Nguyễn Bình - Thần đồng văn học tuổi 20 kể về chuyển ngữ “Truyện Kiều”

GD&TĐ - 9 tuổi được xem là thần đồng của văn học Việt Nam. 10 năm sau chàng thanh niên Nguyễn Bình đã dịch truyện Kiều sang tiếng Anh và nhận giải thưởng tác giả trẻ của Hội nhà văn Việt Nam.

Nơi đất khách “lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương"

Nguyễn Bình sinh năm 2001
Nguyễn Bình sinh năm 2001

Nguyễn Bình sinh năm 2001, hiện đang theo học ngành Thiên văn học tại Đại học Arizona, Mỹ. Anh từng được xem là thần đồng của văn học Việt Nam. Năm 10 tuổi, Nguyễn Bình đã hoàn thành và cho ra mắt bộ tiểu thuyết “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Nguyễn Bình thông thạo 5 ngôn ngữ cổ của các dân tộc, 9-10 tuổi đã đọc Hán tự rất giỏi. Để dịch được "Truyện Kiều", Bình phải đọc nhiều sử thi bằng tiếng của các dân tộc cổ".

Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình có trí tuệ đặc biệt và rất yêu "Truyện Kiều", yêu Nguyễn Du. Nguyễn Bình từng nói "Truyện Kiều" của Nguyễn Du không phải là quá khứ, nó tiếp tục sống với hiện đại, mang vẻ đẹp của hiện đại.

Theo ông Thiều, trao giải tác giả trẻ cho bản dịch của Nguyễn Bình cũng là trao giải cho ý thức về di sản của ông cha trong thi ca, thêm vào đó Nguyễn Bình cũng trình bày một phương pháp luận dịch thuật.

“Bạn ấy đã đọc nhiều sử thi trên thế giới để nghiên cứu phương pháp tốt nhất để dịch. Tôi cho rằng phương pháp đó rất khoa học, mới mẻ. Chúng tôi đưa bản này cho các nhà văn Mỹ đã từng đọc, từng dịch văn học Việt Nam thẩm định”, ông Thiều cho biết.

Sau khi đọc tác phẩm, nhà thơ - giáo sư văn chương người Mỹ Bruce Weigl nhận xét: “Đây là bản dịch mang tính học thuật quan trọng nhất của tác phẩm này cho đến nay, xứng đáng trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu Truyện Kiều”.

Nguyễn Bình cho biết rất tiếc khi bị dịch Covid-19 ngăn trở, không thể về được Việt Nam để nhận giải. Song, anh đã viết thư về và mong muốn mình có thể thổ lộ được với khán giả về niềm vinh hạnh của bản thân khi được trao giải thưởng danh giá của Hội Nhà văn.

“Tôi đã dành hai năm trời dịch Kiều ở nơi đất khách quê người, thoạt đầu như một dự án “lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương”. Song càng về sau càng trở thành một công trình nghiêm túc. Tôi rất sẵn lòng kể về công đoạn dịch thuật và nghiên cứu về Kiều của mình vào dịp khác. Nhưng ngày hôm nay, tôi chỉ muốn thừa nhận những gian nan từ buổi ấy để bày tỏ rằng mình rất hạnh phúc khi công lao mình bỏ ra đã được công nhận bằng một giải thưởng có tầm vóc thế này. “Now what delight could pass today’s delight?” Ấy là bản dịch dòng 2994 của Truyện Kiều, “Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?”. Câu thơ cũng là tóm tắt tâm trạng tôi ngày hôm nay”, Nguyễn Bình chia sẻ trong bức thư.

Đột phá mới cho thi văn Việt Nam

Truyện Kiều” song ngữ với bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Bình cùng bản tiếng Việt của học giả Bùi Kỷ, tranh bìa của họa sĩ Lê Thiết Cương
Truyện Kiều” song ngữ với bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Bình cùng bản tiếng Việt của học giả Bùi Kỷ, tranh bìa của họa sĩ Lê Thiết Cương

NXB Hội Nhà văn Việt Nam cũng vừa giới thiệu tới bạn đọc trong và ngoài nước “Truyện Kiều” song ngữ với bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Bình cùng bản tiếng Việt của học giả Bùi Kỷ.

