Các trường đào tạo giáo viên đang khởi động dạy chương trình tích hợp

GD&TĐ - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - thông tin khi trao đổi về chủ trương tích hợp trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT

Hội thi nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh TTXVN
Hội thi nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh TTXVN

- Chủ trương dạy học tích hợp, theo như dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ GD&ĐT công bố có một số điểm khác so với chương trình hiện hành như: Tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở các cấp học, tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp và thi, kiểm tra, đánh giá giáo dục. PGS nhận định như thế nào về chủ trương này?

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa 

Tích hợp là xu thế tất yếu, đặc biệt ở trình độ phổ thông, bởi ở lứa tuổi này cần giáo dục cơ bản để giải quyết những vấn đề cuộc sống xung quanh, từ đó mới có được năng lực thực tiễn.

Trên thực tế, các thầy cô có thể dạy rất sâu vào một lĩnh vực khoa học, nhưng học sinh của chúng ta chưa thể có năng lực tự tổng hợp kiến thức, nên các em vẫn tiếp nhận một cách rời rạc. Nếu tiếp nhận theo cách rời rạc như vậy sẽ rất khó để có được năng lực thực tiễn.

Hệ quả là thành quả giáo dục chưa đạt được như chúng ta mong muốn, cụ thể là học sinh thiếu nhiều kỹ năng, năng lực.

Tích hợp thường xuất phát từ thực tiễn, thực tiễn có gì và chúng ta cần dạy gì. Khi dạy theo thực tiễn, bao giờ chúng ta cũng bắt đầu từ những hiện tượng mà đưa vào trong dạy học gọi là chủ đề.

Ví dụ như môi trường chẳng hạn, thử hỏi môi trường thuộc về khoa học nào, trong khi đây luôn là vấn đề rất quan trọng. Không có một khoa học chính xác, cụ thể nào để nói về môi trường vì đó là lĩnh vực tích hợp, giải thích rất nhiều góc độ khác nhau, từ Lý, Hóa, Sinh, Địa lý, thậm chí cả Lịch sử... Do vậy phải tích hợp. Như vậy, nhu cầu tích hợp xuất phát từ thực tiễn.

Tích hợp bao giờ cũng có nguyên tắc của nó. Mỗi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và con người là một thể thống nhất, ít nhiều đều có mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác; nhiều sự vật, hiện tượng có những điểm tương đồng và cùng một nguồn cội… Vì vậy, để nhận biết hoặc giải quyết mỗi sự vật, hiện tượng ấy, cần huy động tổng hợp các kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Dạy học tích hợp phù hợp với yêu cầu đó.

Tích hợp cũng có những mức độ khác nhau. Việc đó các nhà khoa học sẽ nghiên cứu để đưa vào chương trình tích hợp phù hợp với độ tuổi, với chủ đề, với sức của học sinh...

- Tích hợp là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, khi triển khai dạy học tích hợp, thành công hay không lại phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên. PGS có tin tưởng đội ngũ giáo viên hiện tại của chúng ta làm tốt được điều này? Thực tế là đã có giáo viên tuyên bố mình không thể dạy học tích hợp.

Không một đổi mới nào là dễ dàng và không phải bất kỳ ai cũng sẵn sàng cho đổi mới. Những người không ủng hộ đổi mới lắm, họ sẽ nói khó khăn, đó là về mặt tâm lý. Do đó, chúng ta buộc phải dựa vào một số đội quân tiên phong.

Còn về năng lực thực, nếu được xem những chương trình thi giáo viên dạy giỏi các chủ đề tích hợp, sẽ thấy các cô giáo tham gia dạy các chủ đề tích hợp rất tuyệt vời. Giáo viên đã làm được như vậy thì không lý do gì những nhà khoa học lại không tích hợp được.

Thêm nữa, tích hợp ở đây chỉ là một số chủ đề tích hợp, còn trong cuốn sách giáo khoa vẫn có những phần riêng biệt.

Hãy hình dung một cuốn sách giáo khoa trong tương lai sẽ là: Một số chủ đề, ở đó sẽ giải thích hiện tượng dưới góc độ của các khoa học khác nhau. Đồng thời, sẽ có từng phần như Vật lý, Hóa học, Sinh học... riêng với những hiện tượng đề cập sâu hơn trong từng lĩnh vực. Có nghĩa tích hợp ở một vài chủ đề chứ không phải trọn gói tất cả.

- PGS tin tưởng vào đội ngũ giáo viên hiện tại, vậy còn với việc đào tạo mới thì sao? Trường ĐH Giáo dục đã có những chuẩn bị như thế nào để có được đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình mới?

Hiện nay các trường đào tạo giáo viên đang khởi động dạy chương trình tích hợp. Bản thân Trường ĐH Giáo dục đã mở nhiều hội thảo và cũng đang xây dựng một số chủ đề; sinh viên cũng nghiên cứu nhiều chủ đề khác nhau trong công trình nghiên cứu của mình để hướng tới có thể cập nhật với những thay đổi khi ra trường.

Có thể nói, việc này đang được triển khai khá ráo riết. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể cầu toàn theo kiểu chờ đợi một thế hệ giáo viên mới ra rồi mới làm, điều đó là không thể được.

- Xin cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.