Người 30 năm sửa lỗi Truyện Kiều

Người 30 năm sửa  lỗi Truyện Kiều

Truyện Kiều là kiệt tác của văn chương Việt Nam và thế giới, được đón đọc, bàn luận bởi hàng triệu học giả cùng độc giả trên khắp thế giới. Tuy Truyện Kiều được mọi người yêu mến, nhưng vì nguyên tác không còn, việc in ấn Truyện Kiều lại chủ yếu dựa vào việc “truyền miệng thuộc lòng” nên không tránh khỏi nạn “tam sao thất bản”, như đại thi hào từng viết: “Khác nhau một chữ hoặc khi có lầm”.

Lỗi của hậu nhân

Từng là một thầy giáo dạy Toán nhưng vì giữ nghề gia truyền bốc thuốc nên ông Bảo phải bỏ nghề dạy học. Sẵn vốn Hán Nôm do các cụ trong gia đình truyền dạy, lại là thầy giáo nên ông Bảo thuộc hết cả Truyện Kiều. Đọc xuôi chán lại đọc ngược, hết đọc Quốc ngữ lại đọc chữ Nôm.

Lúc đầu, thấy mỗi sách viết một kiểu nhưng ông Bảo cho là bình thường, thậm chí ông tự cho là cuốn sách Nôm ông có chép sai. Sau, ông Bảo có thêm một cuốn sách Nôm cổ khác nhưng lại thấy có những chữ khác biệt với cuốn sách ông đã từng đọc. Ví như chữ “thử” trong bản Nôm lại là chữ “tư” trong bản Quốc ngữ (câu “Lạ gì bỉ sắc tư phong”). Vậy thì ai sai, ai đúng? Chỉ một câu thơ mà có nhiều bản chép khác biệt làm ông Bảo không biết đâu là đúng, đâu là sai. Trong cái vòng luẩn quẩn những bản Kiều Nôm sai be bét khiến ông “ngứa ngáy” quyết đi tìm cho ra sự thật.

Sau một thời gian tìm hiểu, ông Bảo mới biết chính hậu nhân là những người đã làm méo mó Truyện Kiều. Theo ông Bảo, nhiều tài liệu nói rằng, sau khi Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều, những bạn hữu đọc rồi đem khắc bản gỗ và bán tại các cửa hàng sách. Sau đó, người ta thêm, bớt, sửa chữa và lại đem khắc in. Chẳng hạn, trong bài Tựa quyển “Đoạn Trường Tân Thanh” (tên Nguyễn Du đặt cho Truyện Kiều), ông Đào Nguyên Phổ, một vị quan nhà Nguyễn có viết rằng: “Mùa hè năm Mậu Tuất 1898, tôi ở Kinh về vinh quy, có đem quyển Truyện Kiều ấy biếu ông Kiều Oánh Mậu.

Ông Kiều Oánh Mậu đã theo bản Kinh ấy mà tham khảo, chép theo một số chữ và còn ghi thêm những câu của bản Kinh khác với bản Phường…”. Vị quan họ Đào này viết tiếp: “Truyện giai nhân diễn thành giai tác, lại đượm hương trời càng là thêm vẻ, nên chi người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô”. Như vậy, Truyện Kiều đã không còn nguyên bản như Nguyễn Du viết. Bởi ngoài nguyên bản của Nguyễn Du còn có bản Phường của Phạm Quý Thích, bản Kinh do vua Tự Đức sửa chữa mà thành và nhiều bản Quốc ngữ khác nhau.

Vua Tự Đức mê Truyện Kiều nhưng có lần đùng đùng nổi giận, quát: “Nếu Tố Như (tên tự của Nguyễn Du) mà còn sống, phải nọc nằm xuống đánh cho 30 roi!”. Bởi khi viết về Từ Hải, Nguyễn Du đã viết: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!”, đó là hình ảnh của Nguyễn Huệ ngày xưa trong liên tưởng của Tự Đức, bởi ông vua này thường xét quan điểm chính trị của tác giả.

Một số câu Kiều được ông Bảo đề nghị phục nguyên sát nguyên tác.
Một số câu Kiều được ông Bảo đề nghị phục nguyên sát nguyên tác.
Những bản Kiều cổ mà ông Bảo có được.
Những bản Kiều cổ mà ông Bảo có được.

Ba dòng Truyện Kiều

Là một trong những người “nhặt lỗi” và sửa lỗi Truyện Kiều thành công nhất Việt Nam, dù không có một đồng tiền công nhưng đã “ngứa ngáy” thì phải làm sao cho hết “ngứa”. Khi thời gian rảnh rỗi, ông Bảo lại đi sưu tầm các tài liệu cổ về Truyện Kiều. Ông Bảo cho hay: “Muốn hay thì phải đi tìm người xưa. Vì thế, tôi lặn lội đến các thôn làng, gặp các cụ già xem họ có bản Kiều Nôm nào không. Chỉ cần nghe thấy ở đâu có bản Kiều cổ là tôi đạp xe tới liền”.

Suốt từ những năm 1990 cho đến bây giờ, ông Bảo vẫn lặn lội đi tìm Truyện Kiều. Không cứ gì đất Kinh Bắc, ông còn khăn gói quả mướp vào Hà Tĩnh quê cụ Tiên Điền, vào Nghệ An, Huế và cả Thành phố Hồ Chí Minh sưu tập cho đủ bộ Truyện Kiều, dù đó là dị bản hay nguyên tác.

