Cách nói không với yêu cầu thái quá của trẻ

GD&TĐ - Phụ huynh cần cho trẻ một khuôn khổ để con tự mình trải nghiệm và trưởng thành.

Trẻ từ 2 - 4 tuổi có xu hướng hay đòi hỏi hơn. Ảnh minh họa
Trẻ từ 2 - 4 tuổi có xu hướng hay đòi hỏi hơn. Ảnh minh họa

Nếu để trẻ “tự do phát huy” một cách quá đà, các bé sẽ hình thành những thói quen sinh hoạt và cá tính không tốt.

Trẻ cần biết rằng, sẽ có những yêu cầu của con không được cha mẹ chấp nhận. Việc nhận được câu trả lời “không” là điều tự nhiên, trong trường hợp đòi hỏi của trẻ không phù hợp.

Thiết lập ranh giới

“Mẹ, con thích bộ đồ chơi đó!”; “Mẹ, con muốn ăn kem này cơ!”; “Mẹ không mua, tối con không học bài nữa!”... Hàng loạt đòi hỏi kèm với thái độ dùng dằng từ các “cô, cậu ấm” có lẽ không phải là chuyện ít gặp. Thậm chí, nhiều trường hợp, trẻ sẵn sàng thể hiện thái độ bất mãn, tức giận ở nơi đông người, nếu cha mẹ không đáp ứng những yêu cầu đó.

Không ít phụ huynh “đau đầu” khi mỗi lần đi ngang qua hàng quán, trẻ đòi hết món này tới món khác nhưng không ăn hết. Hay thậm chí ở nhà, con ra lệnh mẹ phải làm cái này, ba phải làm điều kia.

Nhiều đứa trẻ đã, đang dần trở thành “ông tướng”, “bà hoàng” trong chính ngôi nhà mình mà cha mẹ không hề cảm nhận được. Thậm chí, cha mẹ chỉ dạy trẻ qua loa mà không hiểu sâu xa tính cách đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai con nhiều như thế nào.

Việc nuôi dạy con là trách nhiệm to lớn và nhọc nhằn mà cha mẹ gánh vác trên vai, bởi chỉ cần “sai một li là đi một dặm”. Những đứa trẻ chưa lớn vốn dĩ thiếu hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn và chưa thực sự hiểu chuyện. Thói quen của mỗi đứa trẻ là luôn muốn đòi hỏi và có được những thứ chúng thích, khóc lóc, ăn vạ, làm mọi cách mà chưa hề để tâm đến vấn đề khác.

Mỗi khi con cái xin xỏ, nhiều phụ huynh chọn cách nói với con rằng “nhà mình nghèo” hay “bố mẹ không có tiền” để từ chối con. Có nhiều cha mẹ lại quát mắng, dọa nạt con. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không thực sự là giải pháp đúng đắn.

Trong khi đó, không ít gia đình, do cha mẹ bận công việc, thiếu cơ hội tâm sự gần gũi với trẻ, cũng như thiếu kinh nghiệm giáo dục con một cách khoa học, nên có xu hướng thể hiện yêu thương, bảo vệ con quá mức cần thiết. Điều đó khiến trẻ hiểu nhầm sự nhân nhượng của cha mẹ thành việc chúng làm là “đúng đắn”.

Bé Hoài An, học lớp 2 (Ba Đình, Hà Nội), hay đòi mua đồ chơi, nên chị Mỹ Hương - mẹ bé rất ngại đưa con cùng đi mua sắm. Một lần, Hoài An đòi món đồ chơi đắt tiền. Tuy nhiên, mẹ bé nói rằng, nếu muốn con hãy mua bằng tiền của mình. Khi bé vùng vằng “con đâu có tiền”, mẹ nói sẽ giúp bé kiếm tiền. Sau đó, chị Hương cùng con gom chai lọ cũ để bán ve chai. Trong tâm trạng hí hửng sẽ có tiền mua đồ chơi mới, An hết sức bất ngờ khi được trả 15.000 đồng.

