Hiện nay, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng môn Lịch sử phải tồn tại độc lập mới tương xứng với vị thế cũng như đảm bảo được ý nghĩa, giá trị của môn học với sự sống còn của dân tộc.
GS Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thịnh) |
Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đặt vấn đề Lịch sử là môn học độc lập hay tích hợp không phải cách đặt vấn đề hợp lý.
Phẩm chất năng lực liên quan đến môn Lịch sử là phải giáo dục được lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với Tổ quốc, góp phần hình thành nhân cách học sinh.
“Nếu nhóm kiến thức đó quan trọng thì phải bắt buộc. Đặc biệt là Lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, nó có vai trò rất lớn để giáo dục lòng yêu nước bảo vệ duy trì sự tồn vong của một quốc gia”, GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm.
Ông Thi cho rằng mục đích của giáo dục không phải giữ các môn học. Không có môn học nào là “bắt buộc phải tồn tại cả”.
“Chúng ta cần phẩm chất năng lực, để có phẩm chất, kỹ năng phải có kiến thức và cách thức vận dụng kiến thức đó. Chúng ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau tích hợp, liên môn. Cái nào đạt được mục đích giáo dục thì chúng ta làm. Nếu dạy độc lập không đạt hiệu quả thì môn học tồn tại độc lập không để làm gì.
Chúng ta không cần chứng minh rằng chúng tôi giữ được môn Lịch sử và môn Lịch sử của chúng ta thật hoành tráng. Chúng ta không cần sinh viên chúng ta giỏi Lịch sử, mà cần những con người có lòng yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, hiểu được truyền thống dân tộc”, GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm.
Vì vậy, vấn đề cần đặt ra là dùng hình thức nào dạy, truyền thụ được kiến thức Lịch sử cho học sinh để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc, giáo dục tinh thần trách nhiệm trước tổ quốc xã hội.
Việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học tích hợp trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã khiến dư luận tranh cãi gay gắt trong thời gian qua |
Kiến thức Lịch sử có thể kết hợp với kiến thức văn học để giáo dục lịch sử văn hóa, kết hợp với Địa lý để có lịch sử địa lý, lãnh thổ quốc gia hoặc kết hợp với Quốc phòng – An ninh để có những bài học về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, các bài học về quân sự.
“Nếu kiến thức lịch sử kết hợp với kiến thức của các môn học khác để hình thành một kiến thức tổng hợp, thành kỹ năng, nhận thức, phẩm chất để con người sử dụng nó giải quyết các vấn đề của công việc, cuộc sống và đạt được mục tiêu là giáo dục được lòng yêu nước thì chúng ta đã đạt được mục tiêu cao nhất”, GS Đào Trọng Thi nhận định.
Vì vậy, ông Thi cho rằng môn Lịch sử không phải mục tiêu của giáo dục.
“Kể cả môn Lịch sử có còn hay không, đó cũng không phải là mục tiêu của một nền giáo dục”, ông Thi khẳng định.
Nhiều chuyên gia cho rằng chưa có cơ sở vững chắc cho việc học tích hợp môn Lịch sử nên việc dư luận nghi ngờ và lo lắng cho sự tồn vong của một môn Lịch sử là có cơ sở.
|
“Khi anh đưa ra nhận định anh phải có lập luận, cơ sở thực tế để chứng minh môn Lịch sử phải tồn tại độc lập thì mới giáo dục được lòng yêu nước và truyền thống dân tộc”, ông Thi bày tỏ quan điểm.
Vì vậy, những người làm chương trình phải chứng minh được “ làm tích hợp sẽ tốt, hiệu quả, đạt mục tiêu đào tạo năng lực phẩm chất người học hiệu quả hơn là môn học độc lập”.
Khi các chuyên gia phản bác lại ý kiến của những người xây dựng chương trình thì cũng phải chứng minh.
“Các nhà khoa học phải chứng minh bằng khoa học, chứ không thể áp đặt bằng định kiến. Nói thế thì không còn là khoa học và không xứng để mang ra bàn giữa một cộng đồng khoa học”, GS Đào Trọng Thi nói.
Tuy nhiên, ông Thi cho rằng những nhà khoa học có quyền nghi ngờ. Vì vậy, những thành viên ban soạn thảo chương trình cần phải tìm mọi lý lẽ, kinh nghiệm từ nước ngoài và kết quả đã thực nghiệm trên thực tế làm cơ sở chứng minh để thuyết phục họ.
Quốc hội đã ra nghị quyết xác định sẽ tăng cường dạy tích hợp. Nhưng điều đó không có nghĩa là dạy tích hợp một cách mù quáng,
“Cả thế giới đã chứng minh dạy tích hợp là một phương pháp tiên tiến, nhưng người ta cũng không nói cái gì cũng có thể tích hợp và tích hợp bất cứ lúc nào…Phải lựa chọn những nội dung nào có thể tích hợp”, GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm.
Ông Thi cho rằng dạy tích hợp hay độc lập nó chỉ là phương tiện để đạt mục đích giáo dục. Do đó, phương pháp nào hiệu quả phù hợp thì chúng ta lựa chọn.
“Câu chuyện vẫn còn ở phía trước, chưa thể nói được ngay là tích hợp tốt hơn hay độc lập mới đúng. Vì bây giờ ban xây dựng chương trình mới đưa ra môn học, chưa nói cụ thể nó sẽ như thế nào, ra sao vậy tại sao chúng ta lại có thể chủ quan duy ý chí quy kết nó là không tốt?”, ông Thi nói.