Mở cửa trường học: Thầy cô miệt mài giảng dạy "on - off"

GD&TĐ - Mở cửa trường học gặp nhiều khó khăn, song vượt qua tất cả, các thầy cô tại Hải Phòng miệt mài với nhiều hình thức giảng dạy. Vừa dạy trực tuyến với học trò ở nhà, thầy cô vừa nỗ lực dạy học trực tiếp trên lớp.

Lớp 12A1,Trường THPT Lê Hồng Phong học online môn Toán cùng cô giáo.
Lớp 12A1,Trường THPT Lê Hồng Phong học online môn Toán cùng cô giáo.

Minh chứng từ thực tế

Giờ học môn Toán ngày 2/3, của học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Hồng Phong trật tự và nề nếp mặc dù không có giáo viên đứng lớp trực tiếp. Theo chia sẻ của em Vũ Minh Hoàng, cô giáo Mai Anh dạy môn Toán của lớp đang ở nhà vì nhiễm dịch Covid-19. Vì thế, đến tiết học của cô, cả lớp chuẩn bị sẵn sách vở và đề ôn, hướng lên màn hình để cùng cô học bài. Tuy không thể như học trực tiếp, nhưng cả lớp không bị gián đoạn kiến thức.

Trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng có hơn 1.400 học sinh. Đến nay, các em đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 vì thế tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp đạt 75%.

Thầy Đinh Hồng Tiệp, Hiệu trưởng  nhà trường thông tin, trường có 19 giáo viên F0 và 283 em đang điều trị Covid-19 nhưng thầy trò vẫn song hành với nhau với những bài giảng sinh động trên không gian mạng.

Khi mở cửa trường học, thầy cô đã xác định tinh thần, không quá chủ quan nhưng cũng không lo sợ. Trường tích cực tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về việc đón trò đi học trực tiếp tại trường.

Tại phòng quản sinh của Trường THPT Lê Hồng Phong, nề nếp học trò các lớp được theo dõi sát sao.
Tại phòng quản sinh của Trường THPT Lê Hồng Phong, nề nếp học trò các lớp được theo dõi sát sao.

Thuận lợi với Lê Hồng Phong là mọi phương tiện, thiết bị dạy học như máy tính, ti vi, âm thanh, kết nối công nghệ cao đã được trang bị sẵn sàng. Tại trường Lê Hồng Phong đang diễn ra các hoạt động dạy học: trực tiếp, trực tuyến, dạy học song song trực tiếp - trực tuyến.

Những giáo viên F0 ở nhà dạy online, còn học trò đến trường học tập trung qua màn hình ti vi với thiết bị đường truyền tốc độ cao. Ở lớp, sẽ có cán bộ lớp làm trợ giảng và quản sinh nhà trường hỗ trợ về thiết bị, nề nếp.

Có những lớp, thầy cô vừa dạy trực tiếp trên lớp, vừa dạy onilne cho học sinh ở nhà. Vì vậy, dù đến trường hay ở nhà các em đều được đảm bảo quyền lợi học tập.

Tuy nhiên, theo thầy Tiệp, học trò trở lại học tại trường sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn, có kỷ luật hơn là khi onine ở nhà. Trường cũng minh chứng luôn cho phụ huynh thấy qua các hoạt động giáo dục thực tế tại trường.

Bên cạnh việc thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, thầy cô điều chỉnh chuyên môn phù hợp với học trò. Theo dự kiến, từ ngày 9-12/3 nhà trường sẽ kiểm tra định kỳ và hoàn thành kiểm tra giữa kỳ cho học sinh theo kế hoạch. Với những diễn biến tích cực từ hoạt động thực tế trong nhà trường, thầy Tiệp tin rằng sang tuần tới có trên 90% học sinh sẽ đi học trở lại.

Đảm bảo kiến thức cho học trò

Ngô Nhật Minh, lớp 9A2, Trường THCS Thuỷ Đường, huyện Thuỷ Nguyên chia sẻ: “Ngày 18/2, em nghỉ học ở nhà do nhiễm dịch và đi học trở lại từ ngày 2/3. Ở nhà, em học bài cùng bạn và cô giáo qua mạng nhưng khỏi bệnh em đến trường học cùng cô và các bạn. Em thích học tên trường vì còn được giao tiếp cùng các bạn”.

