Từ đồ án tốt nghiệp đến artbook "Truyện Kiều"

GD&TĐ - Phát triển từ đồ án tốt nghiệp, Niayu đã hoàn thành artbook - tập thơ tranh Ký Mộng “Cùng Nguyễn Du qua giấc mộng dài”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc và Niayu.
Nhà thơ Lê Minh Quốc và Niayu.

Với tập thơ tranh Ký Mộng, độc giả có cơ hội một lần nữa thưởng thức những vần thơ trác tuyệt lồng trong các bức họa tinh tế, được tạo nên từ những nhãn quan vẹn nguyên phong vị cổ kính mà vẫn tràn đầy tinh thần hiện đại.

Nghệ thuật hóa đồ án tốt nghiệp

Niayu tên thật là Trần Mỹ Ngọc, sinh năm 1997 tại An Giang. Artbook Ký Mộng được Niayu phát triển và hoàn thiện dựa trên đồ án tốt nghiệp Khoa Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM.

Hồi giữa tháng 3/2021, trên trang Facebook cá nhân, Niayu hồ hởi thông báo: “Mình chính thức hoàn thành buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp với số điểm 9,2 (có thể coi là cao nhất lớp). Đồ án của mình là minh họa truyện thơ Ký Mộng phóng tác theo thơ của Nguyễn Du. Quyển đồ án này tương lai gần sẽ chính thức xuất bản”.

Và chỉ hơn 1 năm sau, Ký Mộng đã chính thức ra mắt độc giả tại Đường Sách - TPHCM. Niayu nói rằng: “Đây là quyển artbook mình đã dùng rất nhiều tâm huyết để vẽ, hy vọng mọi người sẽ thích nó”. Và quả thật, nhiều bạn trẻ ở thế hệ gen Z đã tìm đến để chiêm ngưỡng một chất liệu khác mang hình bóng đại thi hào Nguyễn Du.

Cái nhìn và cách thể hiện về “Truyện Kiều” của một người trẻ khác với các bậc tiền bối. Niayu cho biết: “Chất liệu thể hiện là digital, nhưng kết hợp với các phong cách mỹ thuật cổ điển, lấy cảm hứng chủ yếu nhất từ hai chất liệu sơn mài và thủy mặc. Về sơn mài, đây là một chất liệu hội họa đặc sắc của dân tộc.

Còn tranh thủy mặc là phong cách cổ điển của người phương Đông nói chung, không chỉ thể hiện cảnh vật để người xem chiêm ngưỡng, mà sâu xa hơn là tâm hồn người vẽ. Sự chọn lựa này hợp với sắc thái thơ cổ điển của Nguyễn Du”.

Đây cũng chính là cách thế hệ 9X trao tặng cho độc giả, khi Niayu sống trọn vẹn trong từng áng thơ Nguyễn Du (từ Ký mộng, Độc Tiểu Thanh Ký, Dương Phi Cố Lý đến Văn tế thập loại chúng sinh, Long Thành cầm giả ca, Truyện Kiều), tái tạo những hình ảnh độc đáo trên nền tảng ngôn ngữ của thi hào.

Artbook Ký Mộng hiện lên những sắc màu vừa trang đài vừa gợi nét hư ảo trầm mặc. Nhân vật Kiều được thể hiện cách điệu qua trang phục áo dài truyền thống, vải gấm màu đỏ có hoa văn trang nhã, áo cổ cao, búi tóc, khăn đóng, cổ đeo kiềng bạc, có hoa tai, sử dụng đàn tì bà… Xét ra, nhan sắc của Thúy Kiều từ thơ: “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” đã được họa sĩ thể hiện nhất quán.

Phát triển từ đồ án tốt nghiệp, để ra mắt độc giả một cách trọn vẹn, Niayu đã phải suy nghĩ rất nhiều. Từ nghiên cứu tỉ mỉ về con người đại thi hào đến cách dùng từ ngữ, từ ý tứ thơ cho đến cách ghi lại những chân dung con người và tinh thần thời đại.

