Việt Nam - Thị trường tiềm năng của thương mại điện tử
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được cho là thị trường rất tiềm năng, đã có những phát triển vượt trội và có tốc độ tăng trưởng liên tục cao trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, cho biết, trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động thương mại, đầu tư, ngành dịch vụ của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nỗ lực, tận dụng cơ hội, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Con số những doanh nghiệp thành công đạt doanh thu trực tuyến cao ngày càng đông.
Thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là một vấn đề mới với doanh nghiệp, đòi hỏi kỹ năng tốt để tham gia nhưng ngày nay đang trở thành kênh kinh doanh hiệu quả và bền vững nếu doanh nghiệp tận dụng được lợi thế và nâng cao năng lực phát triển.
Trong suốt 7 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20%. Chính vì vậy, việc phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương... một cách bài bản, đúng quy trình sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho rằng, với quy mô các thị trường nhập khẩu nước ngoài còn nhiều dư địa, tiềm năng cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là rất lớn. Đặc biệt khi các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP trở thành động lực mới của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.
Như vậy, cơ hội vẫn sẽ mở ra cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, phù hợp với tiêu dùng tại thị trường nhập khẩu. Đồng thời tận dụng được các thị trường có thương mại điện tử phát triển mạnh để các doanh nghiệp có thể bước chân vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại nhiều rào cản về thủ tục và chi phí.
Kinh nghiệm từ chuyên gia
Ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc phát triển thị trường và quan hệ chính phủ, đại diện Alibaba Việt Nam, cho biết, thành lập năm 1999, Alibaba.com luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hàng triệu nhà nhập khẩu và nhà cung cấp toàn cầu giao thương trực tuyến với nhau. Để nâng cao năng lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, Alibaba.com đã tiến hành các hoạt động tập huấn đào tạo nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho các doanh nghiệp.
Với thế mạnh của Alibaba.com là sàn bán sỉ, có lượng người mua sỉ lớn nên một số ngành như nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, bao bì đóng gói… của Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh trên sàn về chi phí giá thành.
Bà Phan Thị Thanh Hải - Trưởng phòng Kinh doanh và Quan hệ đối tác khối khách hàng nước ngoài của Clever Group - đã giới thiệu và chia sẻ với các doanh nghiệp về giải pháp chuyển đổi số không gian làm việc cùng Google Workspace.
Đây là bộ công cụ văn phòng, làm việc nhóm và giao tiếp đa nền tảng bao gồm email tùy chỉnh, cuộc họp video, lịch, tài liệu và nhiều công cụ cộng tác và giao tiếp khác cho doanh nghiệp. Dù là cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp đều có thể dễ dàng đăng ký, sử dụng dịch vụ để kết nối với khách hàng, thúc đẩy doanh số bán hàng hay quản lý dữ liệu, chia sẻ và cộng tác làm việc.
Giải pháp Google Workspace như một nền tảng tiền đề giúp doanh nghiệp khai mở chặng đường số hóa và là chìa khóa thiết yếu tạo đà cho doanh nghiệp vươn ra thị trường.
Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số, các doanh nghiệp đã và đang chuyển mình và thực hiện các hoạt động xây dựng thương hiệu số.
Bà Thanh Hải cũng đã chia sẻ các bước cũng như kinh nghiệm xây dựng thương hiệu trên nền tảng số cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng từ việc nghiên cứu thị trường, đối thủ cũng như khách hàng mục tiêu để hiểu rõ vị thế của mình. Đồng thời, xác định nền tảng, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển hình ảnh doanh nghiệp. Cùng với đó là nội dung sản phẩm đến việc kết hợp các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu đa nền tảng như mạng xã hội.
Chuyển đổi số là cơ hội lớn để có thể mang tới trải nghiệm khác biệt tới khách hàng. Theo đại diện Ngân hàng CP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), hiện nay VPBank đang triển khai nhiều giải pháp để trợ lực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là mở tài khoản trực tuyến, vay thấu chi online, giải ngân online, hỗ trợ kinh doanh online… Đặc biệt, đại diện từ VPBank đã giới thiệu về giải pháp thanh toán hiện đại nhằm giúp doanh nghiệp trong khâu vận hành, đổi mới kinh doanh và hội nhập thương mại điện tử.
Cụ thể, gói giải pháp này sẽ thiết lập một website hoặc gian hàng trực tuyến tiêu chuẩn có tích hợp sẵn cổng thanh toán Simplify/ecompay hỗ trợ phương thức thanh toán bằng thẻ Visa/Mastercard/Jcb cho phép doanh nghiệp bán hàng trực tuyến trên website. Kèm theo đó là miễn phí các dịch vụ tên miền, server và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký website với Bộ Công Thương. Đây là bước quan trọng bắt buộc, không thể bỏ qua khi kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam.
Theo bà Phạm Minh Châu, Phó Giám đốc Ban chính sách sản phẩm bán buôn - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với chính sách tài sản đảm bảo cạnh tranh, chính sách lãi suất ưu đãi, các doanh nghiệp xuất khẩu được hỗ trợ nhằm giảm áp lực tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu dễ dàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ với thủ tục đơn giản, nhanh chóng.