Mở cửa trường học: Song hành các giải pháp

GD&TĐ - Sau khi mở cửa trường học, bên cạnh những thuận lợi cũng có không ít khó khăn nảy sinh.

Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Tiền Giang thăm trường lớp khi trở lại học trực tiếp.
Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Tiền Giang thăm trường lớp khi trở lại học trực tiếp.

An toàn cho thầy, trò là mục tiêu hàng đầu, nhưng bảo đảm kiến thức, chương trình cũng được ngành Giáo dục, nhà trường, giáo viên đặc biệt quan tâm.

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang: Tập trung phân nhóm, củng cố kiến thức

Ông Lê Quang Trí
Ông Lê Quang Trí

Bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên được xem là tiêu chí hàng đầu trong mở cửa trường học. Vì thế, sở GD&ĐT đã xây dựng lộ trình để tổ chức đón học sinh một cách khoa học, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Sau 4 tháng ròng rã với nhiều cố gắng, 532 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang từ cấp học mầm non đến THPT đã đồng loạt mở cửa cho học sinh đi học trở lại. Tỷ lệ học sinh đến trường ở các bậc học tương đối cao. Trong đó, bậc mầm non trên 85%, bậc tiểu học trên 96%, bậc THCS và THPT trên 98%. Nhiều địa phương có tỷ lệ trẻ, học sinh tiểu học đi học trở lại cao như huyện Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây…

Khi tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp tỉnh vẫn đối diện nhiều khó khăn như đội ngũ giáo viên mầm non, nhân viên cấp dưỡng có nhiều biến động. Số giáo viên bỏ việc khá nhiều do không có tiền lương trong thời gian nghỉ quá dài để phòng chống dịch, đặc biệt là các đơn vị ngoài công lập. Việc vừa tổ chức dạy học theo kế hoạch năm học, vừa tổ chức củng cố, bù đắp kiến thức để hoàn chỉnh các nội dung đã dạy học trực tuyến trong thời gian qua, cũng gây khó khăn cho nhà trường trong việc sắp xếp và tính chế độ thêm giờ, thêm buổi cho giáo viên.

Thời gian đầu trở lại trường sẽ dành cho các hoạt động ổn định nền nếp, hướng dẫn học sinh các kỹ năng phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn... Đặc biệt, các trường tiểu học, trong thời gian dài học trực tuyến vẫn còn nhiều em bị hổng kiến thức, một số ít học sinh lớp 1 chưa biết đọc, biết viết. Sở đã chỉ đạo các trường nên tập trung phân nhóm, củng cố lại các nội dung tập đọc, tập viết cho học sinh lớp 1, lớp 2 với phương châm học tới đâu chắc tới đó. Với những học sinh chưa nắm kiến thức căn bản sẽ tổ chức phụ đạo riêng, không để bất cứ em nào phải bỏ lại phía sau. Song song đó, sở cũng tổ chức phụ đạo cho học sinh các khối còn lại để củng cố kiến thức trong giai đoạn học trực tuyến.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): Tăng cường tư vấn, hỗ trợ tâm lý

Ông Nguyễn Hữu Nhân
Ông Nguyễn Hữu Nhân

Đi học lại là niềm vui của cả thầy lẫn trò, tuy nhiên do dịch bệnh nên việc dạy và học trong giai đoạn hiện nay có những khó khăn nhất định. Đặc biệt, đối với các trường có tổ chức bán trú việc giãn cách trong khi tổ chức bữa ăn cũng như bố trí cho các cháu ngủ cũng gây khó khăn do cơ sở vật chất hạn chế, không gian hẹp. Thầy cô vất vả hơn khi phải thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe của học sinh, mất thời gian để quan sát, nhắc nhở các em...

Để khắc phục những khó khăn trên nhà trường phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người. Dù khó khăn, vất vả luôn thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch. Nhà trường cần xây dựng kế hoạch, quy trình cho các hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, phát huy sự chung tay của tất cả thành viên trong nhà trường và kêu gọi sự góp sức của phụ huynh. Luôn kịp thời tuyên dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt và phê bình chấn chỉnh các trường hợp chưa thực hiện đúng các quy định.

An toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên là tiêu chí hàng đầu trong mở cửa trường học. Nhưng cùng với đó, giải pháp để dạy học chất lượng cũng vô cùng quan trọng. Sau nửa tháng học sinh đi học trực tiếp, nhiều vấn đề nảy sinh cần giải quyết từ địa phương đến nhà trường. Trước tiên, cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trường có cán bộ y tế đầy đủ. Bởi nhiều địa phương do quy định về biên chế nên chưa có cán bộ y tế. Nếu được, cần có quy chế riêng biệt về cán bộ y tế trong trường học. Bộ Y tế cần sớm triển khai tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19 trẻ dưới 12 tuổi. Tiếp tục phối hợp giữa y tế - giáo dục - phụ huynh học sinh để hướng dẫn trẻ phòng, chống dịch, đạt hiệu quả tốt nhất.

Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh): Thầy cô nỗ lực gấp đôi

Thầy Thạch Sa Quên
Thầy Thạch Sa Quên

Do học trực tuyến thời gian dài, khi vào học trực tiếp một số học sinh còn bỡ ngỡ, không theo kịp bài học. Để hỗ trợ học sinh, thầy cô phải cố gắng, dành nhiều thời gian hơn để giúp các em nắm vững kiến thức, củng cố bài học.

Để bảo đảm chất lượng học tập tốt nhất khi học sinh quay trở lại trường học, nhà trường, giáo viên cố gắng vừa dạy học, vừa đảm bảo tâm lý cho các em. Thầy, cô giáo có ứng xử phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh sang chấn tâm lý khi đến trường học trực tiếp.

Quan trọng nhất là sự chủ động trong công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch an toàn học sinh trở lại học tập. Thực tế việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp sau khi học trực tuyến thời gian dài không chỉ tháo gỡ về mặt tâm lý, cảm xúc cho học sinh, mà quan trọng hơn giúp các em sớm tìm lại trạng thái học tập. Vì thế, công tác chuyên môn cần phải được thầy cô quan tâm hơn nữa, tổ chức bồi dưỡng ôn tập, đảm bảo những nội dung cốt lõi của chương trình nhằm tránh việc học sinh hổng, hụt kiến thức sau thời gian dài học trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.