Tại lớp 9A2, cô giáo Phạm Thị Việt Anh đang cùng học sinh ôn tập và chữa đề môn Toán. Vừa dạy trực tiếp cho học trò trên lớp, cô vừa tích hợp phần mềm Team qua trình chiếu PowerPoint và thiết bị bảng trắng trực tuyến để chữa bài cho học sinh đang học online tại nhà.

Cô Mai Anh cho rằng, học tại trường, cô trò yên tâm vì mọi yếu tố dịch tễ đã được đảm bảo. Với học sinh ở nhà, cô nỗ lực truyền tải kiến thức tốt nhất cho học trò. Dù soạn giáo án và định lượng kiến thức truyền tải cho trò cũng mất thêm thời gian nhưng cô giáo luôn cố gắng.

Cô Việt Anh song song 2 hình thức dạy học.
Cô Việt Anh song song 2 hình thức dạy học.

Thầy giáo Đoàn Tiến Khải, Hiệu trưởng THCS Thuỷ Đường cho biết, trường có 818 học sinh, ngày 2/3,  có 55% học sinh đi học trực tiếp. Thầy Khải tin rằng diễn biến thời tiết nắng ấm, trò sẽ đến trường đông hơn.

Trường THCS Thuỷ Đường có nhiều thầy cô bị F0 vì thế việc phân công dạy thay rất vất vả. Thầy Khải đã tận dụng mọi nguồn lực, sắm camera, bổ sung thiết bị để song song các hình thức dạy học.

Anh Lê Xuân Mạnh, nhân viên tin học, quản lý thiết bị, Trường THCS Thuỷ Đường chia sẻ, với những lớp dạy học song song 2 hình thức cần các thiết bị: máy tính, loa, camera tích hợp micro. Trường trang bị đủ thiết bị nên dạy học trực tuyến khá thuận lợi. Anh Mạnh được phân công trực thường xuyên để hỗ trợ các lớp khi gặp trục trặc.

Học sinh lớp 9A2, Trường THCS Thủy Đường trong giờ học ngày 2/3.
Học sinh lớp 9A2, Trường THCS Thủy Đường trong giờ học ngày 2/3.

Cô Đào Thị Tuyết, Hiệu trưởng Tiểu học An Lư, huyện Thuỷ Nguyên, cho biết, nhà trường đón học sinh khối 1, khối 2  từ ngày 10/2; ngày 14/2 học sinh toàn trường đi học. Trường sẵn sàng 2 hình thức dạy học để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Dù có nhiều khó khăn nhưng các cô nỗ lực và cố gắng tuyên truyền cho phụ huynh đưa con em đến trường để học trực tiếp.

Ông Nguyễn Văn Năng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuỷ Nguyên nhận định, dựa vào rà soát số lượng học sinh nhiễm bệnh, qua cách dự tính chu kỳ lành bệnh và thời gian cách ly, cộng với thời tiết nắng ấm dần lên dịch bệnh dần giảm đi thì số lượng học sinh đến trường trong tuần sẽ tăng lên. Dù trong điều kiện thế nào, các nhà trường vẫn song song 2 hình thức dạy học, đặc biệt nỗ lực dạy trực tiếp.

Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, khi mở cửa trường học, ngành Giáo dục thành phố cũng chịu nhiều áp lực từ phía dư luận, phụ huynh học sinh. Nhưng trên hết, đồng hành cùng cả nước, góp phần tái thiết kinh tế, xã hội, tái thiết giáo dục, ngành Giáo dục thành phố quyết tâm mở cửa trường học. Thầy cô và các nhà trường cũng vất vả rất nhiều nhưng cần làm tốt công tác phòng chống dịch, công tác chuyên môn và tích cực tuyên truyền với phụ huynh để họ hiểu và đồng hành; tuyệt đối không có chuyện bắt buộc phụ huynh cho con đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