Bắt nạt, quỵt tiền bên trong các lò đào tạo TikToker

Đằng sau những biệt thự nguy nga, tráng lệ trị giá hàng triệu USD, môi trường học tập, làm việc của các TikToker không lý tưởng như nhiều người nghĩ.

Khi Gianluca Conte (20 tuổi) rời nhà riêng ở Charlotte vào đầu tháng 4 để chuyển đến một biệt thự dành cho các ngôi sao TikTok tại Los Angeles, anh vẫn chưa mường tượng được cuộc sống mới.

Giống như nhiều người trẻ khác tại Mỹ, Conte nghĩ rằng anh cần có mặt ở Los Angeles nếu muốn nổi tiếng trên Internet.

“Ở thành phố này, 1/4 người có hơn 100.000 follower trên mạng. Ngay cả những người không ưu tiên truyền thông xã hội cũng có hơn 20.000 người theo dõi. Đó là nơi xung quanh bạn toàn những người có ảnh hưởng”, Conte nói.

Không chỉ vậy, Los Angeles còn là nơi hội tụ những ký túc xá, ngôi nhà chung, lò đào tạo dành riêng cho sao TikTok. Các ngôi sao trẻ cùng sống, sinh hoạt, học hỏi và làm việc ở đây để tạo ra “đế chế” của riêng họ.

Những ngôi nhà chung dành cho người ảnh hưởng vốn không mới - một số thế hệ người dùng YouTube, ngôi sao Vine và người phát trực tiếp đã sống và làm việc cùng nhau từ năm 2009 - nhưng các ngôi sao TikTok thuộc thế hệ Z đã ở một mức độ hoàn toàn khác so với những người tiền nhiệm.

Nhìn bề ngoài, đó là những biệt thự nguy nga, tráng lệ trị giá hàng triệu USD, một môi trường lý tưởng để những người trẻ cùng phát triển.

Thế nhưng, đằng sau đó là không ít câu chuyện các ngôi sao bị chính công ty quản lý bóc lột sức lao động, ăn chặn tiền lương.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều người thậm chí bị mắc kẹt trong những lò đào tạo - nơi ước mơ nổi tiếng, thành danh bỗng hóa ác mộng.

Mắc kẹt vì đại dịch

Cuối tháng 5, dù một số tiểu bang ở Mỹ đã dần mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa vì dịch, Los Angeles là một trong những nơi cuối cùng dỡ bỏ lệnh cách ly vì tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thế nhưng, điều này cũng không thể cản trở dòng người đổ xô đăng ký vào các ngôi nhà chung TikTok.

“Đây là cơ hội vàng cho chúng tôi. Tôi hoàn toàn có thể sản xuất các video từ Charlotte nhưng tôi muốn đạt trình độ cao nhất có thể. Tôi cảm thấy đã tiến bộ sau 2 lần đến đây”, Conte, người đang chia sẻ nhà chung với 7 thanh niên khác, nói với New York Times.

Nhu cầu tăng, khiến các nhà chung TikTok “mọc lên như nấm sau mưa” giữa đại dịch. Sway House được giới thiệu dành riêng cho nam giới nằm ẩn mình trong khu dân cư Bel Air.

Trong khi đó, Clubhouse đang bị cô lập trong một nơi ở hiện đại rộng lớn tại Beverly Hills. Còn nhóm FaZe Clan gần đây đã chuyển đến ngôi nhà cũ của Justin Bieber ở Burbank với khoảng sân rộng, hồ bơi và cả ao cá.

Cùng bạn bè, đồng nghiệp vượt qua đại dịch trong một căn biệt thự trị giá hàng triệu USD nghe có vẻ thú vị. Tuy nhiên, theo nhiều người sống ở nhà chung, trải nghiệm có thể buồn chán, tẻ nhạt hoặc thậm chí khá kinh khủng.

Abby Rao (21 tuổi), người đang sống tại Clubhouse, nói: “Nó hơi kỳ quái. Tôi đang tự hỏi chuyện này bao giờ mới chấm dứt. Bây giờ, tôi mới nhận ra chúng tôi đã coi thường dịch bệnh như thế nào”.

Đối với Rao, người đã chuyển đến Clubhouse vào tháng 3, giờ đây cuộc sống của cô không gì khác ngoài mạng xã hội. Để giữ chân người theo dõi, Rao và những người sống tại nhà chung được khuyến khích làm việc đến khuya.

“Đêm qua chúng tôi đã quay một đoạn video dựng lều và cắm trại trên nóc nhà”, cô kể.

Sau 2 tháng mắc kẹt ở nhà chung, Rao bắt đầu cảm thấy nhớ nhà ở Louisiana. “Tôi cố gắng bận rộn nhiều hơn để không nghĩ đến bố mẹ”.

Vốn là người thích đi đây đi đó, Josh Richards (18 tuổi), thành viên của Sway House, cảm thấy vô cùng tù túng khi mắc kẹt ở Los Angeles vì đại dịch. Kể từ khi thành phố phong tỏa, anh và 5 người bạn cùng nhà chỉ có thể quanh quẩn trong căn biệt thự rộng hơn 800 m2.

