Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Dấu mốc lịch sử quan trọng:

Ký ức thời diệt 'giặc dốt'

GD&TĐ - Trong ký ức của các nhà giáo lão thành, những lớp học thời bom đạn vẫn còn hiện hữu. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra công tác Bình dân học vụ. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra công tác Bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Ở miền ký ức ấy, có hình ảnh của lớp học bình dân học vụ, những ngày cắp sách đến trường khi nạn đói, “giặc dốt” hoành hành mọi nơi…

Ăm ắp kỷ niệm

Bên ấm trà nóng, NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh (86 tuổi) - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) hồi tưởng về miền ký ức tuổi thơ với những mất mát đau thương nhưng đầy ước mơ, hoài bão và nghị lực vươn lên. Nhà đông người, anh em thường xuyên phải ăn rau, khoai sắn trừ bữa qua ngày, thế nhưng, cậu bé Kỳ Anh ngày ấy luôn khát khao được đến trường. “Năm 1945, nạn đói khủng khiếp đã cướp đi bao sinh mạng của người dân nhưng tôi may mắn được bố mẹ gửi đến trường học tập”, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh nhớ lại.

“Con người là trung tâm và là chủ thể. Mỗi cá nhân phải 3 trong 1: Vừa là trò - học, thầy – dạy và quan trọng nhất là bạn – chia sẻ. Gia đình là nền tảng phát triển của xã hội. “Núi sông dễ chuyển, bản tính khó dời”, tính cách con người được hình thành trước 8 tuổi, lứa tuổi phụ thuộc chủ yếu vào nền giáo dục gia đình. Phải thiết kế đổi mới từ gia đình hiếu học lên gia đình chia sẻ - dạy - học. Ông có thể dạy cháu về cách sống, nhưng cháu lại dạy ông tiếng Anh và cùng nhau chia sẻ một trò chơi”. - PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, gia đình ông chuyển lên Hương Khê (năm 1946). Ông vào trường tiểu học, học lớp Nhì.

“Hồi ấy, tôi học giỏi, viết chữ đẹp nên được thầy giáo quý. Sau khi học xong tiểu học, tôi học Trường Trung học Hương Khê. Đến năm 1950, mẹ tôi cũng chuyển lên dạy học ở xã Hiệp Phố và từ đó cả nhà được đoàn tụ nhưng phải ở nhờ nhà người quen.

Để giảm gánh nặng cho mẹ, anh em tôi tìm nhà nhận nuôi nhưng phải kèm học cho người trong nhà để kiếm cơm ăn và tiếp tục đi học. Tôi được một gia đình ở phố nhận nuôi, vừa dạy con trai họ học, vừa giúp gia đình làm việc nhà” - PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh nhớ lại.

Ông học đến đệ nhị thì hệ thống trường học cả nước chuyển thành trường cấp I, II, III và lớp đệ nhị được gọi là lớp 6. Cuối năm 1951, gia đình ông chuyển về huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), tiếp tục hành trình mới. Giai đoạn từ năm 1945 - 1951, một trong những ký ức mà PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh nhớ nhất là phong trào Bình dân học vụ. Ngày ấy, phong trào phát triển rộng trong thôn, ngoài xóm. Khẩu hiệu “diệt giặc dốt” lan tỏa khắp vùng, đâu đâu cũng có lớp bình dân học vụ.

“Theo tinh thần, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người không biết, học sinh chúng tôi cũng tích cực tham gia dạy chữ cho người dân. Ngoài những lớp học do chính quyền lập nên, học sinh cũng đến các gia đình để dạy chữ cho họ. Có gia đình, tôi dạy chữ cho cả ông bà, bố mẹ, con cái. Ai cũng có tinh thần hiếu học.

