Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Dấu mốc lịch sử quan trọng:

Từ 'diệt giặc dốt' tới xã hội học tập hiện đại

GD&TĐ - Thời gian qua, công tác “diệt giặc dốt” tiến tới kiến tạo xã hội học tập suốt đời đã đạt những thành quả quan trọng.

Thầy, trò Trường THCS Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng trong giờ thực hành Tin học. Ảnh: Quốc Ngữ
Thầy, trò Trường THCS Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng trong giờ thực hành Tin học. Ảnh: Quốc Ngữ

Đến nay, thông qua chuyển đổi số và công nghệ, việc học tập suốt đời, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong nhà trường được triển khai sâu rộng.

Đưa chuyển đổi số vào xã hội học tập

Ngành Giáo dục đã đạt những mốc son trong công tác “diệt giặc dốt”, tiến tới kiến tạo một xã hội học tập suốt đời, là nền tảng vững chắc để đất nước phát triển. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1373 phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” với hàng loạt mục tiêu đặt ra.

Qua đó, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng mô hình “Công dân học tập” trong các nhà trường, cán bộ, giáo viên, học sinh, nhân viên; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ quản lý, giáo viên theo yêu cầu nhiệm vụ được giao. Qua đó, tạo sự lan tỏa, trao đổi tri thức giữa trường với trường, giáo viên với giáo viên; phát huy việc tự học và nghiên cứu đối với giáo viên, học sinh…

“Tất cả các tài liệu, dữ liệu phục vụ cho tập huấn SGK mới được số hóa, đăng tải để giáo viên truy cập sử dụng miễn phí và được cập nhật thường xuyên trên website. Bằng cách truy cập vào website, không cần tài khoản đăng nhập, thông qua các tài liệu, dữ liệu này, cán bộ quản lý, giáo viên, các địa phương có thể chủ động tự tìm hiểu, nghiên cứu về SGK, phương pháp dạy học theo SGK các môn học…”. - Thầy giáo Thạch Sa Quên, Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh)

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, tỉnh đang tăng cường tận dụng tiến bộ công nghệ để nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, đổi mới sáng tạo trong dạy học nhằm xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, phát huy tối đa lợi thế nguồn nhân lực sẵn có. Qua đó, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong đổi mới phương thức quản lý, dạy học…

Chia sẻ về công tác chuyển đổi số trong nhà trường, thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) cho biết: Mục tiêu của trường là từng bước xây dựng “Trường học thông minh”, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý và dạy học. Do đó, ngoài các phần mềm mà giáo viên trường đã xây dựng, nhà trường tiếp tục “đặt hàng” thầy cô viết phần mềm theo yêu cầu công việc. Một trong những mục tiêu đặt ra là số hóa toàn bộ các tài liệu đã lưu trữ gần 100 năm trên các văn bản giấy.

Theo thầy Trung, để nâng cao nhận thức và phát triển kỹ năng số, ngoài công tác truyền thông, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thì việc áp dụng vào công việc và lấy hiệu quả làm thước đo đã góp phần nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh trong chuyển đổi số. Phải làm cho giáo viên và học sinh thấy được hiệu quả của công tác này thì mọi người sẽ ủng hộ và thực hiện tự giác...

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, ngành Giáo dục đẩy mạnh các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, người học.

Để thực hiện mục tiêu này, ngành tập trung vào những giải pháp về tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT; Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá; triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý GD-ĐT, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục...

Giờ dạy học trực tuyến tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ). Ảnh: Quốc Ngữ

Giờ dạy học trực tuyến tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ). Ảnh: Quốc Ngữ

Đặc biệt, ngành Giáo dục Tiền Giang sẽ thí điểm bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin tiếp cận chuẩn quốc tế tại một số cơ sở giáo dục, địa phương có đủ điều kiện và yêu cầu cao về nhân lực chuyển đổi số. Triển khai hệ thống bồi dưỡng đảm bảo tất cả các nhà giáo có hồ sơ và tài khoản sử dụng để tự bồi dưỡng một cách chủ động, thường xuyên theo nhu cầu.

Đồng thời, ngành triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, phát triển tư duy lập trình, các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học…

Tại tỉnh Sóc Trăng, theo Nghị quyết của Tỉnh ủy về “Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, GD-ĐT là một trong năm lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, được lãnh đạo các cấp quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện.

Ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sở đã triển khai lồng ghép nội dung chuyển đổi số vào các văn bản hướng dẫn của ngành khi thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm. Qua đó, năng lực của đội ngũ nhà giáo hầu hết đáp ứng yêu cầu công tác chuyển đổi số của ngành và tỉnh; tất cả sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 481 trường, hiện tất cả các trường đã triển khai nền tảng quản trị nhà trường, tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và hướng đến người học. Ngành đã đề ra một số giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ quản lý và giáo viên về vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động GD-ĐT.

