Cảm biến LIDAR giúp Lancet diệt mục tiêu không cần chạm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Militarnyi, nhờ cảm biến LIDAR, UAV tự sát Lancet Nga có thể dễ dàng phá hủy lưới thép trên thiết giáp Ukraine.

Cảm biến LIDAR trên Lancet thế hệ mới.
Cảm biến LIDAR trên Lancet thế hệ mới.

Thông tin về cảm biến LIDAR được Militarnyi (trang quân sự hàng đầu tại Ukraine) cho biết trong bài viết nói về khả năng đặc biệt của UAV Lancet Nga.

Cùng với đó trang quân sự này còn đăng tải video Lancet tập kích xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley của Ukraine.

Theo hình ảnh được công bố, một chiếc Lancet cỡ lớn lao đến xe Bradley và phát nổ khi cách mục tiêu vài mét, tạo ra luồng xuyên nhằm vào phần nóc xe.

Chiếc Bradley bốc cháy sau đó, nhưng chưa rõ có bị phá hủy hoàn toàn hay không.

"Những chiếc Lancet mới được lắp thêm camera cho hệ thống LIDAR, cho phép đo khoảng cách chính xác đến mục tiêu và kích hoạt đầu đạn UAV từ xa.

Luồng xuyên từ đầu nổ lõm sẽ đánh vào mục tiêu, khoảng cách vài mét không làm giảm khả năng xuyên phá của nó. Các loại lưới bảo vệ khí tài của Ukraine, vốn có hiệu quả rất thấp, sẽ trở nên vô dụng hoàn toàn", trang quân sự cho biết.

Cảm biến LIDAR là công nghệ đo khoảng cách, lập bản đồ ba chiều với nguyên lý hoạt động tương tự radar, nhưng sử dụng các chùm tia laser hoặc hồng ngoại thay vì sóng vô tuyến.

Cảm biến LIDAR sẽ phát ra chùm tia sáng với công suất thấp tới môi trường, sau đó tiếp nhận nguồn sáng phản chiếu để phần cứng xử lý.

Từ hình ảnh được công bố cũng cho thấy những chiếc Lancet được gắn hai camera cỡ nhỏ của hệ thống LIDAR, phía sau cụm cảm biến dẫn đường ở mũi phi cơ.

Hiện chưa rõ phiên bản Lancet này sử dụng đầu nổ lõm xuyên giáp truyền thống hay sẽ mang đầu nổ xuyên tự định hình (EFP), loại vũ khí được mệnh danh "nỗi kinh hoàng của thiết giáp Mỹ ở Trung Đông".

Militarnyi cho biết, các mẫu UAV tự sát đời cũ của Nga từng nhiều lần bị vướng vào lưới thép khi tập kích xe tăng, thiết giáp Ukraine và không thể kích hoạt đầu nổ chạm để phá hủy mục tiêu. Nhưng từ khi trang bị LIDAR và cơ chế kích nổ từ xa đã giúp Lancet vô hiệu hóa lưới bảo vệ thiết giáp.

"Hiện không có biện pháp hiệu quả nào để đối phó UAV tự sát như Lancet, ngoại trừ những hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ như Bukovel. Sự xuất hiện của dòng Lancet có khả năng vượt qua lưới thép bảo vệ là tin tức đặc biệt tồi tệ với quân đội Ukraine", Militarnyi nhấn mạnh.

Máy bay không người lái Lancet được tập đoàn Zala Aero thuộc hãng Kalashnikov của Nga phát triển dựa trên đạn tuần kích KUB-BLA và ra mắt năm 2019. UAV có khả năng hoạt động độc lập, không cần hỗ trợ từ các hệ thống điều khiển mặt đất hoặc mặt biển.

Sau khi phát hiện mục tiêu, Lancet có thể lao tới để tiêu diệt bằng khối thuốc nổ mang theo trong thân. Cảm biến trên Lancet sẽ ghi lại quá trình lao tới mục tiêu và truyền hình ảnh trực tiếp về đài chỉ huy để đánh giá hiệu quả của đòn tấn công.

Biến thể Lancet nguyên gốc mang tên mã Izdeliye 52 có tầm hoạt động 40 km và mang đầu đạn nặng 3 kg. Mẫu Lancet nâng cấp Izdeliye 51 có tầm bay vượt trội và trang bị đầu nổ 5 kg mạnh hơn.

Theo báo cáo tổng hợp của Lostarmour, trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Nga, UAV tự sát Lancet đã tấn công 507 khí tài các loại của Ukraine kể từ khi được triển khai hồi tháng 7/2022.

Trong số này, 170 mục tiêu bị phá hủy tại chỗ và 269 vũ khí bị hư hại nặng. Lancet đánh trượt mục tiêu trong 28 vụ và 40 cuộc tập kích chưa thể xác định kết quả.

Hơn một nửa số mục tiêu của Lancet là các tổ hợp pháo, gồm 106 pháo tự hành, 131 lựu pháo và cối, cùng 18 pháo phản lực phóng loạt.

Mục tiêu ưu tiên thứ hai của Lancet là các hệ thống phòng không Ukraine, gồm 41 tổ hợp phòng không các loại và 43 radar, đài liên lạc. 67 xe tăng chiến đấu chủ lực cũng bị phá hủy hoặc hư hại do Lancet.

9 mục tiêu được xác định là mô hình do quân đội Ukraine lắp đặt nhằm đánh lừa trinh sát Nga.

Clip Lancet tấn công xe Bradley của Ukraine không cần chạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