Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Dấu mốc lịch sử quan trọng:

Chìa khóa học tập, làm việc hiệu quả

GD&TĐ - Xã hội hiện đại thay đổi từng ngày với đòi hỏi mỗi cá nhân phải liên tục học hỏi, cập nhật thông tin, kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, lao động…

Một tiết học của thầy Nguyễn Trường Nhân – giáo viên Tin học, Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh. Ảnh: NVCC
Một tiết học của thầy Nguyễn Trường Nhân – giáo viên Tin học, Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh. Ảnh: NVCC

Điều đó đồng nghĩa công tác xóa mù chức năng (Tiếng Anh, Tin học) vô cùng cần thiết và xem như chìa khóa để bước vào hội nhập thế giới.

Đa dạng hình thức

Thầy Nguyễn Trường Nhân – giáo viên Tin học, Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh hai năm qua vẫn đi hơn 40km để tham gia giảng dạy Tin học miễn phí cho sinh viên, người dân, nhà sư tại chùa Xoài Xiêm (cũ) huyện Trà Cú và chùa Điệp Thạch ở TP Trà Vinh.

Thầy Nhân chia sẻ: “Hiện nay, tại một số ngôi chùa vẫn triển khai giảng dạy tiếng Khmer, các sư chủ trì muốn áp dụng tin học vào giảng dạy và nâng cao hiệu quả giúp học sinh dễ tiếp thu bài. Vì vậy, tôi muốn góp những kiến thức, kỹ năng của mình ở môn Tin học để hỗ trợ các sư, học sinh, sinh viên.

Học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc ít có cơ hội tiếp cận tin học, quá trình học phổ thông gia đình không có điều kiện mua máy tính trong khi ở trường mỗi tuần chỉ học 2 - 3 tiết “cưỡi ngựa xem hoa” bởi thiếu máy móc, thời gian ứng dụng, thực hành hạn chế.

Mặt khác, lên đại học, những đòi hỏi kiến thức môn học nâng cao hơn trong khi các em mất gốc sẽ không theo kịp chương trình; nhiều em vì điều kiện khó khăn không thể đi học thêm tại trung tâm. Do đó, khi các nhà chùa mở lớp miễn phí cho người dân học, tôi muốn tham gia dạy hỗ trợ, bổ sung kiến thức giúp các em theo kịp chương trình, xóa mù kiến thức, kỹ năng tin học, thêm tự tin trong học tập, cuộc sống”.

Theo thầy Nhân, trong thời đại 4.0, hầu như công việc nào cũng đòi hỏi biết tin học văn phòng, nếu sinh viên ra trường hạn chế hoặc “trắng” kỹ năng này thì cơ hội việc làm sẽ thu hẹp, chưa kể khi đi làm phải nghiên cứu tài liệu, công nghệ mới phục vụ được yêu cầu công việc. Xóa mù tin học cũng là xóa mù công nghệ cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ vô cùng cần thiết.

Đồng quan điểm với thầy Nhân, cô Trần Thị Lan Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) trao đổi: “Trước đây, xã hội và ngành Giáo dục thường nhấn mạnh về khái niệm xóa mù chữ, nhưng hiện nay “xóa mù Tin học, tiếng Anh” được nhắc đến rất nhiều bởi đây là hai môn học cần thiết, phục vụ cho tương lai của học sinh. Do đó, chúng tôi luôn chú trọng vào công tác giảng dạy tiếng Anh, Tin học”.

Cô Lan Anh cho biết thêm, Chương trình GDPT 2018 từ lớp 3 Tiếng Anh và Tin học trở thành môn bắt buộc. Tuy nhiên, học sinh của trường đã được làm quen 2 môn học này từ khi vào lớp 1. Như vậy các em sẽ không bỡ ngỡ khi lên lớp 3 với việc học chính thức bởi kiến thức nền tảng đã được hình thành trước đó. Mặt khác, Chương trình GDPT 2018 trong một địa phương có thể sử dụng các bộ sách khác nhau, như vậy khi lên các cấp học khác nếu học sinh không có vốn ngoại ngữ, tin học để nghiên cứu tài liệu thì sẽ bị hạn chế.

