Hoàn tất dự kiến các tổ hợp môn
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho năm học 2022 - 2023, cấp THPT là năm đầu tiên thực hiện cho lớp 10. Đây là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, do vậy việc lựa chọn tổ hợp môn học theo sự yêu thích của học sinh là nhu cầu và theo định hướng của chương trình.
Cụ thể, học sinh phải học các môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật: Âm nhạc, Mỹ thuật). Học sinh lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Theo thống kê, có 108 tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn nên có nhiều ý kiến lo lắng. Để thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, Sở GD&ĐT An Giang đã tiến hành rà soát lại đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, điều kiện dạy học của các đơn vị; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Các trường đã có tâm thế sẵn sàng khi đón nhận Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10.
Tuy bước đầu còn gặp trở ngại, nhưng với kinh nghiệm linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, tổ chuyên môn, từ triển khai Chương trình GDPT 2018 cho lớp 6; đồng thời với sự chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác tổ chức lựa chọn và giảng dạy các tổ hợp môn sẽ đúng theo định hướng của chương trình đề ra.
Cũng theo ông Trần Tuấn Khanh, bước đầu sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường xây dựng tổ hợp môn lựa chọn thông qua công tác tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý thực hiện Chương trình GDPT 2018, Hội nghị giao ban cán bộ quản lý cấp trung học và đã chỉ đạo cho các trường dự kiến xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn. Việc xây dựng tổ hợp thỏa mãn các điều kiện: Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường hiện có, định hướng theo nhu cầu người học ở các khối thi đại học, theo năng khiếu… để học sinh lựa chọn.
“Các trường THPT trên địa bàn đã hoàn tất việc dự kiến xây dựng tổ hợp môn, chuẩn bị công bố rộng rãi để phụ huynh và học sinh trường THCS biết và chuẩn bị cho việc lựa chọn khi tham gia tuyển sinh lớp 10. Trong thời gian tới, sở GD&ĐT sẽ tổ chức Hội nghị tuyển sinh và lớp 10 nhằm tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn mà các trường kiến nghị để chính thức công khai cho phụ huynh, học sinh nắm trước khi học sinh đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 trường mình yêu thích” - ông Khanh cho hay.
Gợi ý các phương án tổ hợp
Hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, ông Lê Văn Tính, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết: Các trường lựa chọn, xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập, để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Trên cơ sở phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh của sở GD&ĐT, trường THPT xây dựng phương án, công khai các tổ hợp môn lựa chọn trước khi thông báo tuyển sinh. Trong đó, công bố có bao nhiêu lớp 10, bao nhiêu tổ hợp, mỗi tổ hợp có mấy lớp. Sau khi hoàn thành tuyển sinh, các trường tổ chức tư vấn, định hướng cho học sinh trúng tuyển, phụ huynh để hiểu rõ ý nghĩa của việc lựa chọn nhằm bảo đảm theo điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng của học sinh. Căn cứ số lượng đăng ký lựa chọn của học sinh và phương án đã được xây dựng, nhà trường xếp các em vào các lớp, nếu không được vào lớp này thì sẽ xếp vào lớp khác, theo nguyện vọng 1, 2…
Ông Lê Văn Tính nhấn mạnh, nguyên tắc xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn phải giúp học sinh phát huy được năng lực, sở trường và tiếp cận với giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp học THPT. Các em đăng ký tổ hợp môn học nào thì học tổ hợp môn học đó cho đến kết thúc chương trình THPT.
Với môn Âm nhạc, Mỹ thuật, căn cứ tình hình thực tế của trường và số lượng đăng ký, nhà trường có phương án hợp đồng giáo viên dạy THCS theo quy định tại Luật Giáo dục 2019. Bảo đảm tất cả môn học phải được đưa vào ít nhất trong 1 phương án tổ hợp môn học lựa chọn. Số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng cần bảo đảm số lượng theo quy định: Trường THPT thuộc vùng 1 được bố trí 2,25 giáo viên/35 học sinh; Trường THPT thuộc vùng 2 được bố trí 2,25 giáo viên/40 học sinh; Trường THPT thuộc vùng 3 được bố trí 2,25 giáo viên /45 học sinh.
