'Truyện Kiều' được Đại thi hào Nguyễn Du viết thời điểm nào?

GD&TĐ - Thời điểm Đại thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều từng được tranh luận gay gắt, nay câu hỏi ấy lại được đưa ra mổ xẻ trên mạng xã hội.

Những bản Kiều cổ do ông Nguyễn Khắc Bảo sưu tầm.
Những bản Kiều cổ do ông Nguyễn Khắc Bảo sưu tầm.

Cuộc tranh luận của giới học thuật về thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều diễn ra cách đây hơn 10 năm - nay lại được khơi dậy trên khắp các hội nhóm mạng xã hội liên quan đến Truyện Kiều và Nguyễn Du. Tuy nhiên, các đáp án đưa ra khó thuyết phục bởi các bằng chứng rời rạc, mang tính suy diễn.

Ba mốc thời gian

Đến nay, ngoài bản Kiều của Nguyễn Hữu Lập, giới nghiên cứu còn thấy bản của Tăng Hữu Ứng chép 1874, bản Nguyễn Doãn Cử, bản Diễn Châu, bản Thái Bình, bản Quế Võ, bản R2003, bản R987… Ở Bắc Thành (Hà Nội), sau khi Phạm Quý Thích có bản Kiều, các sĩ phu túc nho Bắc Kỳ như: Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Lý, Chu Doãn Trí… cũng chép và làm nhiều thơ văn vịnh Kiều.

Trong suốt hơn 50 năm qua, có rất nhiều giả thuyết đưa ra để chứng minh về thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều.

Nhiều cuộc hội thảo, tranh luận lẫn “bút chiến” diễn ra nhằm chứng minh và bảo vệ các ý kiến được cho là đúng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hai giả thuyết có sức thuyết phục hơn cả liên quan đến hoàn cảnh ra đời của Truyện Kiều.

Thuyết thứ nhất khẳng định Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau thời gian đi sứ Trung Quốc (1814 – 1820). Thuyết thứ hai lại khẳng định Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước khi đi sứ - có thể vào khoảng cuối thời Lê, đầu thời Tây Sơn.

Học giả Trần Trọng Kim viết trong sách “Việt Nam sử lược”: “Năm Tân Mùi (1811), vua Gia Long sai quan tìm những sách dã sử nói chuyện nhà Lê và nhà Nguyễn Tây Sơn để sửa lại quốc sử… có những truyện như “Hoa tiên” của ông Nguyễn Huy Tự, “Truyện Thúy Kiều” của Nguyễn Du cũng phát hiện ra thời bấy giờ”.

Như vậy, “Truyện Thúy Kiều” được phát hiện ra vào năm 1811, tức thuộc loại sách “dã sử nói chuyện nhà Lê và nhà Nguyễn Tây Sơn” - tức đã được viết ra trước khi vua Gia Long lên ngôi.

Nhà nghiên cứu Kiều học Nguyễn Khắc Bảo cho rằng: “Thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều phải là trước đời Gia Long nhưng không thể thuộc đời vua Lê - chúa Trịnh. Thời điểm đó chính là khoảng từ sau khi Nguyễn Du bị quân Tây Sơn bắt rồi thả về an trí tại quê cha”.

Ông Bảo nhấn mạnh: “Cần nắm vững vốn từ cổ thời Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều (từ 1796 - 1801) mới chọn, phiên được từ Quốc ngữ đúng”.

Trước đây, học giả Đào Duy Anh trong “Khảo luận về Kim Vân Kiều” năm 1943 cho rằng, Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước khi đi sứ Trung Quốc, khoảng 1805 – 1809.

Còn Hoàng Xuân Hãn dựa vào “Đại Nam liệt truyện chính biên”, cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc, khoảng 1815 - 1820. Tuy nhiên, năm 1951 khi phát hiện ra chứng cứ chắc chắn rằng Truyện Kiều viết trước “Mai đình mộng ký” nên Hoàng Xuân Hãn tự bác lại ý kiến của mình và cho rằng Truyện Kiều được viết trước năm 1809.

Nhà nghiên cứu Trương Chính căn cứ thêm vào những câu thơ trong Truyện Kiều, cũng cho rằng Nguyễn Du viết vào khoảng thời gian ở “dưới chân núi Hồng”, nghĩa là từ 1796 - 1801.

Nhiều người lại tin vào kết quả khảo cứu về chữ húy thời Lê trung hưng của GS Nguyễn Tài Cẩn, PGS Ngô Đức Thọ và PGS Đào Thái Tôn để đi đến kết luận là Truyện Kiều được viết vào những năm từ 1785 - 1790.

