Sáng 12/3, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến “Ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới tại các trường THPT và đại học”.
Không nên có tư tưởng sẽ trở thành F0
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – nhấn mạnh: Hội thảo nhằm mục đích cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các trường xây dựng kế hoạch dạy - học đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định: Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy - học online, đảm bảo chất lượng đào tạo, an toàn trường học và sức khỏe cho cán bộ, viên chức, sinh viên.
Không chỉ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong khuôn viên và hỗ trợ sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội, Học viện còn nghiên cứu, chế tạo ra nước sát khuẩn tay dành tặng cho hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các trường THPT có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đào tạo của Học viện.
“Với thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, Học viện đã được Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp giấy chứng nhận năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Hơn 3 tháng qua, Học viện đã tổ chức xét nghiệp SARS-CoV-2 cho hàng vạn cán bộ, viên chức, sinh viên, người dân, giáo viên, học sinh các trường THPT” - GS.TS Nguyễn Thị Lan thông tin, đồng thời cho hay:
Học viện đã tặng kit xét nghiệm SARS-Cov-2 cho hơn 200 trường THPT trên cả nước, góp phần chung tay cùng các trường THPT ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế - khuyến cáo, người dân nói chung và thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên nói riêng không nên có tư tưởng sẽ trở thành F0. Bởi, nếu bạn bị F0, sẽ có nguy cơ bệnh nặng, phải nhập viện, thậm chí là tử vong.
Ngoài ra, bạn có thể phải đối diện với nguy cơ hậu Covid-19. Mặt khác, nếu bạn bị F0, rất có thể sẽ trở thành nguồn lây cho người khác, trong đó có trẻ em. Nếu trẻ không biết mình là F0 mà vẫn đến trường thì có thể lây sang các bạn khác. Như vậy, sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn và trẻ em sẽ không được đến trường vì bị F0.
Chia sẻ về một số giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học, PGS.TS Trần Đắc Phu trao đổi: Ngoài việc tiêm chủng cho học sinh, sinh viên; trong đó có trẻ từ 5-11 tuổi thì cần thực hiện tối đa giải pháp 5K. Tuy nhiên, tuỳ theo các khối lớp mà yêu cầu học sinh đeo khẩu trang. Học sinh bé không nhất thiết yêu cầu các em phải đeo khẩu trang, vì ảnh hưởng đến đường thở.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, cần mạnh dạn cho học sinh đến trường; đồng thời phối hợp giữa gia đình, học sinh với y tế địa phương, nhà trường. Bị nhiễm lớp nào xử lý lớp đó. Không lạm dụng đánh giá F1 và thực hiện cách ly theo quy định.
Chủ động, linh hoạt ứng phó
Từ thực tế, thầy Đặng Văn Chiến – Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) – chia sẻ, nhà trường đã rút ra bài học kinh nghệm trong công tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, việc đầu tiên là nâng cao ý thức trách nhiệm công tác phòng chống dịch cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Đồng thời, đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi thực hiện tổ chức dạy học trực tiếp. Chủ động linh hoạt các hình thức, phương pháp dạy học kiểm tra đánh giá.
Ngoài ra, đẩy mạnh khả năng ứng dụng CNTT cho giáo viên và học sinh. Tích cực hỗ trợ tư vấn tâm lý cho giáo viên phụ huynh học sinh và đặc biệt là học sinh trong mùa dịch. Mặt khác, huy động các nguồn lực xã hội hóa cho học trực tuyến. Quan tâm tới đời sống vật vật chất tinh thần của của cán bộ giáo viên.
Tham luận về công tác ứng phó với dịch bệnh trong lĩnh vực giáo dục; TS Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) – nhấn mạnh: Ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với đại dịch, trong đó có việc điều chỉnh các nội dung dạy học ứng phó với dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT đã triển khai tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, bảo đảm học sinh dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Các cơ sở giáo dục ứng dụng các công nghệ để dạy học trực tuyến như: dạy học qua facebook, zalo, email, qua các phần mềm ứng dụng hoặc hỗ trợ dạy học trực tuyến để hướng dẫn, giao bài tập đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và liền mạch;
Mặt khác, lựa chọn nội dung, môn học và thời lượng phù hợp với từng khối lớp khi tổ chức dạy học trực tuyến, nhất là đối với lớp 1 lớp 2 và lớp 6 đang thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh để hướng dẫn học sinh học trên truyền hình (kênh VTV1, VTV2, VTV7, Đài truyền hình nhân dân và các đài truyền hình địa phương) và các nguồn học liệu đảm bảo chất lượng.
Đối với những học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến do không có thiết bị học tập, các thầy cô giáo đã in bài học, bài tập và chuyển đến tận tay học sinh trong thời gian giãn cách. Xây dựng nguồn học liệu trực tuyến phong phú hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong điều kiện học tập trực tuyến và trực tiếp.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD&ĐT và Đài phát thanh và truyền hình cấp tỉnh để xây dựng các video bài giảng gửi về Bộ GD&ĐT thẩm định và phát trên sóng truyền hình để bổ sung vào kho học liệu dùng chung của Ngành. Ngoài ra, xây dựng nguồn học liệu trực tuyến phong phú hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong điều kiện học tập trực tuyến và trực tiếp.
Trao đổi về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, TS Đỗ Đức Quế - nhấn mạnh: Đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh khi tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại được Bộ GD&ĐT ưu tiên là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo.
Các cơ sở giáo dục và đào đạo chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học và thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, bổ sung hướng dẫn/quy định/sổ tay công tác phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục; kiện toàn hệ thống y tế trường học đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và hoàn thành mục tiêu tiêm phòng cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đồng thời triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 5-12 tuổi trong trường học.