Cha mẹ chỉ nên đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con. Ảnh minh họa.

Cha mẹ chỉ nên đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con. Ảnh minh họa.

Với sự động viên của mẹ, Hoài An quyết tâm kiếm đủ tiền mua món đồ chơi đó. Kể từ lần đó, bé đã có những chuyển biến rõ rệt khi ý thức giữ gìn các đồ vật trong nhà, học cách phân loại hàng, biết giá cả các mặt hàng và thương lượng giá với người mua hàng.

Chị Hương cho biết, đã vô cùng bất ngờ vì An không mua món đồ chơi đó nữa dù kiếm đủ tiền. Thay vào đó, bé quyết định bỏ ống heo tiết kiệm. Qua một việc làm nhỏ, chị Hương đã giúp con hiểu được sự vất vả của lao động và cả những kỹ năng cần thiết để kiếm tiền cũng như quản lý tài chính.

Theo các chuyên gia tâm lý, tôn trọng con trẻ, khích lệ, cổ vũ trẻ tự do phát triển cá tính là quan điểm giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, phát triển cá tính trẻ cần sự định hướng. Đồng thời, cần cho trẻ một khuôn khổ để chúng tự mình trải nghiệm và trưởng thành. Vì thế, từ khi trẻ được 3 tháng tuổi, cha mẹ nên chọn thời điểm thích hợp để cho con biết một số hành vi sẽ khiến người khác bực mình. Nếu để trẻ “tự do phát huy” một cách quá đà, các bé sẽ hình thành những thói quen sinh hoạt và cá tính không tốt.

Mặc dù, cha mẹ không nên hạn chế con quá nhiều, nhưng không phải chuyện gì cũng thuận theo ý muốn của trẻ. Nếu không, lâu dần, trẻ sẽ “lấn lướt” người xung quanh, thiếu khả năng tự khống chế bản thân. Đồng thời, hình thành những cá tính, thói quen không tốt.

Khi con làm những việc nguy hiểm hoặc có những hành động không đúng, cha mẹ phải tỏ rõ thái độ nghiêm khắc và đưa ra ranh giới không cho phép trẻ quá giới hạn. Khi con trẻ bộc lộ những thói quen xấu như làm việc nhà qua loa đại khái, buông quăng bỏ vãi, không biết giữ gìn đồ của mình… thì cha mẹ cần để trẻ nhìn thấy hậu quả do hành động đó gây ra. Những khó khăn, vấp váp nhỏ sẽ giúp trẻ sửa chữa khuyết điểm và trưởng thành hơn.

Cha mẹ không nên đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ không nên đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Ảnh minh họa.

Cân bằng giữa cho và nhận

Chia sẻ về vấn đề này, giáo viên Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hoàn toàn là điều bình thường khi hầu hết trẻ em đều đưa ra đòi hỏi, đặc biệt là ở độ tuổi từ 2 - 4. Hành vi này thường được xem như một “bài kiểm tra” đối với cha mẹ. Những đứa trẻ đòi hỏi thường là đang muốn được kiểm soát. Hoặc, trẻ cũng có thể đang đối mặt với một vài vấn đề căng thẳng trong cuộc sống.

Trong trường hợp trẻ đòi hỏi, nếu phụ huynh có xu hướng đáp ứng mọi yêu cầu không chính đáng, điều đó có thể làm gia tăng những hành vi tương tự như thế ở bé. Đồng thời, cho phép trẻ ngày càng nhận định sai lầm về giá trị vật chất cùng lòng tự trọng.

“Ngoài ra, điều này cũng có thể nuôi dưỡng tư tưởng hưởng thụ đòi hỏi sẵn khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên. Bởi, khi được cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu, trẻ thường cảm giác mình “có quyền”. Trẻ cũng sẽ nghĩ rằng, cha mẹ có bổn phận đáp ứng bất cứ thứ gì mà trẻ đòi hỏi. Vì vậy, điều vô cùng quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ rằng, cần có sự cân bằng giữa cho và nhận”, nữ giáo viên nhấn mạnh.