Cô Lan Anh nhấn mạnh: “Xóa mù tin học, tiếng Anh ở thời đại công nghệ hiện nay thực sự là đòi hỏi cấp thiết bởi công dân toàn cầu không thể thiếu hai kiến thức này. Chúng ta đã áp dụng mã định danh điện tử, nếu mù công nghệ, tiếng Anh thì quá trình khai báo hay sử dụng sẽ bị hạn chế…”.

Viện Sư phạm Kỹ thuật bồi dưỡng nâng cao năng lực thiết kế bài giảng STEM, E-Learning và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho giáo viên. Ảnh: NVCC

Viện Sư phạm Kỹ thuật bồi dưỡng nâng cao năng lực thiết kế bài giảng STEM, E-Learning và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho giáo viên. Ảnh: NVCC

Không để giáo viên tụt lùi

Từ tháng 12/2022 đến nay, Viện Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực thiết kế bài giảng STEM,

E-Learning và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho gần 400 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS các địa bàn khó khăn như huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), thành phố Lai Châu (Lai Châu), huyện Bố Trạch (Quảng Bình) và huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Thông qua các chương trình tập huấn sẽ hỗ trợ giáo viên cách sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, thiết kế bài giảng để tăng chất lượng, hiệu quả môn học cho học trò.

PGS.TS Lê Hiếu Học – Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật cho hay: “Các khóa bồi dưỡng nhằm giúp giáo viên tập trung vào kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ thông tin vào cách tiếp cận giáo dục STEM để dạy học. Hướng dẫn thầy cô khai thác, sử dụng thành thạo phần mềm, tính năng sẵn có trong máy tính cá nhân để soạn thảo các bài giảng số hoặc làm sinh động giờ học, bám sát theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đối với Chương trình GDPT 2018”.

Thông qua các buổi tập huấn đó, giảng viên và sinh viên của viện sẽ hỗ trợ giáo viên cách thức thiết kế một bài giảng trình chiếu khai thác tối đa các tính năng của phần mềm Powerpoint của Microsoft với tài nguyên hình ảnh, hiệu ứng đa dạng (rất nhiều giáo viên không biết); Kết hợp với bảng viết điện tử và tự ghi hình bài giảng theo kịch bản dạy học số bằng những phần mềm ghi hình, ghi âm đơn giản.

Ngay tại khóa học, học viên được chia thành các nhóm, tự xây dựng kịch bản cho tiết học, soạn bài giảng trình chiếu và ghi hình thành bài giảng trực tuyến. Sau khóa đào tạo trực tiếp, giáo viên sẽ được phân thành nhóm đăng ký và vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học thiết kế bài giảng STEM, E-Learning hoàn thiện (1 bài học) với sự tư vấn, hỗ trợ, góp ý chỉnh sửa theo hình thức họp trực tuyến.

Mỗi nhóm sẽ có tối đa 4 giờ làm việc trực tuyến và phải hoàn thành bài tập trong vòng tối đa một tháng. Các bài học này được lưu trữ trên các hệ thống quản lý học tập (LMS) của Viện Sư phạm Kỹ thuật.

PGS.TS Lê Hiếu Học cũng nhấn mạnh qua hoạt động này, muốn lưu ý với sinh viên và các thầy cô về vai trò ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, giảng dạy hết sức quan trọng. Khi công nghệ ngày càng phát triển, việc “xóa mù tin học, xóa mù công nghệ” càng không thể thiếu hoặc coi nhẹ.

“Để có những căn cứ thiết kế các nội dung đào tạo thiết thực cho từng địa phương, trước mỗi khóa học, Viện Sư phạm Kỹ thuật đã tổ chức các hoạt động đánh giá thực trạng và nhu cầu đào tạo của mỗi địa phương. Sau mỗi khóa học, Viện cũng tổ chức đánh giá khảo sát ý kiến phản hồi của các học viên, nhằm có căn cứ hoàn thiện nội dung giảng dạy và hỗ trợ thêm các thầy, cô ở giai đoạn thiết kế bài giảng sau đào tạo”. - PGS. TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bộ trưởng và tin nhắn

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi: “Nếu nông dân khó, hãy nhắn tin cho tôi!”...