Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Dấu mốc lịch sử quan trọng:

Bước ngoặt lịch sử của giáo dục Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng và đã viết nên những trang vàng vẻ vang...

Giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm. Ảnh: TTV
Giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm. Ảnh: TTV

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng và đã viết nên những trang vàng vẻ vang, góp phần xây dựng, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của đất nước.

Ông Nguyễn Văn Định, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp: Ba nhóm thành tựu đặc biệt của giáo dục

Ông Nguyễn Văn Định.

Ông Nguyễn Văn Định.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Giáo dục nước nhà bước sang một giai đoạn đặc biệt, bước qua giai đoạn trì trệ, lạc hậu kéo dài hàng nghìn năm. Có rất nhiều thành tựu sau gần 80 năm độc lập, xin nhấn mạnh 3 nhóm thành tựu đặc biệt của giáo dục:

Thứ nhất: Giáo dục nước nhà là nền giáo dục cách mạng, chính thức trở thành nền giáo dục của dân, do dân và vì dân. Các kiến thức khoa học, tiến bộ của nhân loại đã được truyền bá rộng khắp cho toàn dân. Đất nước thoát nạn “giặc dốt”, từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, làm sản sinh và bồi dưỡng nhiều thế hệ hiền tài để tiếp tục công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai: Đồng hành cùng dân tộc, giáo dục qua các lần cải cách (và đổi mới) đã có những điều chỉnh mạnh mẽ, kịp thời theo hướng tiến bộ nhưng vẫn đảm bảo tính kế thừa và phát triển; phản ánh kịp thời hiện thực đời sống xã hội, phục vụ thật tốt cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn cụ thể.

Thứ ba: Tiếp cận, hội nhập giáo dục quốc tế để vận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học của loài người vào thực tiễn phát triển đất nước. Học sinh tham gia các cuộc thi giáo dục quốc tế đạt nhiều kết quả đặc biệt xuất sắc. Nền giáo dục cách mạng đã tạo ra nhiều chính trị gia, nhà quân sự, nhà kinh tế, nhà khoa học… hàng đầu thế giới góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Kế thừa, phát triển thành tựu giáo dục cách mạng; tiếp tục thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện, từng bước đưa GD&ĐT nước nhà lên tầm cao mới; có nhiều giải pháp cần được thực hiện. Tôi đề xuất ngành GD&ĐT ưu tiên tập trung 3 nội dung sau:

Một là, quy tụ tốt nhất trí tuệ khoa học để sớm hoàn thiện hệ thống sách giáo khoa (SGK) mới. SGK phải là trí tuệ của dân tộc; là công cụ, cẩm nang quan trọng của ngành Giáo dục; phản ánh toàn diện hiện thực; một mặt, đảm bảo tính khoa học, tính hiện đại và phát triển nhưng phải kế thừa những ưu điểm từ lịch sử, phù hợp với phong tục tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Cần bộ sách có chất lượng, tính đại diện cao, đáp ứng đầy đủ nhất các yêu cầu của xã hội.

Hai là, tập trung ưu tiên khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý có đủ năng lực quản lý, điều hành, thực hiện tốt nhất các yêu cầu đổi mới giáo dục. Người thầy sẽ quyết định cao nhất chất lượng giáo dục. Vì vậy, cần đầu tư tốt nhất cho người thầy về năng lực, chính sách, quyền và trách nhiệm với công việc chính của mình.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài; phát triển càng nhiều gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, đơn vị học tập, xã hội học tập, tiến đến quốc gia học tập. Làm cho tinh thần hiếu học luôn lan tỏa rộng khắp trong mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp nhân dân không chỉ hôm nay mà còn cho cả mai sau.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT): Tạo chuyển biến

Ông Đặng Tự Ân.

Ông Đặng Tự Ân.

Cách mạng tháng Tám thành công, lịch sử giáo dục nước nhà sang một trang mới. Chính phủ ký sắc lệnh quan trọng thành lập Nha bình dân học vụ, nhằm chống lại nạn mù chữ và đã có những chủ trương cải tổ, xây dựng bước đầu với toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia.

Cải cách giáo dục năm 1950 - 1954 dù có mặt còn hạn chế, nhưng đã thay đổi cơ bản nền giáo dục thực dân cũ, xây dựng cơ sở cho một nền giáo dục mới, theo hướng “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”. Các trường từ giáo dục phổ thông đến đại học đều giảng dạy bằng tiếng Việt.

Giai đoạn 1954 - 1975: Điểm nổi bật là tiến hành cải cách giáo dục năm 1956, đặt cơ sở cho việc hình thành Hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm gồm 3 cấp học. Miền Bắc mở các trường cho học sinh người miền Nam; cử học sinh ra nước ngoài học tập, trở thành những trí thức, nhà khoa học, là nguồn lực to lớn, góp phần phụng sự kháng chiến thắng lợi, xây dựng Tổ quốc. Mạng lưới trường đại học, quy mô đào tạo không ngừng mở rộng. Đặc biệt, toàn miền Bắc đã thanh toán được nạn mù chữ cho toàn dân.

Giai đoạn 1975 - 1986: Đất nước thống nhất, giáo dục được Nhà nước tập trung đầu tư. Ngày 11/ 1/1979, Bộ Chính trị khóa IV ban hành Nghị quyết về cải cách giáo dục; bắt đầu từ giáo dục phổ thông và từng bước cải cách khối các trường sư phạm. Giai đoạn 1986 - 1995, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 mở đầu cho công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam.

Chủ trương của giáo dục trong thời kỳ này là đa dạng hóa loại hình trường, lớp, các hình thức đào tạo; quy chế các trường, lớp dân lập, tư thục đã được ban hành. Năm 1990, Chính phủ quyết định thành lập Bộ GD&ĐT. Từ đây, Bộ GD&ĐT quản lý thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến giáo dục đại học, sau đại học.

Giai đoạn 1996 đến nay: Giáo dục đáp ứng được cơ bản nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân; Thực hiện được các mục tiêu lớn trong Chiến lược phát triển giáo dục: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, hội nhập quốc tế thành công.

Trong giai đoạn đổi mới, đặc biệt sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.

Hệ thống trường lớp, quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao trình độ đào tạo, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là với người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bình đẳng giới được bảo đảm.

Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác phát triển đội ngũ được đặc biệt chú trọng để củng cố, đổi mới. Cơ sở vật chất trường lớp học tăng thêm, từng bước hiện đại hóa. Xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta bước đầu đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng; ban hành và triển khai chương trình, SGK mới với nhiều bộ sách xã hội hóa. Chủ trương tự chủ đại học được Luật Giáo dục đại học quy định đã mở ra sự phát triển đúng hướng cho giáo dục và đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