Chẳng thế mà, tính đến cuối năm 1945 - sau hơn ba tháng phát động, cả nước mở được hơn 22.100 lớp học, với gần 30 nghìn giáo viên và đã dạy biết chữ cho hơn 500 nghìn học viên. Năm 1945, từ chỗ 95% người dân mù chữ, sau đó một năm đã có trên 2,5 triệu người biết đọc, biết viết. Tới năm 1948, 6 triệu người đã thoát nạn mù chữ và đến năm 1952 là 10 triệu người. Phong trào Bình dân học vụ đã tạo nên kỳ tích về xóa mù chữ” - PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh hồ hởi chia sẻ.

Một lớp học bình dân học vụ giữa chiến khu. Ảnh tư liệu

Một lớp học bình dân học vụ giữa chiến khu. Ảnh tư liệu

Lớp học có một không hai

Là người nghiên cứu về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay, ngày 3/9/1945 trong buổi họp Hội đồng Chính phủ phiên đầu tiên, Bác Hồ nêu luận điểm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Tháng 10/1946 khi đi công tác ở Pháp về đến Hải Phòng, Bác có lời kêu gọi nhân dân toàn quốc: “Ra sức chống “giặc dốt” làm cho dân tộc Việt Nam thành dân tộc thông thái”.

Bình dân học vụ là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, Chính phủ lâm thời phát động sau khi Việt Nam giành được độc lập (năm 1945). Phong trào này nhằm giải quyết “giặc dốt” - một trong các vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam lúc bấy giờ và chỉ sau “giặc đói”.

Chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản hoàn thành. Đi đôi với diệt “giặc dốt”, việc bổ túc văn hóa để củng cố đọc thông, viết thạo cho những người đã thoát nạn mù chữ được tổ chức và đẩy mạnh, trình độ văn hóa của cán bộ và nhân dân lao động cũng được nâng lên. “Phong trào Bình dân học vụ với những lớp học đặc biệt “có một không hai” đã tạo nên kỳ tích của nền giáo dục non trẻ lúc bấy giờ”.

NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh. Ảnh: NVCC

NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh. Ảnh: NVCC

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), phong trào Bình dân học vụ tiếp tục phát triển nhằm xóa mù chữ cho nhân dân trong các vùng trước đây bị chiếm đóng. Chiến dịch 3 năm (1956 – 1958) đã hoàn thành căn bản xóa nạn mù chữ.

Sau đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, phong trào Bình dân học vụ tiếp tục phát triển khắp nơi, đầy khí thế. Cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành ở miền Nam đã cơ bản hoàn thành kế hoạch xóa nạn mù chữ.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho biết, ngày 4/10/1945, Bác có lời kêu gọi “Nâng cao dân trí”. Đọc lời kêu gọi này trong cuộc sống hiện nay có cảm xúc như đang tiếp nhận một mệnh lệnh thôi thúc để giáo dục thường xuyên tổ chức các chương trình hành động kiến tạo được “Xã hội chia sẻ giáo dục” trong hoàn cảnh mới: “Mọi người Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ như các anh chị em trong sáu, bảy năm nay đã gây dựng phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ giúp đồng bào thất học.

Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ, hàng xóm láng giềng…”.

Người dân đứng ngay tại bến đò, bến sông để học chữ. Ảnh tư liệu

Người dân đứng ngay tại bến đò, bến sông để học chữ. Ảnh tư liệu

Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, ngày nay, mỗi người trong cuộc sống của mình phải đồng thời làm tròn được cả ba vai trò: Người dạy (thầy), người học (trò), người bạn của nhau giúp nhau thấm nhuần được đạo lý, tuân thủ pháp lý, trân trọng với công lý, kịp thời nắm vững các công nghệ kỹ thuật tiên tiến (đặc biệt tin học) và loại trừ được các kiểu sống độc hại, lạc điệu, phi văn hóa trong đời sống chung.

