Gặp người lớn không chào, có phải con hư?

GD&TĐ -  Không ít lần tôi nghe các mẹ phàn nàn chuyện con gặp người lớn không chào khiến cha mẹ không biết xử trí ra sao, thậm chí nhiều lần muối mặt với người quen.

Gặp người lớn không chào, có phải con hư?
dạy con,nuôi dạy con,kỹ năng sống,giá trị sống

Ở Việt Nam, câu chuyện này có lẽ rất quen thuộc: Khi một đứa trẻ gặp người lớn, việc đầu tiên là cha mẹ giục con "Con chào bác đi!", "Con đã chào bà chưa?’"... Thậm chí, chưa kịp để bố mẹ giục, người đối diện đã "đòi" thay: ‘"A, thằng này chào cô chưa?", "Không chào ông à?"…

Tệ hơn, nếu đứa trẻ chưa kịp phản xạ tức thì, người lớn đã bình phẩm ngay:‘Không chào bác à, hư quá!’.

Có mẹ tâm sự trên một diễn đàn dạy con rằng, tính con nhút nhát, chỉ gặp ai con quý con mới chào hỏi vui vẻ, còn lại là con “im”. Cũng vì thế mà chị bị mẹ chồng phê phán không biết dạy con, rất căng thẳng và mệt mỏi. Rồi có những trường hợp, khi thấy trẻ con không chào, người lớn còn “xui” bố mẹ nó phải cho “ăn đòn” cho nhớ.

Lời chào có quan trọng đến mức ấy không?

Có một mẹ trả lời câu hỏi này bằng một ví dụ sinh động: “Giả sử, khi gặp đồng nghiệp, bạn cười cười nói nói chào hỏi người ta nhưng họ lại giương mắt ếch lên nhìn mình, thì bạn có cảm tình với người ấy không?”. Câu trả lời ‘chắc chắn là không’. Vậy thì lời chào rõ ràng là quan trọng, còn gì phải bàn cãi.

Thế nhưng, ví dụ này trong cuộc sống ít khi xảy ra. Khi đã bước vào cuộc sống của người lớn, người chào mình, mình chào lại, đó là phép tắc cơ bản. Không thể khẳng định những đứa trẻ gặp người lớn không chào kia, mai này lớn lên sẽ không thể làm được những phép tắc cơ bản ấy.

Rốt cuộc, lời chào là để làm gì? Là để báo hiệu với nhau rằng chúng ta đã nhìn thấy sự có mặt của nhau và chúng ta vui vì điều đó.

Lời chào không nhất thiết phải là "Cháu chào bác ạ", "Cháu chào cô ạ"… Trong thế giới người lớn chúng ta, đôi khi lời chào là một nụ cười, một cái bá vai, một cái gật đầu… Lũ trẻ khi gặp nhau, chúng sẽ sà vào chơi với nhau ngay, chẳng cần chào hỏi. Lời chào lúc này chỉ là một thứ máy móc không cần thiết.  

Vậy cớ gì chúng ta phải nghiêm trọng hoá nó đến vậy?

Một đứa trẻ chào hỏi mau mắn như một thói quen vì sợ bị đánh, bị mắng có chắc chúng vui vẻ khi gặp người đó? Những lời trách móc "Con hư quá’", "Sao gặp bác không chào?" liệu có là vết hằn khiến trẻ tự tin, tự mặc định mình có vấn đề về khả năng giao tiếp ngay từ nhỏ?

Ngày nhỏ, tôi cũng là một đứa trẻ ít nói và "gặp khó khăn" trong việc chào hỏi như thế. Mẹ tôi, giống như nhiều phụ huynh khác, luôn giục con chào thật to khi gặp người quen (Một số người lớn hình như còn mặc định âm thanh to và dõng dạc của lời chào tỷ lệ thuận với mức độ lễ phép của đứa trẻ).

Tôi nhớ có một "ông" trong họ nhà tôi, cứ mỗi lần gặp là ông bắt phải khoanh tay ngoan ngoãn, cúi đầu chào. Có lần, tôi cố tình đi lướt qua thì bị ông gọi giật lại, lên lớp cho một bài. Vì thế, tôi rất sợ khi nhìn thấy ông từ xa. Chuyện ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Nói thế không có nghĩa là tôi ủng hộ việc cứ để mặc đứa trẻ, vui thì chào, không thì thôi. Nhưng thay vì rối rít giục con chào bác đi, hay phê bình con "hư quá", tôi nghĩ các mẹ nên nói rất nhẹ nhàng với con rằng: "Bác rất vui khi nghe con chào bác". Hay, thay vì vặn vẹo: "Đã chào bác chưa?" thì người lớn chúng ta hãy chủ động cất tiếng: "Bác chào con" trước. 

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.