Không phải “con hư tại mẹ”, mà có chăng, đó chỉ là vì mẹ quá yêu và chấp nhận bỏ qua mọi lỗi lầm của con. Và, họ là những người mẹ đáng thương, thay vì đáng trách.
Người đóng vai trò quan trọng
Câu nói “con hư tại mẹ” chắc hẳn không còn xa lạ với bất kỳ người Việt nào. Câu nói ngụ ý, mỗi đứa trẻ hư đều là “tác phẩm” do người mẹ gây ra. Không ít ông bố mặc nhiên cho rằng, công việc nội trợ, chăm sóc con đều là của người mẹ. Thậm chí, họ vô tình chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con bằng cách “vin” vào câu nói đó để “kết tội” người mẹ.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Maryland (Mỹ) cho thấy, nếu được nuôi dưỡng trong gia đình có đầy đủ cha mẹ, trẻ em sẽ phát triển tốt về mặt tư duy, ngôn ngữ, cũng như các kỹ năng xã hội. Ngược lại, trẻ sống thiếu sự quan tâm của cha hay thiếu vắng cha trong cuộc đời sẽ phát triển các mặt này kém hơn.
Các chuyên gia tâm lý cũng khẳng định, sự vắng mặt của người cha trong thời gian dài sẽ tác động tiêu cực đến quá trình hình thành tính cách con. Do gần gũi với mẹ, xem mẹ là hình mẫu lý tưởng, bé trai có xu hướng thiếu nam tính. Trong khi đó, bé gái giống tính mạnh mẽ của mẹ, dường như nam tính hơn. Mặt khác, bé trai không có cha để nuôi dưỡng các phẩm chất đàn ông, bé gái bị “tước” quyền nũng nịu, thể hiện sự nữ tính. Sự khiếm khuyết về mặt tính cách là một trong những nguyên nhân khiến trẻ không biết cách xây dựng và duy trì tổ ấm khi trưởng thành.
Sống thiếu cha còn tăng nguy cơ phạm pháp ở trẻ. Theo thống kê, 95% trẻ vị thành niên phạm pháp trong thành phố Boston (Mỹ) “không có cha” và đó là nguyên nhân cơ bản khiến chúng sa vào tội lỗi.
Theo chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý - nhà sáng lập Hotkids Việt Nam, hình cách và tư tưởng của người cha ảnh hưởng lên con rất nhiều. Nhiều người quan niệm rằng “đàn ông lo việc bên ngoài, phụ nữ chăm sóc gia đình”. Điều này khiến rất nhiều người cha mặc định, dạy con là việc của vợ. Trong khi đó, người mẹ cũng xem việc dạy con là nhiệm vụ của mình. Họ không muốn để chồng can dự quá nhiều, dẫn đến việc người cha thiếu khả năng chăm sóc con.
Cụ thể, chuyên gia này cho rằng, nếu có ý thức trong việc giáo dục con, người cha sẽ đầu tư vào việc dạy trẻ. Ngay cả khi những công việc khác xung đột với vai trò làm cha, họ cũng sẽ ưu tiên nghĩ đến việc giáo dục con.
“Trong quá trình trẻ lớn lên, người cha đóng nhiều vai trò mà mẹ không thể thay thế. Một cuộc nghiên cứu của Trường Đại học Harvard phát hiện, những đứa trẻ được chơi với cha nhiều sẽ thông minh hơn. Những đứa trẻ thiếu sự dạy dỗ và tình yêu thương của cha thường không hòa nhập, rụt rè, nhút nhát”, chuyên gia dẫn chứng.
Theo bà Hải Lý, người cha là cầu nối giúp con bước ra thế giới bên ngoài. Trẻ có thể hình thành tính cách dũng cảm, tự tin, quyết đoán là do chịu ảnh hưởng của cha.
“Vì vậy, những người cha hãy dành nhiều thời gian chất lượng cho con, kể cho con nghe về tuổi thơ, những trải nghiệm, cho con được tham gia vào các hoạt động cùng gia đình. Để lỡ tuổi thơ của con gom vàng không bù được”, bà Hải Lý nhấn mạnh.
Nơi con có thể tìm đến
Sẽ không còn xa lạ khi chúng ta nghe thấy những thắc mắc như: “Vì sao con thường hư hơn khi có mẹ ở bên?” hay “Vì có mẹ nên quấy khóc hơn khi ở bên ông bà, cha”... Thậm chí, nhiều phụ huynh chia sẻ vui rằng, trẻ hư hơn... 800% khi ở bên mẹ.
Lý giải về điều này, Phan Linh - nhà tư vấn phụ huynh, chuyên gia về tâm lý học trẻ em, cho biết, mẹ là nơi an toàn của con. Mẹ cũng là nơi con có thể tìm đến khi có vấn đề.
“Và mẹ, cũng chính là mẹ, lại là nơi con có thể “giận cá chém thớt”. Nơi con dám quăng tất cả những cảm xúc khó chịu, tức giận và lo lắng vào đó. Nếu một đứa trẻ bị kìm nén cảm xúc suốt một ngày dài, hay phải ở trong một tình huống được coi là khó khăn về mặt cảm xúc, ngay giây phút nhìn thấy mẹ, con biết rằng: À, cuối cùng, mình cũng có thể để nó trôi đi. Vì đã có mẹ ở đây”, chuyên gia Phan Linh chia sẻ.
