Liên tục chuyển hình thức học
Sau 3 ngày được quay trở lại trường học trực tiếp thì lớp của Minh Giang, học sinh một trường THCS tại Hà Nội, xuất hiện F0. Lớp học bắt đầu phân hóa thành 2 bộ phận: Học trực tiếp và trực tuyến từ ngày đó. Giang kể, số lượng các bạn trong lớp diện F0 tăng dần, đồng nghĩa với số học sinh học trực tiếp trên lớp ngày một giảm.
“Ngày 21/2, một bạn ngồi gần dương tính, thế là em cũng phải ở nhà học trực tuyến. Nhóm Zalo được cô chủ nhiệm cập nhật liên tục tình hình các bạn trong lớp, dịch bệnh trong trường và cả việc tổ chức dạy học của nhà trường. Bên cạnh tâm lý lo lắng vì dịch bệnh, lo cho mình và cho bạn, việc học của em cũng bị ảnh hưởng nhiều. Vì mỗi khối chỉ tổ chức 1 lớp học trực tuyến dành cho những bạn không thể đến trường, nên em nhớ có hôm số học sinh cùng vào Zoom lên tới hơn 300 bạn; trong khi đó học trực tiếp trên lớp chưa đầy 10 bạn. Bọn em lại phải học thời khóa biểu của lớp khác, nên khi học có những bài em đã học qua rồi”, Minh Giang chia sẻ.
Có 2 con học phổ thông, chị Phan Thảo (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hiện con chị chỉ học trực tiếp buổi sáng, còn chiều về học online. Sẽ không có gì bất tiện nếu học sinh không bị F0, F1. Tuy nhiên, hiện nay số học sinh F0 tăng mạnh, số F1 cũng phải nghỉ học cách ly nên phát sinh nhiều khó khăn. Có nhiều lớp quá nửa học sinh phải dừng học trực tiếp vì là F0, F1.
Gặp tình trạng tương tự như chia sẻ của Minh Giang, chị Thảo cho hay: Mỗi khối nhà trường có một lớp học trực tuyến dành cho F0, F1; nhưng thời khóa biểu của các lớp có độ vênh (nhanh hơn, hoặc chậm hơn 1 tiết, gây khó khăn cho học sinh). Nhiều nơi, sĩ số của lớp học trực tuyến liên tục tăng.
“Ví dụ, lớp F0 khối 11 của Trường THPT Chuyên ngữ lên đến hơn 200 em, nên việc quản lý lớp học khó khăn, không bảo đảm chất lượng học tập. Bên cạnh đó, học sinh đi học trong bối cảnh dịch liên tục tăng số ca, khiến tâm lý phụ huynh bất an, lo sợ con em có thể bị nhiễm bất cứ lúc nào. Thực tế, nhiều gia đình con đi học bị nhiễm về lây cho cả đại gia đình hàng chục người, từ ông bà, bố mẹ, người thân...” – chị Phan Thảo chia sẻ.
Trong bối cảnh học sinh nửa học online, nửa học trực tiếp, giáo viên cũng vô cùng vất vả. Chia sẻ của cô Thanh Hương, giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội, ngoài việc dạy kiến thức mới, giáo viên còn dành thời gian hướng dẫn lại những kiến thức bị hổng trong thời gian học trực tuyến cho học sinh. Bên cạnh đó, do hầu hết các lớp có học sinh trong diện F0, F1 phải cách ly ở nhà nên cùng 1 tiết (môn) trong lớp, giáo viên thực hiện 2 hình thức dạy học: Trực tiếp và trực tuyến. Nhà trường đã nhanh chóng lắp đặt camera để giáo viên vừa dạy học sinh trực tiếp, vừa dạy online.