Bởi vậy, người yêu Truyện Kiều nhận thấy 3 mốc thời gian: Khoảng năm 1789, năm 1802 và năm 1813. Nhưng điều quan trọng là trong ba mốc ấy, Truyện Kiều chính xác được viết vào năm nào?

Ai mang “Kim Vân Kiều truyện” về nước?

Hai bản “Kim Vân Kiều tân truyện”, bên trái là Liễu Văn đường tàng bản - in năm 1871, bên phải là Bảo Hoa các tàng bản - in năm 1879.

Hai bản “Kim Vân Kiều tân truyện”, bên trái là Liễu Văn đường tàng bản - in năm 1871, bên phải là Bảo Hoa các tàng bản - in năm 1879.

Theo nghiên cứu của PGS Lê Thanh Lân, ban đầu người ta tin rằng, Truyện Kiều được viết vào khoảng 1813 - 1820 vì hiểu chữ “hành thế”.

“Thực ra “hành thế” chỉ có nghĩa là lưu truyền trong đời, tức là được mọi người biết đến. Bởi vậy, PGS Lê Thanh Lân cho rằng rất nhiều bằng cứ cho thấy Truyện Kiều được viết trước đó rất lâu.

Học giả Hoàng Xuân Hãn từng nhắc đến Phạm Quý Thích là người đầu tiên đề thơ về Kiều trên đường vào kinh. Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi cho biết bài “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường…” thật ra có tên là “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm” có trong tập “Lập Trai tiên sinh di thi tục tập”.

Học giả Hoàng Xuân Hãn từng chỉ ra: Nguyễn Lượng bị chết vào khoảng 1807. Vì có sự phê bình của ông ấy nên biết rằng Truyện Kiều được viết vào đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long.

Liên quan đến Nguyễn Lượng, giới nghiên cứu Kiều học nhận thấy trong lời bình bằng chữ Hán của ông có bốn chữ “bách chủng hoan ngu”. Chắc chắn ông không dám viết chữ “chủng” vào thời Nguyễn vì vào năm 1803 Gia Long đã có lệnh cấm dùng chữ “chủng”, và khi viết phải thay bằng chữ “Thực”.

Trương Chính nhận xét trong Truyện Kiều có những câu nghịch ngôn, như: “Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?”, rồi “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” và khẳng định những câu này chỉ có thể được sáng tác trước thời Nguyễn.

Nhà Kiều học Nguyễn Khắc Bảo nhận thấy bản “Liễu Văn Đường 1871” còn sót các chữ đáng phải kiêng dưới thời Nguyễn. “Câu 853: Tuồng chi là giống hôi tanh. Câu 1310: Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa. Câu 2750: Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày. Trong đó những chữ “Chủng” là tên vua Gia Long hồi nhỏ, và chữ “Lan” là tên mẹ cả của vua Gia Long tức Huy Gia từ phi”.

Trước đây, nhiều người cho rằng, nhờ chuyến đi sứ Nguyễn Du mới được tiếp xúc với “Kim Vân Kiều truyện” để sau đó viết Truyện Kiều. Điều này, theo PGS Lê Thanh Lân là không đúng.

Ông Lân cho rằng, có nhiều giả thuyết về thời điểm “Kim Vân Kiều truyện” vào nước ta. Học giả Hoàng Xuân Hãn đoán do Nguyễn Nễ hoặc Đoàn Nguyễn Tuấn cùng đi sứ thời Tây Sơn, khoảng 1792 - 1793 mang về.

PGS Thạch Giang lại cho rằng, có thể trong chuyến đi sứ năm 1763, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã mang “Hoa tiên” và “Kim Vân Kiều truyện” từ Trung Quốc về tàng trữ tại Phúc Giang thư viện. Nhờ đó Nguyễn Huy Hổ có điều kiện đọc “Hoa tiên”, Nguyễn Du do lui tới học tập nên đọc được “Kim Vân Kiều truyện” để sáng tác Truyện Kiều.

Song, điều chắc chắn ở truyện “Liên Hồ quận quân” trong cuốn “Lan Trì kiến văn lục”, viết vào khoảng 1793 - 1794 của Vũ Trinh, có câu: “Thúy Kiều gieo mình sông lớn”. Trước năm 1794 Vũ Trinh đã biết đến “Kim Vân Kiều truyện” thì Nguyễn Du đã tiếp cận không muộn hơn Vũ Trinh.