Có những chuyến đang đi thì “cháy túi”. Không còn một xu uống nước nhưng ông Bảo vẫn miệt mài. Vừa hành nghề chữa bệnh dọc đường vừa tìm kiếm bản Kiều Nôm. “Tôi đúc kết có ba dòng Truyện Kiều: Một là các bản khắc ngoài Hà Nội, một dòng vào Nam và một dòng lưu truyền tại Huế. Có ba dòng này rồi thì ta dùng phép “thờ chồng” tìm được cái điểm giống nhau về câu chữ thì điểm đó là của Nguyễn Du”, ông Bảo bật mí.

Có bản Kiều Nôm trong tay, ông Bảo bắt đầu soi từng từ từng chữ. Lúc này, không chỉ mình ông mà cả những chuyên gia về Truyện Kiều mới ngã ngửa vì thấy các bản dịch đang sử dụng phổ biến sai sót quá nhiều. Thậm chí, có những câu không chỉ sai chữ mà còn sai nghĩa hoàn toàn.

Sửa gần 1.000 câu Kiều

Người 30 năm sửa  lỗi Truyện Kiều ảnh 3
Thạo Hán - Nôm nên ông Bảo đi sâu vào sửa Truyện Kiều cổ bị dịch sai.

Ông Nguyễn Khắc Bảo cho biết, bản dịch của Đào Duy Anh chép: Quản chi lên thác xuống ghềnh/ Cũng toan sống thác với tình cho xong (câu 1.951 – 1.952). Nhưng theo ông Bảo, câu đó phải là: “Quản chi trên các dưới duềnh”. Theo ông, câu này dựa theo hai điển tích về hai nhà thơ đời Sở, Hán là: “Dương Hùng đầu các nhi tử, Khuất Nguyên tự trầm Mịch La” (Dương Hùng đâm đầu từ trên lầu gác xuống chết, Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn).

Các nhà khảo cứu hiện đại có lẽ đã bỏ qua tích này, và đều theo Kiều Oánh Mậu chữa thành lên thác xuống ghềnh. Mới đọc tưởng có vẻ hợp với anh lái buôn Thúc Sinh, nhưng lại không đúng cốt truyện và không thể hiện được vốn kiến thức uyên thâm của Nguyễn Du.

Lại có câu lâu nay được quen đọc là “Vực ngay lên ngựa tức thì”, tả cảnh bọn Khuyển Ưng nhận lệnh Hoạn Thư, đánh thuốc mê cô Kiều rồi xốc lên ngựa bắt về. Theo ông Bảo, từ “vực” để chỉ việc “khiêng” lên từ từ. Phải thay từ “vực” bằng từ “dẩy” mới lột tả được hết bản chất của bọn Khuyển Ưng, mới đúng với bọn đi ăn cướp, bắt cóc. Còn nếu bọn chúng chỉ vực ngay lên ngựa, sau này lại vực xuống dưới thuyền, rồi lại vực xuống môn phòng, thì hóa ra bọn này tử tế quá.

Câu 1.919: “Đưa nàng đến trước Phật đường” phải thay từ “nàng” thành “chàng”. Như vậy, cuộc đi tu của Thúy Kiều có ba nhân vật. Bởi vì theo nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì Hoạn Thư bắt Thúc Sinh phải cùng đến Quan Âm các để chàng Thúc đau lòng chứng kiến cảnh nàng Thuý Kiều đi tu. Thế mới thấy hết được sự thâm hiểm của họ Hoạn. Mà Thúy Kiều chỉ là con ở thôi, sao Hoạn Thư lại phải “đưa”.

Ông Bảo sửa câu: “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa” thành “Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ”. Theo ông, sự thay đổi từ ngữ của bản Đào Duy Anh gây thất vọng về bản lĩnh của Thuý Kiều. Sao lại hèn kém đến mức phải xin chừa cả chút lòng trinh bạch của người con gái.

Thực ra, các nhà biên khảo đã nhầm. Câu thơ của các bản Kiều cổ: “Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ” cho ta hình ảnh Thuý Kiều chung thuỷ tột bậc với người yêu. Khi sắp phải dấn thân vào con đường nhơ bẩn, nàng vẫn nhớ đến chàng Kim Trọng và chua xót cho việc mình đã “hoài công nắng giữ mưa gìn” lòng trinh bạch từ lâu đến giờ. Để đến nỗi sa vào cảnh “hồng ngâm cho chuột vọc, mình ngọc cho ngâu vầy”.

Ông cho rằng, thế mới đúng với tâm trạng của Thúy Kiều, mới phù hợp với mạch tư duy trước đó của Thuý Kiều: Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào đã bẻ cho người tình chung. Đã có hàng trăm trường hợp khác cũng được ông chữa và chú giải một cách chu đáo.

Tròn 30 năm sưu tầm và sửa Truyện Kiều. Lại trải qua hàng trăm cuộc hội thảo lớn nhỏ, ông Bảo đã khiến các học giả bái phục thực sự. Không chỉ nói miệng, ông Bảo còn trình ra bằng chứng với những bản Kiều Nôm có trong tay. Cùng với đó là sự giải thích thấu tình đạt lý nên hàng loạt các câu sai sót đang thông dụng được sửa chữa. Cho đến nay, ông Bảo là người sửa được nhiều chữ sai nhất trong Truyện Kiều với kỷ lục 918 chữ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.