Tuy nhiên, việc kiểm soát học sinh online rất khó. Học sinh phải học online hiệu quả giảm rõ rệt so với các bạn học trực tuyến. Chưa kể, nhiều giáo viên cũng là F0, F1, phải cách ly theo quy định nên có hiện tương: “Một lớp học, 3 điểm cầu”, nghĩa là giáo viên ở nhà dạy trực tuyến, còn học sinh đến trường và học sinh ngồi ở nhà cũng học trực tuyến. “Nhằm giảm áp lực và bảo đảm sức khỏe cho giáo viên, sở GD&ĐT nên có hướng dẫn việc tổ chức hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp với từng lớp. Cụ thể: Lớp nào có học sinh F0, F1 nhiều (chiếm khoảng 2/3 lớp), có thể cho cả lớp học online tại nhà” - cô Thanh Hương đề xuất.
Trường học căng mình xử lý phát sinh
Khi học sinh được quay trở lại trường học, trong điều kiện bình thường mới, việc dạy học trực tiếp trên lớp có nhiều thay đổi để tất cả học sinh đều có thể tham gia học tập. Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội, thông tin: Thích ứng với các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, nhà trường đã xây dựng phương án để phân luồng, đón học sinh trở lại trường học. Tổ chức diễn tập các tình huống giả định khi có F0, F1 trong trường; tổ chức tự đánh giá theo các tiêu chí an toàn trường học trước khi đón học sinh trở lại trường. Nhà trường đồng thời bố trí 100% lớp học lắp thêm hệ thống camera, âm thanh để học sinh diện F0, F1 có thể theo dõi song song bài giảng của giáo viên trên lớp.
Trong quá trình tổ chức dạy học, giáo viên cũng được sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tập huấn kỹ năng xử lý tình huống khi có học sinh thuộc diện F0, F1 trong trường học. Khi có học sinh nghi là F0, giáo viên lập tức tạm dừng tiết học và thực hiện các bước theo Sổ tay phòng chống
Covid-19 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn; đồng thời khoanh vùng các học sinh có tiếp xúc gần (diện F1), có yếu tố dịch tễ để test nhanh; thông báo cho gia đình theo dõi tình trạng sức khỏe của các em trong những ngày tiếp theo. Những học sinh diện F1, F0 tạm thời chuyển sang học trực tuyến. Lớp học sẽ được khử khuẩn ngay để bảo đảm an toàn cho các giờ học tiếp theo.
Dù mọi việc đã được chuẩn bị kỹ, nhưng theo thầy Sơn, việc phát sinh các F0 khiến nhiều học sinh lo lắng, chưa yên tâm khi học tại lớp. Số học sinh F0 trong lớp và tình hình chung có chiều hướng tăng thêm. Nhiều phụ huynh chọn giải pháp xin nghỉ học trực tiếp để tham gia lớp học trực tuyến.
Cũng theo thầy Sơn, việc dạy học trực tiếp song song với kết nối trực tuyến yêu cầu mỗi thầy, cô giáo phải cố gắng rất nhiều. Việc soạn giảng cần linh hoạt và chủ động điều chỉnh để học sinh ở 2 điểm cầu có thể tiếp thu được bài học, đồng thời phụ thuộc nhiều yếu tố công nghệ, đường truyền và thiết bị được trang bị tại lớp học.
“Việc này, đội ngũ giáo viên nhà trường đều được trang bị và tập huấn trong ngày sinh hoạt chuyên môn. Tuy nhiên, khi giáo viên thuộc diện F0 không thể đến trường học, việc truyền tải bài giảng của mình được trình chiếu và tương tác trực tiếp với học sinh trên lớp gặp nhiều khó khăn. Học sinh các lớp THCS chưa chủ động tự quản tốt các giờ học khi không có giáo viên” – thầy Sơn băn khoăn.
Để bảo đảm nền nếp, an toàn trong điều kiện phòng dịch, thầy Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm: Khi giáo viên dạy trực tuyến tại nhà, kết nối với lớp học trực tiếp, nhà trường phải bố trí giáo viên quản lý lớp trong các tiết học. Một số bộ môn như Thể dục không thể tiến hành trực tuyến đối với học sinh diện học trực tiếp, nên nhiều giáo viên dạy thể dục phải dạy thay các giáo viên bị F0, khiến số giờ vượt cao hơn so với quy định.