Công cuộc đổi mới đất nước vẫn cần tiếp tục bồi dưỡng cho người công dân giữ gìn được nhân tính, kiên trì được quốc tính, khẳng định được cá tính lành mạnh trên nền tảng 4 phẩm chất mà Bác đã nêu. Giáo dục thường xuyên dù đang được hiểu là “Giáo dục tiếp tục” hay “Giáo dục không chính quy” đều phải tác động vào mỗi con người giúp họ thụ hưởng: “Giáo dục Thường xuyên/ Đào tạo liên tục/ Học tập suốt đời”. Điều đó có hàm ý: Giáo dục Thường xuyên giúp cho con người luôn luôn có sự cải thiện con tim, đôi tay, bộ óc, xác định nhu cầu sống hợp lý biết nâng cao năng lực sống và mở rộng cơ hội sống một cách lành mạnh.

Trong bài viết nghiên cứu của mình, PGS.TS Ngô Đăng Tri – Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, sau Lễ tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách phải làm ngay, trong đó nhiệm vụ “Diệt giặc dốt” đứng hàng thứ hai.

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 17-SL, thành lập Nha Bình dân học vụ, quy định nhiệm vụ của Nha là lo việc học cho nhân dân, Sắc lệnh số 19-SL, quy định hạn trong 6 tháng, làng nào, thị trấn nào cũng phải có lớp học, ít nhất là 30 người theo học; Sắc lệnh số 20/SL, ban bố việc học chữ Quốc ngữ là “bắt buộc và không mất tiền”, hạn một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Ngoài việc sắp xếp lại bộ máy học chính các cấp và các trường theo đúng tinh thần mới, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh 14/SL lập Hội đồng cố vấn học chính. Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, trong đó vạch rõ nhiệm vụ của giáo dục là: “Mở đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách học nhồi sọ”.

Tại Sắc lệnh 146/SL ngày 10/8/1946, Chủ tịch Chính phủ đã quy định ba nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới là: “Đại chúng hóa - Dân tộc hóa - Khoa học hóa”, theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ. Nền giáo dục mới theo quy định của sắc lệnh nói trên gồm ba bậc học: Bậc học cơ bản gồm 4 năm và bắt đầu từ 1950 sẽ là bậc học cưỡng bách. Bậc học trung học và chuyên nghiệp; Bậc học đại học.

Sắc lệnh 147/SL đã ấn định thêm những điều khoản pháp chế để thực hiện bậc học cơ bản, không phải trả tiền, các môn học dạy bằng tiếng Việt ở tất cả các bậc từ tiểu học đến đại học, trong tất cả các bộ môn khoa học: Khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Chính phủ cũng định một chương trình giáo dục, tổ chức ngạch thanh tra và lập hội đồng sách giáo khoa…

Đặt trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, những chủ trương, quan điểm, phương châm, sắc lệnh và việc làm nói trên, nhất là ba nguyên tắc (ba tính chất) của nền giáo dục do Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, đã trực tiếp xóa bỏ tính chất phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng của chính sách giáo dục thực dân, phong kiến, đặt nền móng cho sự ra đời của nền giáo dục Việt Nam mới. Nền giáo dục mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em”.

PGS.TS Ngô Đăng Tri đánh giá, nhìn chung nền giáo dục Việt Nam mới được hình thành sau Cách mạng tháng Tám đã tiếp tục được xây dựng, phát triển mạnh trong những năm kháng chiến. Cuộc “cải cách giáo dục” và phong trào “rèn cán chỉnh cơ” được phát động năm 1950 là bước đột phá quan trọng đưa giáo dục Việt Nam chuyển biến sâu sắc và toàn diện sang giai đoạn mới theo ba nguyên tắc: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng và phương châm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phụng sự kháng chiến.

“Đội ngũ học sinh, sinh viên, cán bộ do ngành Giáo dục Việt Nam đào tạo cùng với đông đảo nhân dân được nâng cao văn hóa, tư tưởng qua phong trào Bình dân học vụ, bổ túc văn hóa là nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần có ý nghĩa quyết định vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến, kiến quốc và là sự chuẩn bị tích cực cho cách mạng Việt Nam giai đoạn sau”. - PGS.TS Ngô Đăng Tri – Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