Từ đồ án tốt nghiệp đến artbook "Truyện Kiều" ảnh 1
Trang bìa artbook - tập thơ tranh Ký Mộng
Trang bìa artbook - tập thơ tranh Ký Mộng

Hấp lực kiệt tác “Truyện Kiều”

“Vẽ Ký Mộng, tôi còn lấy cảm hứng từ tranh của cố họa sĩ Lê Phổ. Những người phụ nữ trong tranh của họa sĩ luôn tạo cảm giác hài hòa mềm mại, dịu dàng như một dòng nước. Nét vẽ ấy như giữ lại những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ xưa. Bởi vậy, tôi không tả thực theo tình huống của câu chuyện mà đi sâu vào nội tâm nhân vật”. Họa sĩ Niayu (Trần Mỹ Ngọc).

Với “Truyện Kiều” và các thi phẩm khác của Nguyễn Du, khả năng khơi mở dường như là vô tận cho các loại hình nghệ thuật như văn chương, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, sân khấu.

Hàng chục vở sân khấu về “Truyện Kiều”  từng được dàn dựng và công diễn khắp nơi. Mới đây, Nhà hát cải lương Việt Nam cũng ra mắt khán giả vở diễn “Nguyễn cầm ca – Kiều” do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn. Vở cải lương đem lại nhiều cảm xúc về cuộc đời 15 năm lưu lạc đầy khổ ải, đau thương của Kiều.

Trong điện ảnh, gần chục bộ phim về Kiều được thực hiện. Tuy khó thành công với một hình mẫu quá lý tưởng như Kiều, nhưng âm vang về Nguyễn Du vẫn khiến giới làm phim không khỏi thao thức, để làm thêm một kiệt tác như lời đáp cho câu hỏi của thi hào từ hai thế kỉ trước: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Và bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” ra đời từ đó, được công chiếu tại Huế nhân dịp Liên hoan phim lần thứ 22.

Riêng về mỹ thuật, “Truyện Kiều” đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để nhiều thế hệ họa sĩ vẽ minh họa. Đến nay, người ta vẫn còn nhắc nhớ tới 11 họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn... từ những năm 1940 đã thực hiện 11 bức tranh in trong “Tập văn học kỷ niệm Nguyễn Du”.

Hội họa đương đại cũng không hiếm họa sĩ cố gắng tiến gần hơn với “Kiều”. Tuy nhiên, ở mỗi góc nhìn, mỗi lứa tuổi lại tạo ra những “tiếng nói riêng” để “Truyện Kiều” của Nguyễn Du càng thêm hấp lực.

Tuy nhiên ở thế hệ gen Z, Niayu có lẽ là người đầu tiên tạo ra một artbook về “Truyện Kiều”, về Nguyễn Du - từ nhãn quan vẹn nguyên phong vị cổ kính, mà vẫn tràn đầy tinh thần hiện đại.

Niayu chia sẻ: “Tôi là họa sĩ thuộc gen Z. Tôi không tự nhận mình hiểu trọn con người Tố Như hay hiểu thơ ông một cách sâu sắc. Thế nhưng trong dòng chảy bền bỉ của tiếng Việt, cũng như tự tình dân tộc là điều được ươm mầm và lớn lên một cách tự nhiên, thơ Tố Như vượt qua những rào cản của thời gian để chinh phục mọi thế hệ.

Đọc thơ Nguyễn Du, tôi luôn rung động từ trong sâu thẳm, bất kể khi đang chú tâm nghiền ngẫm hay chỉ tình cờ đọc được câu thơ đơn lẻ ở một nơi nào đó. Và như thế là tôi vẽ. Không hẳn vẽ các nhân vật của Tố Như, mà là vẽ tâm hồn Tố Như. Vẽ Tố Như trong tôi - qua bài thơ, đoạn thơ mà tôi đọc, tìm và cảm nhận được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