Kiện toàn tổ chức bộ phận phụ trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể là các đơn vị phải phân công lãnh đạo, viên chức phụ trách để làm đầu mối triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Cán bộ, giáo viên tỉnh Tiền Giang nghiên cứu SGK môn Tiếng Anh. Ảnh: Quốc Ngữ

Cán bộ, giáo viên tỉnh Tiền Giang nghiên cứu SGK môn Tiếng Anh. Ảnh: Quốc Ngữ

Phát huy tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ

Thông qua chuyển đổi số, việc tận dụng nguồn trí tuệ tập thể, đặc biệt là sinh hoạt chuyên môn liên trường được ngành Giáo dục các địa phương triển khai có hiệu quả. Sinh hoạt chuyên môn theo hình thức trực tuyến bổ trợ cho giáo viên song song với hình thức trực tiếp; giúp thầy cô giáo ở xa hạn chế di chuyển khi hội họp. Qua đó giúp cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng nâng cao trình độ, phát huy tính chủ động, tự học, tự bồi dưỡng phục vụ cho công tác.

Thầy giáo Thạch Sa Quên, Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) cho hay, thời gian qua bản thân đã tận dụng công nghệ, đặc biệt là trao đổi kiến thức, kỹ năng cùng đồng nghiệp xa gần để phục vụ tốt hơn cho việc dạy học. Theo thầy Sa Quên, sinh hoạt chuyên môn ở cấp tổ, trường, cụm trường đã phát huy hiệu quả tích cực.

Giáo viên được khuyến khích sinh hoạt chuyên môn trực tuyến thông qua phần truy cập hệ thống trường học kết nối. Qua đó đã tận dụng nguồn lực các tổ, khối chuyên môn nhà trường với trường bạn; Góp phần nâng cao năng lực tổ trưởng trong chỉ đạo chuyên môn, chuyên môn, kỹ năng sư phạm giáo viên trong hoạt động dạy học; Kịp thời tháo gỡ những khó khăn về đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh; Tạo cơ hội để mỗi giáo viên phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục.

Sinh hoạt tổ chuyên môn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin hiện được nhiều trường học duy trì thực hiện. Để việc triển khai hiệu quả, nhà trường xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể, tập huấn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, cũng như các phần mềm hỗ trợ trong dạy học thông qua các tiết dự giờ dạy mẫu cho giáo viên.

Giáo viên Tin học, hoặc giáo viên có kỹ năng công nghệ thông tin được phân công hỗ trợ đồng nghiệp lớn tuổi, hạn chế khả năng sử dụng có thể chuẩn bị tốt hơn các tiết dự giờ. Nhà trường cũng khuyến khích các nhóm bộ môn tăng cường dự giờ, sinh hoạt chuyên môn theo hình thức trực tuyến thông qua các cuộc thi, hội giảng, thao giảng…

Theo chia sẻ của các thầy cô, sinh hoạt chuyên môn, dự giờ trực tuyến có ưu điểm tiết kiệm thời gian đi lại của giáo viên, học sinh, tiện lợi trong trình chiếu, chia sẻ hình ảnh, video, giúp bài học thêm sinh động. Giải pháp này không bị hạn chế trong không gian phòng học nên số lượng học sinh, giáo viên dự được nhiều hơn; có thể lưu bài dạy sau buổi học, học sinh chưa hiểu có thể mở ra xem lại.

“Giáo viên vận dụng khá linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; Khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trực tuyến trong dạy học, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn.

Hiện nay, trường có trang bị tivi từ nguồn xã hội hóa, kết nối mạng Internet để giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, liên kết nguồn tài nguyên trực tuyến cho tiết dạy sinh động, lôi cuốn học sinh…”, thầy Dương Sô Thol, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết.

Trong triển khai Chương trình GDPT 2018, công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên đóng vai trò quan trọng. Thông qua ứng dụng công nghệ, thầy cô giáo được tiếp cận SGK thông qua bản in mẫu hoặc bản mềm để tìm hiểu và thống nhất lựa chọn sách.

Theo chia sẻ của giáo viên, hiện nay các nhà xuất bản đã chuẩn bị đầy đủ, đa dạng nguồn tài liệu, dữ liệu cho SGK của tất cả các môn học/hoạt động giáo dục phục vụ công tác bồi dưỡng. Ngành Giáo dục địa phương yêu cầu 100% giáo viên dạy SGK mới phải được tập huấn, có thể linh hoạt giữa trực tuyến và trực tiếp, tùy vào điều kiện thực tế. Tuy nhiên, phải đảm bảo sự trao đổi hai chiều, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát…

6 tháng đầu năm 2023, Hội Khuyến học các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã vận động Quỹ khuyến học, khuyến tài bằng tiền, hiện vật quy ra tiền trị giá trên 301 tỷ đồng; Đã chi cấp phát học bổng cho học sinh, sinh viên… trị giá trên 248 tỉ đồng. Số hội viên khuyến học 6 tháng đầu năm tăng trên 110 nghìn hội viên, nâng tổng số hội viên toàn vùng lên trên 4.550 hội viên.

Hội Khuyến học các tỉnh, thành đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xây dựng kế hoạch khảo sát nhu cầu học tập của người dân và tổ chức mở được 241 lớp học với 12 nghìn lượt người tham dự các lớp xóa mù chữ, lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dạy nghề ngắn hạn, tin học - ngoại ngữ, bổ túc văn hóa, phổ cập giáo dục…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