Vua “bật đèn xanh” phổ biến “Truyện Kiều”

Thời gian chính xác mà Đại thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều vẫn là ẩn số.

Thời gian chính xác mà Đại thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều vẫn là ẩn số.

Trong khi chưa thể khẳng định Truyện Kiều được Nguyễn Du viết trong thời điểm nào, nhiều nhà nghiên cứu ngược dòng thời gian về năm 1786 - Nguyễn Du chịu hai cái tang lớn của anh hai Nguyễn Điều (mất 7/1786), anh cả Nguyễn Khản (mất 11/1786).

Mùa đông 1796, Nguyễn Du định vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh, bị tướng Tây Sơn là Quận Công Thận bắt giam mấy tháng, rồi vì là bạn của anh Nguyễn Nễ nên được thả về an trí ở Tiên Điền, lấy biệt hiệu là Hồng Sơn liệp hộ và Nam Hải điếu đồ.

Đến lúc này, lấy việc đi săn ở Hồng Lĩnh, câu cá ở biển Nam làm sinh kế và trong lúc “Cầm đường ngày tháng thanh nhàn/ Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao”, lại nhân vì trong tủ sách của quan Tể tướng có quyển “Kim Vân Kiều truyện” nên thi hào mới dựa vào đó để sáng tác thành “Đoạn trường Tân Thanh”.

Nhà Kiều học Nguyễn Khắc Bảo phỏng đoán, những người được đọc đầu tiên có lẽ là anh rể Vũ Trinh có lời mặc bình, em ruột Nguyễn Lượng có lời chu bình rồi các cháu là Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành, Nguyễn Thị Bành, Nguyễn Thị Đài.

Nhà Kiều học Nguyễn Khắc Bảo phỏng đoán “Truyện Kiều có lẽ được viết trong khoảng 1796 - 1801”.
Nhà Kiều học Nguyễn Khắc Bảo phỏng đoán “Truyện Kiều có lẽ được viết trong khoảng 1796 - 1801”.

“Công việc sáng tác Truyện Kiều có lẽ là trong khoảng 1796 – 1801. Năm 1802 Nguyễn Du đành phải ra làm quan với triều Gia Long, nhưng vì trong Truyện Kiều viết có nhiều câu phạm đại húy nên lo sợ nếu truyền bá rộng thì “Đoạn trường Tân Thanh” sẽ thành “Đoạn đầu tân đao” hạ xuống trừng trị cả dòng họ” - Nhà Kiều học Nguyễn Khắc Bảo.

Sau này chỉ có những người thân thích như anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn mới được đọc và có bài thơ “Đề từ”, hoặc Tiến sĩ Phạm Quý Thích đọc và có bài “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm” mà sau này các bản Truyện Kiều đều khắc in ở đầu sách như bài “Đề từ”.

Chỉ đến tháng 8/1830, vua Minh Mạng đọc Truyện Kiều và có viết bài “Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ngự chế tổng thuyết” có câu khen ngợi Thúy Kiều: “Dùng dao nhọn sát thân, lòng trinh nữ giữ mình tiết lớn, Khuyên áo gấm quy thuận, bậc trượng phu vì nước lòng ngay. Thương chí nàng cho là hiếu trung, Xét lòng nàng cho là trinh tiết”.

Bản Kiều chép tay của Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập (có mẹ kế là con gái Đại thi hào Nguyễn Du) chép ở Huế năm 1870 lại do kỵ húy quá triệt để nên sửa từ ngữ của Truyện Kiều quá nhiều.

Đến tháng 3/1871 lại có bài của vua Tự Đức khen “Truyện hay nỡ để khói tan lạnh lùng”. Và có lẽ vị Hoàng đế do văn hay chữ tốt, yêu chuộng người tài nên dù có đòi nọc Nguyễn Du ra đánh trăm roi, vẫn dựa vào quyển Kiều tịch thu được trong Di cảo của thi hào mà sai người chép và vẽ 150 bức tranh minh họa cảnh vật Truyện Kiều.

Như vậy, sau khi hai vị Hoàng đế Minh Mạng và Tự Đức “bật đèn xanh” cho việc đọc Kiều thì ở Kinh thành Huế có phong trào: Làm trai mê đánh Tổ tôm/Mê ngựa hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều. Người ta tranh nhau sao chép Truyện Kiều đến nỗi “giấy hiếm và quý như giấy Lạc Đô”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