“Ngày nào chúng tôi cũng ăn thức ăn nhanh, chơi súng sơn và trò Truth or Dare. Nhưng tất nhiên cũng chỉ để quay video đăng lên mạng”, Richards nói.

Dạy cách đạo nhái ý tưởng

Trong khi thế hệ Z ở Mỹ hướng về các ngôi nhà chung, người trẻ Trung Quốc lại đổ về các khóa đào tạo cách kiếm tiền trên Douyin - phiên bản tiếng Trung của ứng dụng TikTok .

Theo SCMP, mỗi học viên có thể phải chi hơn 1.400 USD. Các khóa học dạy từ cách tạo ra những video “triệu view”, tương tác với người hâm mộ cho đến cách bán hàng, thu hút quảng cáo… Người dạy có thể là các nhân vật nổi tiếng trên Douyin cho đến những chuyên gia từ các công ty truyền thông, công nghệ.

Phần lớn học viên tham dự lớp học dạy làm giàu từ Douyin không hề quan tâm tới việc nổi tiếng. Với họ, kiếm tiền vẫn là ưu tiên hàng đầu.

lo dao tao tiktoker anh 4
Các khóa học kiếm tiền từ Douyin phổ biến ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

"Trở nên nổi tiếng thật vô nghĩa. Tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu có thể quy đổi lượng người xem trên Douyin ra tiền”, một học viên của lò đào tạo tại Thâm Quyến nói.

Với mục tiêu chính là kiếm càng nhiều tiền càng tốt, việc tự sáng tạo nội dung không được khuyến khích trong các lớp dạy làm giàu từ Douyin. Thay vào đó, học viên được khuyên theo dõi các kênh Douyin nổi tiếng nhất, sau đó tìm cách “xào nấu” lại nội dung, ý tưởng.

Zhang Bo (38 tuổi), người phụ trách lớp đào tạo ở Thâm Quyến, nói với các học viên: “Hãy nhớ rằng chúng ta không phải là thiên tài, nên không cần mạo hiểm nghĩ ra những nội dung hoàn toàn mới”.

Lối tư duy của vị chuyên gia này bị nhiều người chỉ trích vì khuyến khích việc đạo nhái, copy. Thế nhưng, với nhiều học viên lâu năm, đây đã trở thành “kim chỉ nam” để thành công.

Bị bóc lột, quỵt tiền

Đầu tháng 6 vừa qua, Anthony Reeves, một TikToker đang sống trong nhà chung Sway House ở Los Angeles đã phải cầu xin người hâm mộ đừng kéo đến nhà, gõ cửa và quay lén video qua cửa sổ.

Vào năm ngoái, một TikToker khác tên David Dobrik cũng đã phải chia sẻ câu chuyện thường xuyên bị người theo dõi làm phiền khi sống ở nhà chung.

“Đừng đến đây, làm ơn! Tôi không muốn phải chuyển đi nhưng điều này thật kinh hoàng”, Dobrik viết trên Instagram.

Theo Insider, vấn đề riêng tư là một trong những điều đáng quan ngại khi sống tại những ngôi nhà chung, ký túc xá dành cho TikToker ở Los Angeles. Ở cùng với các ngôi sao, tên tuổi lớn đem đến cơ hội học tập và hợp tác song cũng không tránh khỏi việc bị làm phiền, soi mói bởi những người hâm mộ quá khích của họ.

Ngoài ra, nhiều người mới vào nghề cho biết họ còn bị các công ty quản lý nhà chung bóc lột, quỵt tiền lương.

lo dao tao tiktoker anh 5
Người trẻ bị bóc lột sức lao động, sáng tạo khi tham gia các lò đào tạo sao TikTok. Ảnh: Instagram.

Brittany Tomlinson là cái tên nổi lên từ các clip ăn uống, thử trà trên TikTok. Đầu năm 2019, cô nhận được lời mời hợp tác từ Ariadna Jacob - người sáng lập và quản lý nhà chung Girls in the Valley.

Brittany được hứa hẹn sẽ trở nên nổi tiếng, kiếm được tiền từ chính các clip mình đăng tải. Công ty này còn nói sẽ ưu ái cho cô các hợp đồng quảng cáo độc quyền và cơ hội hợp tác với ngôi sao lớn.

Tuy nhiên, sau khi chuyển vào nhà chung, Brittany phải làm việc ngày đêm, không có giờ nghỉ. Cô cảm thấy bản thân bị vắt kiệt sức lao động và sáng tạo.

Thế nhưng, mức thù lao cô nhận được lại giảm dần theo thời gian. Đến tháng 4 vừa qua, Brittany chính thức kiện công ty quản lý vì thiếu nợ cô hơn 23.000 USD tiền lương.

Thomas Petrou, một ngôi sao thuộc nhà chung Hype House, từng thừa nhận với New York Times về tình trạng bóc lột sức lao động tại các lò đào tạo TikToker.

“Toàn bộ ngôi nhà được thiết kế để tạo ra hiệu suất lao động. Bạn không thể xem đây là một cuộc dạo chơi dịp cuối tuần. Nếu không cố gắng và để bị trượt lại phía sau, bạn sẽ không còn là một phần của nhóm nữa”, Petrou nói.

Theo Zingnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.