Do đó, phụ huynh cần ngồi với con để trao đổi về sự khác nhau giữa hành vi đòi hỏi và việc đưa ra yêu cầu lịch sự, lời thỉnh cầu nhã nhặn. Trong trường hợp cảm thấy trẻ đang đòi hỏi vô lý, phụ huynh cần để con biết rằng, bé cần thay đổi cách nói, hoặc sắc thái nói khi muốn ngỏ ý về vấn đề gì đó.

Ngoài ra, trẻ cũng cần biết rằng, có những yêu cầu của con sẽ được cha mẹ đồng ý. Tuy nhiên, cũng sẽ có những yêu cầu không được chấp nhận. Việc nhận được câu trả lời “Không” là điều tự nhiên, trong trường hợp lời đòi hỏi của trẻ không phù hợp.

Phụ huynh cũng cần làm mẫu các câu nói yêu cầu phù hợp khi giao tiếp với người khác. Cha mẹ hướng dẫn trẻ mẫu câu và cách sử dụng đúng lúc, đúng sắc thái. Đó là phương pháp tốt nhất thúc đẩy, củng cố hành vi này ở trẻ. Đồng thời, cha mẹ cần làm gương, nói với trẻ theo cách mà phụ huynh muốn con giao tiếp.

“Phụ huynh cần dạy trẻ cách nói lịch sự: “Xin vui lòng” và “Cảm ơn”. Cha mẹ nên giữ bình tĩnh, không thể hiện sự bất ngờ, bực tức khi con đưa ra những đòi hỏi vô lý. Sau đó, hãy hỏi trẻ rằng, còn cách nào khác để con có thể nói điều đó không? Đôi khi, trẻ không biết rằng, cách nói của mình là chưa phù hợp, hoặc đòi hỏi là vô lý”, giáo viên Mai Chi chia sẻ.

Cha mẹ đồng thời không nên nhượng bộ những đòi hỏi quá đáng của trẻ. Trong khi đó, với những nhu cầu đề nghị chính đáng của con, cha mẹ nên đáp ứng. Theo thời gian, việc đáp ứng những hành vi chính đáng sẽ tăng cường cách cư xử tốt ở trẻ, theo hướng đúng đắn mà phụ huynh mong đợi.

Trong trường hợp hành vi cư xử của trẻ có khuynh hướng đòi hỏi, kích động mạnh, phụ huynh nên trao đổi với vợ/chồng hay những người lớn khác. Điều này sẽ khiến trẻ không đưa ra những yêu cầu vô lý với những người khác. Cha mẹ hãy đảm bảo rằng, con luôn nhận được sự quan tâm khi trẻ cư xử phù hợp. Bởi, nhiều trẻ đòi hỏi hoặc thể hiện qua hành vi cư xử là để có được sự chú ý từ cha mẹ.

Ví dụ, trước khi đưa trẻ tới một cửa hàng hay khu thương mại, cha mẹ hãy cùng con xem lại mục đích của chuyến đi. Gia đình định mua những gì, mong muốn của trẻ là gì? Cha mẹ và trẻ cùng trông đợi điều gì?

“Phụ huynh hãy giúp con hiểu rằng, sẽ không thích hợp khi đưa ra những đòi hỏi vô lý trước mặt bạn bè hay ở nơi công cộng. Cha mẹ cần đưa ra nguyên tắc trong gia đình: “Khi con đưa ra đòi hỏi vô lý với cha mẹ trước mặt bạn bè của con, câu trả lời cho tất cả yêu cầu đó luôn luôn sẽ là “không”. Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không trừng phạt thể chất trẻ khi con đưa ra đòi hỏi vô lý. Điều này chỉ tác động tiêu cực thêm tới trẻ, khiến con ngày càng đưa ra đòi hỏi theo những hướng khác. Điều quan trọng phụ huynh cần nhớ là hãy giữ bình tĩnh”, giáo viên Mai Chi chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