Việc bố trí giáo viên dạy thay, quản lý lớp ngày càng gặp khó khăn; số giáo viên diện F0, F1 tăng lên, trong khi nhiều giáo viên chưa đủ thời hạn cách ly nên chưa được quay trở lại trường để giảng dạy trực tiếp. Nhiều thầy cô cũng bày tỏ băn khoăn về việc giáo viên nghỉ dạy do việc cách ly, hoặc bị F0 cần điều trị có được quy định cụ thể trong chế độ nghỉ hay không; hiện Điều lệ trường THCS chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Khẳng định việc học sinh trở lại trường học là yêu cầu cấp thiết, cần triển khai, nhưng thầy Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Để làm tốt điều này cần giải pháp đồng bộ giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Trong đó, cần phủ vắc-xin cho học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi. Cha mẹ tăng cường hướng dẫn và rèn luyện trẻ các kỹ năng phòng dịch an toàn, tuân thủ tốt nguyên tắc 5K. Nhà trường trang bị đầy đủ các thiết bị kết nối để có thể dạy song song tiết học trực tiếp kết nối với học sinh học trực tuyến, thực hiện tốt các tiêu chí của trường học an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
Thầy Sơn cũng đề cập đến việc cần hướng dẫn cụ thể cách xác định đối tượng dịch tễ khi trong trường học; cụ thể hóa các điều kiện đối với giáo viên diện F0, F1 khi tham gia giảng dạy để đảm bảo an toàn theo quy định phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết việc nghỉ của học sinh, giáo viên khi cách ly, bảo đảm quyền lợi ngày giờ công của thầy cô, số ngày nghỉ của học sinh theo Điều lệ trường THCS.
Khó khăn bủa vây sinh viên
Trần Thị Mơ là sinh viên năm thứ 2 tại một trường ĐH ở Hà Nội. Trong bối cảnh hiện nay, việc học tập của em phải thay đổi để thích ứng với dịch bệnh. Từ một sinh viên sống xa gia đình, có thời gian Mơ được trở về nhà và bắt đầu làm quen với các phần mềm học trực tuyến. Phải thay đổi môi trường và cách thức học tập, Mơ cho biết ban đầu cảm thấy khó bắt kịp với các bạn. Tuy nhiên, em đã thích nghi được sau một thời gian ngắn và tìm ra cho mình cách tự học tốt hơn.
Khi nhà trường thông báo cho sinh viên quay trở lại học trực tiếp, giống như nhiều sinh viên ngoại tỉnh khác, khó khăn của Mơ là tìm được nhà trọ phù hợp với yêu cầu của mình, cùng với đó là bị hạn chế bởi phương tiện đi lại.
“Trong tình hình dịch bệnh, hình thức học phải thay đổi, từ trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại, bản thân em phải thuê phòng trọ và trả tiền thuê trong nhiều tháng liền nên chắc chắn là rất xót ruột khi mình không ở nhưng vẫn phải đóng tiền hàng tháng. Nhiều bạn em trong tình huống này đã trả phòng; nhưng do không biết bao giờ trường cho đi học trực tiếp nên em phải cố gắng chi trả tiền trọ từng tháng dù không hề ở tới. Bên cạnh đó, đồ đạc còn rất nhiều ở Hà Nội, nếu như trả trọ thì không biết để số đồ đó ở đâu. Việc giữ lại trọ đã giúp em tránh khỏi tình trạng phải chạy đôn chạy đáo để tìm phòng trọ như các bạn em khi có thông báo bắt đầu quay lại học trực tiếp”, em Trần Thị Mơ tâm sự.
Là Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, ThS Nguyễn Vinh San thấy rõ bên cạnh niềm vui được trở lại giảng đường, gặp lại thầy cô, bạn bè sau gần 1 năm học online, cũng có nhiều nỗi lo và khó khăn bủa vây xung quanh sinh viên. Việc đầu tiên là tìm được chỗ trọ an toàn, đủ điều kiện xử lý khi xảy ra dịch bệnh. Sau đó là một loạt các chi phí mua sắm để ổn định cuộc sống, học tập trong khi kinh tế gia đình của nhiều sinh viên cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.