Việc dịch truyện Kiều không phải là điều gì mới mẻ, bởi trước đó đã có cả chục bản dịch Kiều rồi. Thêm nữa, việc dịch Kiều xưa nay chưa bao giờ là dễ dàng. Việc dịch đúng đã khó, dịch hay mà lại để người đọc hiểu được những điển tích, điển cố, hiểu được tinh thần của Nguyễn Du và sự tài hoa trong cách sử dụng từ ngữ của tác giả còn khó hơn. Vậy mà chàng trai 21 tuổi Nguyễn Bình vẫn hào hứng dấn thân trên con đường đi khó.

Nguyễn Bình nói: “Tôi thấy mình không có cơ sở để bảo rằng, tôi đã dịch Kiều một cách chính xác sang một ngôn ngữ khác. Bởi bản dịch thơ của tôi được dựa trên bản in Kiều duy nhất mà tôi có trong phòng mình, chứ không phải được tổng hợp từ hằng ha sa số các bản Kiều ở ngoài kia...."

“Tôi làm tất cả những việc này với hy vọng ảnh hưởng tới người đọc theo đúng cách mà bản gốc đã ảnh hưởng tới tôi, một độc giả Việt Nam ngày nay. Tôi mong rằng, mình đã đạt được mục tiêu đó dù biết sẽ chẳng bao giờ cân đong đo đếm được liệu mình đã đạt được hay chưa. Đối với một văn hóa thiếu sự đại diện trên quy mô toàn cầu như Việt Nam, việc dịch một bài thơ được người Việt yêu mến như truyện Kiều là một điều quan trọng. Mong rằng, những người không biết nhiều về tiếng Việt hay văn hóa Việt Nam cũng sẽ nắm được thêm một chút sau khi đọc bản dịch này, còn không thì tôi mong là họ cũng thấy nó hay hay...”, dịch giả chia sẻ.

Trong “Truyện Kiều” của NXB Hội Nhà văn do dịch giả Nguyễn Bình chuyển ngữ, ấn hành 2021 còn có sự tham gia của các họa sĩ tên tuổi: Lê Thiết Cương, Lê Trí Dũng, Bùi Mai Hiên và Bùi Tiến Tuấn. Chân dung Thúy Kiều được hiện lên trong các bức vẽ với nhiều hình dung khác nhau.

Với mỗi họa sĩ, Kiều lại mang một dáng vẻ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giải thích, văn bản của Nguyễn Du là văn bản lần thứ nhất. Rồi sau đó, mỗi độc giả lại thấy Kiều ở một góc nhìn khác. Câu chuyện về Kiều được mở ra thành nhiều nhánh, những nhánh cây ấy tiếp tục đâm chồi nảy lộc và vươn lên mạnh mẽ trong văn hóa Việt.

“Tôi tin rằng thế hệ của tôi sẽ mang lại những đột phá mới cho thi văn Việt Nam, thông qua việc thử nghiệm với những thứ khác lạ, dẫn dắt những cái cũ đến các khán phòng mới hơn, hay là hàng trăm điều nữa mà tôi cũng chẳng thể tiên đoán. Văn học Việt Nam không thể chết được, thân thể nó chỉ đang hóa thành dạng mới, như nhà thơ Ovid của La Mã đã từng nói ngày xưa. Người đang và sẽ chịu trách nhiệm cho sự hóa thân ấy chính là người trẻ, bất kể họ từ miền Nam, miền Trung hay miền Bắc, bất kể họ là nam, là nữ, hay không thuộc vào hệ nhị nguyên giới”, dịch giả Nguyễn Bình nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.