Tuy nhiên, nữ chuyên gia này nhấn mạnh, không phải vì mẹ mà con la hét. Và, không nên nói rằng: “Con hư… tại mẹ”. Bởi, một cách bản năng, mẹ đã tạo ra một không gian đủ an toàn để con có thể tự nhiên thể hiện cảm xúc, cảm giác và những chức năng cơ thể. Do đó, bà Phan Linh cho rằng, các phụ huynh hãy coi đó là một dấu hiệu tốt khi con vừa nhìn thấy mẹ là khóc, mè nheo...
“Hãy coi đó là biểu hiện của việc con yêu, cần và mong chờ sự vỗ về từ mẹ. Bằng bản năng và sự hiểu biết, mẹ sẽ nhận diện được những nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau biểu hiện cảm xúc của con. Việc tương tác, thể hiện sự đồng cảm, yêu thương và giúp con nhận diện cảm xúc lúc này rất quan trọng”, chuyên gia bày tỏ.
Quan điểm mang định kiến giới?
Kỷ lục gia thế giới Trần Quốc Phúc - chuyên gia về huấn luyện cha mẹ chuyển đổi, dạy con trẻ thành công và hạnh phúc trọn vẹn, bày tỏ, “con hư tại mẹ” là câu nói thể hiện sự vô trách nhiệm của đàn ông. Do quan niệm đàn ông chỉ cần kiếm tiền, mọi trách nhiệm đều “đổ” lên người phụ nữ. Tuy nhiên, với những người phụ nữ mềm yếu, vừa bận rộn làm việc, vừa cáng đáng chuyện gia đình, liệu họ có đủ sức?
“Nếu vẫn giữ quan điểm ấu trĩ “con hư tại mẹ”, đó là điều không thể chấp nhận được. Điều đó không còn ý nghĩa trong thế giới nơi đàn ông và phụ nữ có vai trò nhất định về việc làm, cũng như đóng góp cho xã hội”, chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó, “anh Chánh Văn” - nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú từng chia sẻ, trong mắt mẹ, con mình luôn ngoan, hiếu thảo và hiền lành. Tuy nhiên, sẽ thật bất công và thậm chí là tàn nhẫn khi lòng thương con của mẹ bị gán cho việc làm con hư.
“Bất công là bởi, sao con hư lỗi chỉ là từ mẹ? Đâu đó từ chính phán xét này, nhiều đứa trẻ đã lớn lên trong sự hạn chế yêu thương của mẹ. Bởi, nhiều mẹ sợ con hư vì mình chiều mà đã thành Mẹ Hổ, bởi sợ con hư mà luôn phải đóng vai ác”, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.
“Anh Chánh Văn” nhận định, mỗi người mẹ đều tự trở thành giáo trình với chính đứa con mình. Vì vậy, hãy làm mẹ theo cách của chính mình, thay vì chạy theo những ý kiến của người khác. Bên cạnh đó, quan điểm “con hư tại mẹ” còn được coi là sự bất bình đẳng giới, định kiến giới, khi coi việc nuôi dạy con thuộc về người mẹ, người phụ nữ, thất bại của con thuộc về người mẹ.
“Nhất là những đứa trẻ sa ngã vào con đường xấu đều bắt nguồn từ sự bỏ bê con chứ không phải từ sự chiều chuộng của người mẹ. Là không có sự quan tâm đến con từ cả bố lẫn mẹ. Sau những đứa con phạm tội, tôi không thấy một người mẹ nào đáng trách mà chỉ thấy đó là những người mẹ bất hạnh và bất lực. Bất hạnh vì nhiều mẹ phải vừa kiếm sống vừa nuôi con không có chồng phụ giúp. Bất lực vì kiến thức không có, không biết phải dạy con thế nào, không có ai giúp đỡ”, nhà văn Hoàng Anh Tú giãi bày.
Theo “anh Chánh Văn”, hầu hết, khi đã làm mẹ, người phụ nữ nào cũng mong muốn dành điều tốt nhất mà mình có cho con. Cái gọi là chiều chuộng thực sự chỉ vì họ không biết phải làm thế nào mới đúng.
Không ít bà mẹ sẵn sàng “xù lông” với bất kỳ ai chạm vào con họ. Hoặc, cũng có những người mẹ thường “nhắm mắt làm ngơ” khi con phạm sai lầm. Song, nhà văn Hoàng Anh Tú nhận định, tất cả đó là lỗi yêu thương không đúng cách.
“Họ yêu con như bị bùa ngải thuốc lú. Là bởi trái tim của họ quá đỗi mong manh nên đầu óc cũng thành vô cùng mờ mịt. Là đáng thương chứ không thể là đáng trách. Bởi người mẹ nào cũng vậy, khi con hư, lòng mẹ nào chả đớn đau như nhau. Đớn đau vì con cũng thấu tận cùng tâm can rồi. Còn phải bẽ bàng, còn phải nhục nhã, còn phải ê chề nữa bởi những xỉ vả người đời nữa, có đáng không?”, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.