Trước mắt, trong những năm đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để ổn định đội ngũ và các điều kiện khác, nhà trường có thể xây dựng tổ hợp theo hướng chọn đủ 1 nhóm môn (gồm cả 3 môn); các môn còn lại thuộc tổ hợp môn lựa chọn khác. Nhà trường xây dựng phương án để các em lựa chọn 1 môn/tổ hợp phù hợp với tình hình dạy học, quản lý. Số tổ hợp và số lớp/mỗi tổ hợp do nhà trường quyết định bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Việc cho học sinh lựa chọn các tổ hợp môn học để học tập theo 1 trong 3 định hướng nghề nghiệp mà chương trình đã thiết kế. Nghĩa là các em được lựa chọn 1 trong số các tổ hợp của nhà trường chứ không phải chọn từng môn học.
Sở GD&ĐT Quảng Trị đưa ra một số phương án tham khảo cho các trường, cụ thể: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) + Vật lý + Tin học. Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học ) + Lịch sử + Tin học. Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) có thể thực hiện như sau: Nhóm Tin học, Công nghệ, Mỹ Thuật + Vật lý + Lịch sử. Nhóm Tin học, Công nghệ, Âm nhạc + Vật lý + Lịch sử…
Đối với các chuyên đề học tập, nhà trường xây dựng cụm chuyên đề học tập theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện thực tế của trường. Học sinh chỉ được học các cụm chuyên đề môn học gắn với môn đã lựa chọn. Mỗi em lựa chọn 3 cụm chuyên đề thuộc 3 môn học. Căn cứ vào số tổ hợp và số lớp/tổ hợp, nhà trường xây dựng lớp học chuyên đề theo các môn và tổ chức cho học sinh đăng ký học tập.
Cùng với những lưu ý trên, ông Lê Văn Tính cho hay: Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường rà soát điều kiện cơ sở vật chất để lập kế hoạch tu sửa phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy học, thực hiện chương trình giáo dục. Rà soát tình hình đội ngũ GV (thừa, thiếu), sắp xếp giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục. Trong đó, quan tâm đến việc bố trí thầy cô dạy các môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT và môn, hoạt động giáo dục khác.
Với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp: Nhà trường bố trí giáo viên các môn Toán, Vật lý, Hoá, Sinh… thiếu tiết hoặc không bố trí dạy học theo chuyên môn (do thừa) sau khi được tập huấn, bồi dưỡng. Nội dung giáo dục của địa phương: Nhà trường bố trí giáo viên các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… thiếu tiết hoặc không bố trí dạy học theo chuyên môn (do thừa) sau khi được tập huấn, bồi dưỡng.
Chủ động xây dựng, công bố sớm
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm 2020, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020); đồng thời tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (mô-đun 4 trong số 9 mô-đun/đối tượng tại Quyết định 4660). Quá trình tập huấn, triển khai thời gian qua (theo Chương trình ETEP), đã có nhiều ví dụ cụ thể về việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: Khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT đã quy định: “Nhà trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường”.
Như vậy, số tổ hợp và số lớp/mỗi tổ hợp do nhà trường quyết định, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Với cách này, các trường cần xây dựng từ 3 đến 6 tổ hợp để chuẩn bị cho năm học tới. Sau khi xây dựng được các tổ hợp môn học lựa chọn, số lớp/mỗi tổ hợp mà trường có thể đáp ứng, nhà trường phải công bố sớm, rộng rãi để học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ và quyết định đăng ký, lựa chọn. Đây cũng là vấn đề các địa phương cần quy định trong phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT.
Cần lưu ý, học sinh được lựa chọn 1 trong số các tổ hợp của nhà trường, chứ không phải là chọn từng môn học. Học sinh phải cân nhắc kỹ ngay từ đầu khi lựa chọn tổ hợp với sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường, các bậc phụ huynh. Bởi, nếu học hết lớp 10 mà học sinh muốn đổi hẳn sang định hướng khác (chẳng hạn từ định hướng Khoa học xã hội sang Khoa học tự nhiên) là vô cùng khó khăn; vì khi đó các em phải học lại hầu hết các môn học lựa chọn ở lớp 10 mà trong khoảng thời gian hè khó có thể hoàn thành.
“Còn việc học sinh có nguyện vọng chuyển giữa 2 tổ hợp trong cùng một hướng, nghĩa là chỉ chuyển 1 môn học về nguyên tắc có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè (trên nguyên tắc tự nguyện và được thực hiện tương tự như trường hợp học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại môn học chưa đạt yêu cầu trong hè) trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11. Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Thông tư 22 hoặc bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này” - ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.