Bố mẹ… bận lo “cơm áo”, con cái thừa hưởng tính cách của… giúp việc

GD&TĐ - Nhiều cha mẹ vì quá bận rộn đã “giao phó” con cho người giúp việc. Điều này khiến trẻ không nghe theo sự dạy bảo của người lớn, vô tình khiến con thêm hư...

Hãy để cô giúp việc phụ việc nhà, để bạn có thời gian dạy dỗ con cái. Ảnh minh họa.
Hãy để cô giúp việc phụ việc nhà, để bạn có thời gian dạy dỗ con cái. Ảnh minh họa.

Thừa hưởng tính cách của… giúp việc

Từ sau khi có gia đình, chị Nguyễn Phương Nhung (cán bộ y tế tại Hà Nội) lựa chọn tiếp tục làm công việc mình yêu thích và vẫn cáng đáng hết mọi công việc hằng ngày ở nhà.

Chị Nhung chia sẻ: “Từ ngày sinh con, mọi thứ như đảo lộn. Sáng mở mắt là lo cho con cái. Lúc nhỏ thì chăm ăn uống, ốm đau, lớn hơn thì chuyện học hành, bạn bè. Tất tả từ sớm rồi chạy vội đến chỗ làm. Tối đến lại lo đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, loay hoay đến khuya khi chồng và con đều đã đi ngủ, lúc đó mình cũng rã rời”.

Lúc đầu, chị Nhung vẫn nghĩ mình có thể đảm nhiệm hết được, chỉ cần biết cách sắp xếp. Nhưng lâu dần chị bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, không còn thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện với chồng và chơi cùng con. Chị đâm ra cáu gắt, hay than thở và bất mãn mỗi khi việc chồng chất. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như hạnh phúc gia đình.

Cũng từng bận rộn như chị Nhung, chị Nguyễn Thu Hoài – cán bộ Tín dụng Ngân hàng Vietinbank chọn giải pháp thuê giúp việc về chăm con. Ban đầu, cũng chỉ muốn giúp việc trông trẻ khi mình vắng nhà. Nhưng lâu dần, chị ỷ lại cho giúp việc toàn bộ việc chăm sóc con.

Chị Hoài cũng cho biết, khi trẻ lớn hơn chút, con không theo mẹ mà chỉ có người giúp việc mới dỗ dành con được. Điều này khiến mình chạnh lòng và bình tâm để xem xét cũng như sắp xếp lại việc nhà. Khi đó, mình chợt nhận ra, con đang lớn lên theo cách mà cô giúp việc chăm sóc và dạy dỗ.

Chị Hoài cho biết thêm, nếu cha mẹ cứ giao con cho người giúp việc, con sẽ phụ thuộc vào người đó. Kể cả khi giúp việc nghỉ, con bạn cũng khóc không dứt và chính bạn như một người lạ với trẻ. Những điều cha mẹ dạy, trẻ không nghe lời mà chỉ nghe những gì cô bảo mẫu đã chỉ bảo. Điều này vô tình khiến trẻ không lớn lên theo cách mà mình mong muốn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cha mẹ vô tình thành người lạ

Theo ThS Lê Lan Anh – chuyên gia tâm lý Viện nghiên cứu tâm lý con người, Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV): Giao phó con cho người giúp việc đã vô tình khiến con chưa ngoan theo mong muốn giáo dục của gia đình. Phải chăng, con hư là tại mẹ quá bận?

Cũng theo ThS Lê Lan Anh, ở đây không phủ nhận có người giúp việc, mọi thành viên trong gia đình sẽ đỡ mệt nhọc hơn. Cũng không phải cứ giao con cho cô giúp việc là con hư hay bị dạy hư.

Cần phải hiểu, mỗi gia đình, mỗi người mẹ có cách dạy con riêng. Cô giúp việc chỉ nên phụ giúp làm việc nhà và chăm trẻ trong sinh hoạt ăn uống. Họ khó đảm đương được thêm cả việc dạy trẻ.

Chưa kể đến, không phải ai cũng hiểu mục đích giáo dục của người khác để thực hiện cho tốt. Vì vậy, nếu cứ giao phó hoàn toàn, con sẽ không theo nếp mà cha mẹ mong muốn.

Chăm sóc và dạy dỗ là hai việc hoàn toàn khác nhau. Vì thế, làm cha mẹ, dù bận đến mấy cũng nên “giành phần” dạy con. Phần chăm sóc có thể nhờ cô giúp việc.

Nhiều đứa trẻ, vì được giúp việc chăm sóc, ôm ấp từ nhỏ nên hoàn toàn phụ thuộc cũng như trao tình cảm cho người gần gũi với mình nhất. Đó cũng là cuộc chiến khiến đôi khi cha mẹ phải “giành” lại con về với mình.

Chuyên gia tâm lý Lê Hải Ninh – bác sĩ tâm lý chăm sóc sức khỏe trẻ em và phụ nữ cho rằng, nhiều người mẹ, khi công việc quá bận rộn, tối về cũng muốn được nghỉ ngơi nên chỉ chơi với con một chút, rồi con lại được chị giúp việc ru ngủ.

Thậm chí, nhiều người mẹ mới sinh, không có người giúp đỡ, cũng thuê ngay một người giúp việc để ngủ cùng bé, chăm sóc bé buổi đêm khi quấy khóc, còn mẹ ngủ một phòng cho đến sáng. Tất nhiên, việc sau sinh, phụ nữ yếu hơn, cần được nghỉ ngơi để phục hồi cũng như giảm căng thẳng là điều cần thiết.

Thế nhưng, nó khác hoàn toàn với việc giao phó tất cả mọi việc liên quan đến con cái cho người lạ. Nếu cứ như vậy, chính cha mẹ lại trở thành “người lạ” với trẻ, khi con mình chỉ ăn những món giúp việc làm, chỉ ngủ với giúp việc.

“Hãy quan tâm tới chuyện ăn ở sinh hoạt của con hơn, hãy dành những buổi tối để thủ thỉ tâm tình cùng trẻ. Đừng vì bận mà không có cả thời gian bên cạnh trẻ” – chuyên gia Lê Hải Ninh nhấn mạnh.

Cũng theo vị bác sĩ này, đối với con cái, sự chăm sóc không chỉ là cung cấp nhiều tiền để có đời sống vật chất đủ đầy, mà thế giới tình cảm, tinh thần mới quan trọng hơn cả. Nếu cha mẹ còn không hiểu được tính cách, sở thích, đặc điểm của con bằng người giúp việc thì làm sao có thể dạy con, giúp con trưởng thành theo cách mà cha mẹ mong muốn.

Một số cha mẹ khi “thức tỉnh”, thấy con có nhiều biểu hiện giống hệt như người giúp việc, BS Lê Hải Ninh khuyên rằng, nên uốn nắn chỉnh sửa dần dần. Bởi trước đó, trẻ không được chính tay bạn chăm sóc và dạy dỗ.

Thay vào việc quát nạt, mắng mỏ... hãy dạy trẻ và lồng ghép vào những câu chuyện vui vẻ. Vì tâm lý trẻ nhỏ luôn thấy sự mắng chửi, chúng sẽ cho rằng bố mẹ không còn yêu thương chúng nữa, từ đó lại mong muốn ở với người giúp việc hơn.

“Hãy để người giúp việc hỗ trợ việc nhà, để bạn có thời gian chuyên tâm dạy dỗ con cái. Có như vậy, con sẽ ngoan ngoãn và gần gũi cha mẹ hơn. Nếu không có cả thời gian uốn nắn, con hư tại mẹ cũng không sai…” - BS Lê Hải Ninh đưa ra lời khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.