như mây lưỡi lửa, bờm xoắn…

Tượng nghê ở lăng Vũ Hồng Lượng nhỏ nhắn, kiểu dáng tương đối giống với kiểu dáng tượng chó ngồi với hai chân trước chống thẳng, hai chân sau cuộn khép chặt vào khối bụng.

Trên bề mặt khối bố cục xuất hiện các hình thức hoa văn, họa tiết, mô típ trang trí như đao mác, vân mây gắn liền với cấu trúc các khớp của bốn chi. Trên thân có nhiều phần có khối bề mặt để trống thể hiện lớp bề mặt da thịt nở căng tròn của thân hình.

Ở cặp tượng sấu trong lăng Vũ Hồng Lượng với đặc điểm của một loài linh thú có khối đuôi dài tương đương với thân, nên nghệ thuật trang trí được thể hiện trên khối đuôi với nhiều nét song song uốn lượn sóng nước.

Giống như tượng lân, tượng sấu cũng chỉ được trang trí với mật độ họa tiết hoa văn vừa phải. Chủ yếu vẫn là các mô típ hoa văn hình xoắn ốc gắn với khối đầu, hai bên hàm, đặc biệt là hai dải vân xoắn ốc đăng đối nhau qua hai bên sống lưng.

Ngoài ra còn nhiều phù điêu chạm khắc nhiều các con vật quen thuộc như cá, chim, rùa, ếch, ba ba, uyên ương… Trang trí trên thành lan can và bia là những đề tài về rồng, phượng, phù điêu người đội chữ, tạo ra nghệ thuật chạm khắc riêng biệt có ở lăng Vũ Hồng Lượng.

Thông qua ngôn ngữ, hình thức của nghệ thuật bố cục cho ta thấy một mạch chuyển động về hình thể, đường nét tổng thể cũng như đường nét chi tiết tạo thành hệ thống bố cục chặt chẽ cả về hình thức và nội dung.

Mộ phần Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng.

Mộ phần Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng.

Khảo sát từ chỉ và lăng mộ của Tiến sĩ Vũ Hồng Lượng, giới nghiên cứu cho biết - khi còn sống, Vũ Hồng Lượng đã tự thiết kế, xây dựng sinh phần cho bản thân và thờ tổ tiên. Sinh phần được xây năm 1680, tức là xây trước khi mất 9 năm. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí bằng đá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.