(GD&TD)-Đó là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong phần thảo luận về dự án Luật Quảng cáo diễn ra tại Hội trường sáng nay (14/11).
ĐBQH có ý kiến: Việc bỏ quy định cấp phép trên biển quảng cáo, băng rôn sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự trong lĩnh vực quảng cáo |
Tập trung cho ý kiến về quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, đại biểu Nguyễn Thuỳ Trang (đoàn TP HCM) cho rằng, Điều 6 dự thảo luật quy định Bộ Thể thao – Văn hóa và Du lịch chịu trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động này là không hợp lý .
Hoạt động quảng cáo hiện nay trên báo chí (báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử… và trên các ấn phẩm), chiếm 80% doanh số đang do Bộ Thông tin- Truyền thông quản lý, chỉ có 10% doanh số quảng cáo ngoài trời bằng băng rôn do Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch quản lý. Vì thế, nếu dự án Luật quảng cáo giao chức năng quản lý Nhà nước ngành Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì ngành này sẽ phải thiết lập bộ máy từ Trung ương tới địa phương để quản lý. Để tránh tình trạng một trạng báo hai Bộ phải đọc, gây lãng phí lớn nhân lực, đề nghị giao quản lý quảng cáo cho Bộ Thông tin-Truyền thông.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Tân (đoàn Tiền Giang) cũng đề nghị thống nhất một đầu mối về chính sách quảng cáo là giao Bộ Thông tin –Truyền thông.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) lại cho rằng, việc giao Bộ Thông tin- Truyền thông quản lý quảng cáo cũng có cơ sở nhưng chưa thỏa đáng.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến phát biểu ủng hộ phương án như trong dự thảo luật, theo đó Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới là cơ quan đầu mối quản lý về quảng cáo.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Luật cần quy định rõ các vấn đề liên quan đến quảng cáo sai sự thật, nhất là xác định trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất và tổ chức đã phát hành quảng cáo sai sự thật. Có cùng nỗi băn khoăn tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: “Khi cần khiếu nại, người tiêu dùng phải đến đâu? Đối tượng bị khiếu nại là nhà quảng cáo, nhà phân phối hay nhà sản xuất”?
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, không chỉ người phát hành quảng cáo mà ngay cả những nhân vật tham gia quảng cáo (thường là các ngôi sao giải trí, người nổi tiếng…) cũng phải có trách nhiệm về lời nói, hành vi của mình trong mẫu quảng cáo. Đại biểu Cảnh còn cho rằng, luật không nên yêu cầu người nhận quảng cáo bằng tin nhắn phải trả lời từ chối nhận, vì nếu người nhận không đăng ký nhận quảng cáo, không trả lời có thể xem như đã từ chối quảng cáo, “không lý gì bắt hàng triệu người phải trả lời từ chối”.
Việc bỏ quy định cấp phép trên biển quảng cáo, băng rôn sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự trong lĩnh vực quảng cáo. Trong khi đó, chưa có lộ trình để các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự. Các đại biểu kiến nghị, cần thống nhất quy định này để bảo đảm tính khả thi khi bỏ thủ tục cấp phép.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) băn khoăn, mặc dù loại hình quảng cáo trên biển quảng cáo, băng rôn chỉ chiếm 20%, nhưng có tác động lớn, việc quy định bỏ giấy phép thay bằng thông báo là một bước tiến về thủ tục hành chính, nhưng cần phải cân nhắc.
Đại biểu đề nghị cần có sự quản lý chặt chẽ để ràng buộc cụ thể về số lượng, thời gian được phéo treo và trách nhiệm tháo dỡ khi hết hạn để tránh tình trạng đơn vị quảng cáo không thực hiện tháo dỡ khi hết hạn vị trí treo biển.
Trong buổi thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về hình thức quảng cáo, các hành vi cấm quảng cáo, quy định quảng cáo đối với độ cồn trong rượu, bia…
Nguyễn Sơn