Cách học Truyện Kiều độc đáo của Gen Z

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Truyện Kiều đi vào lòng người” - dự án của các học sinh khối 9, Trường phổ thông Dewey - mang đến góc nhìn mới mẻ về cách tiếp nhận kiệt tác này.

Nhóm học sinh trình bày về phim “Học sinh Việt Kiều tiếp nhận Truyện Kiều như thế nào”.
Nhóm học sinh trình bày về phim “Học sinh Việt Kiều tiếp nhận Truyện Kiều như thế nào”.

Theo cô Nguyễn Diệu Hoa, chủ nhiệm dự án, “Truyện Kiều đi vào lòng người” được thực hiện trong 6 tuần với 20 tiết học. Sau khi được tiếp cận với tác phẩm, học sinh đã chủ động tìm hiểu sâu hơn qua đọc các nghiên cứu, phỏng vấn chuyên gia.

“Học sinh sau khi tìm hiểu đều đặt câu hỏi: Tại sao Truyện Kiều lại có sức sống mãnh liệt như vậy qua hơn 3 thế kỷ? Đã từng có tác phẩm chuyển thể nào thành công đưa Truyện Kiều đến với công chúng hay chưa? Thậm chí có em đặt câu hỏi: Bản thân Truyện Kiều có được coi là một tác phẩm chuyển thể hay không?... Chính những câu hỏi này thôi thúc các em đi tìm câu trả lời của mình qua những bộ phim tài liệu (làm nhóm), bài nghiên cứu (cá nhân) và các tiết mục trình diễn.

Với cách thức học tập qua trải nghiệm, kiến thức học sinh có được sẽ không bị đóng khung trong lớp học, trên sách vở, mà sẽ có cái nhìn rộng mở, đa chiều hơn. Các con cũng nhớ, hiểu và yêu hơn tác phẩm khó học này”, cô Nguyễn Diệu Hoa chia sẻ.

Học sinh Dewey biểu diễn vở kịch "Mua vui cũng được một vài trống canh".

Học sinh Dewey biểu diễn vở kịch "Mua vui cũng được một vài trống canh".

Với dự án học tập này, thế hệ gen Z hiểu hơn Truyện Kiều, thêm yêu và trân trọng các di sản văn hóa dân tộc. Các hoạt động đố Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều được các học sinh tái hiện lại trong dự án; từ đó hiểu được cách thức lan tỏa của Truyện Kiều trong đời sống nhân dân và trong giới trí thức ngày xưa.

Cô Nguyễn Diệu Hoa

Sau quá trình triển khai dự án, nhiều sản phẩm của học sinh đã thành hình. Trong đó có các tiểu luận nghiên cứu (Truyện Kiều và các tác phẩm chuyển thể; Vấn đề công lý trong Truyện Kiều; Các vai nữ trong Truyện Kiều; Lát cắt văn hóa dân gian trong Truyện Kiều…); phim tài liệu (Truyện Kiều đi vào London; Các tác phẩm chuyển thể từ Truyện Kiều…). Cùng với đó là những sản phẩm sáng tạo khác như: Bói bài tarot bằng những lá bài vẽ minh họa truyện Kiều, bói bài poker bằng hình minh họa và thơ Truyện Kiều, vé tàu từ Hà Nội vào Nghệ An - Hà Tĩnh (quê hương Nguyễn Du) bằng hình vẽ minh họa Truyện Kiều, diễn kịch…

Một trong các sản phẩm đáng chú ý là bộ phim tài liệu do học sinh lớp 9 Oslo sản xuất về chủ đề “Học sinh Việt Kiều tiếp nhận Truyện Kiều như thế nào”. Đại diện cho nhóm, Phạm Thành Hưng bày tỏ sự ngỡ ngàng về sự giàu có trong ngôn ngữ và sự sinh động trong các sinh hoạt văn hóa của Tiếng Việt sau khi nghiên cứu về Truyện Kiều.

“Thế nhưng, tiếp cận Truyện Kiều không hẳn dễ dàng, nhất là với các học sinh là người Việt Nam nhưng sinh sống học tập tại nước ngoài, hay học sinh nước ngoài đang học Tiếng Việt. Ở giữa một ngôi trường đa văn hóa, chúng tôi sẽ thử tìm hiểu về cách thức Truyện Kiều đang lan tỏa đến các bạn học sinh ấy như thế nào”, Phạm Thành Hưng chia sẻ.

Vé tàu đi từ Hà Nội - Hà Tĩnh, một sản phẩm của học sinh trong dự án “Truyện Kiều đi vào lòng người”.
Vé tàu đi từ Hà Nội - Hà Tĩnh, một sản phẩm của học sinh trong dự án “Truyện Kiều đi vào lòng người”.

Có thể nói, để “bước cùng” với sự phát triển không ngừng của thế giới, học sinh phải biết cách học, cách làm để vận dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào cuộc sống.

Với cách thức học tập này, học sinh được trao quyền làm chủ việc học, kiến tạo kiến thức cho chính mình. Không những kiến thức về văn học, ngôn ngữ được tiếp nhận mà còn có kiến thức về lịch sử, văn hóa, con người, chính trị… của một tiến trình phát triển dân tộc được các bạn “chiếm lĩnh”. Từ hiểu về quá khứ, gen Z sẽ thêm yêu, trân trọng và tự tin lan tỏa những di sản dân tộc đến với bạn bè quốc tế trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