Gặp khó trong vận hành
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, cho biết, tỉnh đã rất quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho sản phẩm nông sản của địa phương để tháo gỡ các khó khăn. Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương hiệu quả hơn.
Trên thực tế, nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... ở nhiều địa phương cũng không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến.
Tuy nhiên, phương thức bán hàng vẫn còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế. Nhiều đơn vị gặp khó khăn trong khâu vận hành trên các sàn thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết, nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử và các hoạt động phát triển thị trường.
Mục đích nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Việt. Nhiều cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... cũng chủ động “chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics đã cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp địa phương về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vào sàn thương mại điện tử.
Đồng thời hỗ trợ địa điểm và tư vấn tổ chức hướng tới mục tiêu quảng bá nông sản tiêu biểu đến các chương trình tuần hàng, các chương trình khuyến mãi tại sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Đình Kha cho hay, các sàn thương mại điện tử đã tư vấn và xem xét đưa các nông sản tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Bình Định vào tiêu thụ tại sàn thương mại điện tử tại từng thời điểm.
Đối với các sản phẩm chưa đủ điều kiện đưa vào hệ thống ngay thì sẽ tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất hoàn thiện các điều kiện, thủ tục trong thời gian nhanh nhất.
Việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử chính là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Việc này giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong thời đại kinh tế số hiện nay.
Hoạt động về chuyển đổi số nông nghiệp cũng được Chính phủ rất quan tâm. Đại diện Sàn Thương mại điện tử Voso cho biết đã luôn đồng hành cùng với các đơn vị liên quan, các bộ, ban, ngành trong các hoạt động đào tạo và tập huấn để hỗ trợ các hoạt động về thương mại điện tử cho nông dân.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam hiện cũng đang triển khai nhiều chương trình mở rộng nhà cung cấp sản phẩm Việt. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, quảng bá đẩy bán tiêu thụ hàng Việt, đặc sản địa phương và nông sản.
Một mặt bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương ứng dụng thương mại điện tử ở khắp các tỉnh, thành phố. Từ đó, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh, sẵn sàng thay đổi và thích ứng với công nghệ số thời 4.0.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử là một xu thế tất yếu hiện nay. Cùng với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới.
Từ đó, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước. Mục đích giúp hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt trong Quyết định về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Với tiềm năng rất lớn về sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương, tới đây, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trên thương mại điện tử. Cùng với đó là hướng tới xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do.
Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ ba như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế... Từ đó, có thể kiểm tra, xác thực được giá trị bản gốc của hợp đồng điện tử.
Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Bộ Công Thương), hoạt động điện tử đang được chia theo 3 mức độ. Một là, các bên tham gia hợp đồng đều sử dụng chữ ký số.
Hai là, kết hợp giữa chữ ký số và các hình thức định danh điện tử (eKYC). Ba là, hai bên giao kết có sự đảm bảo của các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA).
Các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) sau khi được cấp đăng ký có thể cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với quy trình đảm bảo tính bảo mật, chống chối bỏ, toàn vẹn dữ liệu. Đồng thời sẵn sàng khả năng kiểm tra, xác thực giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.
Sau khi các doanh nghiệp ký hợp đồng, CeCA sẽ đẩy lên Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam của Bộ Công Thương. Từ đó, các CeCA có thể chia sẻ cho nhau và cung cấp dịch vụ đến khách hàng cuối cùng.