Bỏ tư duy xếp hạng

GD&TĐ - Hiện học sinh học hết tiểu học có đủ điều kiện được xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Học sinh THPT được cấp bằng tốt nghiệp THPT (nếu dự thi tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu), hoặc được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (nếu học hết chương trình nhưng không dự thi tốt nghiệp THPT, hoặc thi không đạt yêu cầu). Bằng tốt nghiệp THPT không in mức xếp loại.

Với THCS, từ 15/2/2024, Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT ngày 29/12/2023 sẽ có hiệu lực. Khi đó, quy định kết quả tốt nghiệp THCS được xếp thành 3 loại giỏi, khá, trung bình căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và xếp loại học lực bị bãi bỏ; đồng bộ với việc xét công nhận hoàn thành chương trình cấp tiểu học và tốt nghiệp THPT. Quy định xét công nhận tốt nghiệp THCS theo Thông tư 31 bắt đầu thực hiện từ năm học 2024 - 2025, khi học sinh học Chương trình GDPT 2018 tốt nghiệp THCS.

Việc bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS là phù hợp, cần thiết và có ý kiến cho rằng điều này phải thực hiện sớm hơn. Theo ông Nguyễn Thế Bình - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), nhiều năm qua, việc xếp loại tốt nghiệp THCS theo 3 mức như hiện hành không ý nghĩa, vì tuyển sinh THPT hầu hết dựa vào điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và học bạ của 4 năm THCS.

Ngoài lý do như ông Nguyễn Thế Bình chia sẻ, nhiều nhà giáo cũng bày tỏ đồng tình bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS với viện dẫn: Giảm áp lực điểm số; chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất người học; xóa bỏ tư duy đánh giá học sinh qua văn bằng; phù hợp với quan điểm đổi mới giáo dục phổ thông…

Trước đây, tư duy xếp hạng trong học tập trở thành thói quen, ăn sâu vào cách suy nghĩ của học sinh, giáo viên, phụ huynh. Cha mẹ nào cũng mong mỏi con phấn đấu đứng đầu lớp, khối, hoặc nằm trong tốp đầu. Có học sinh đứng đầu thì sẽ có em “đội sổ” và “danh hiệu” này trở thành nỗi ám ảnh, có thể đi theo học sinh nhiều năm sau. Tư duy xếp hạng thường đi kèm với việc coi trọng và áp lực điểm số, dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có bệnh thành tích.

Trong thời gian đầu triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục lấy đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá làm khâu đột phá. Mở đầu là sự ra đời của Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 quy định đánh giá học sinh tiểu học. Dấu ấn của Thông tư này là bớt dùng điểm số mà tăng cường nhận xét; chuyển dần từ đánh giá xếp loại nặng về kiểm tra kiến thức sang nhận xét toàn diện các kỹ năng, phẩm chất và quá trình hình thành năng lực ở mỗi học sinh; không còn xếp loại (giỏi, khá, trung bình, yếu) như quy định trước đó.

Hiện nay, với tiểu học, theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020, học sinh được đánh giá kết quả giáo dục theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành.

Với trung học, theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/07/2021, học sinh được đánh giá về kết quả rèn luyện và học tập theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình GDPT 2018. Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt.

Đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của người học là yêu cầu của các quy định theo chủ trương đổi mới và dần thay đổi tư duy xếp hạng trong học tập, giảm áp lực điểm số, hướng đến dạy và học thực chất. Việc bỏ xếp loại tốt nghiệp THCS cũng nằm trong “dòng chảy” này để đồng bộ với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.