Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) chia sẻ: Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thì việc thực hiện tỷ lệ chi cho giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội tiếp tục gặp bất cập.
Đại biểu dẫn giải, có tỉnh đã chú trọng tăng chi cho giáo dục nhưng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn rất ít. Một số địa phương cho rằng, tỷ lệ chi 20% cho giáo dục là rất cao, không chi tiết.
“Tôi cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội cũng như Luật Giáo dục quy định bảo đảm ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi cho ngân sách nhà nước là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp” – đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Luật Giáo dục cũng đã xác định chi đầu tư giáo dục là chi đầu tư phát triển. Ngân sách trung ương chi tối thiểu 20% cho giáo dục là phù hợp, nhưng ngân sách địa phương cũng bố trí tối thiểu 20% chi ngân sách địa phương là không phù hợp với các tỉnh nghèo, các tỉnh mà khả năng xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo hạn chế.
Đại biểu đề nghị cần đổi mới cách thức phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo, bảo đảm phát huy tốt nhất nguồn lực nhà nước dành cho giáo dục.
Đại biểu Quách Thế Tản, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình |
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hoà Bình) nêu ý kiến: Tổng dự toán chi ngân sách giáo dục đào tạo năm 2019 cho lĩnh vực đào tạo của cả nước là 286.000 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước, chưa đạt mức 20% như Quốc hội giao.
Năm 2020, dự toán chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này là 317.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2019, cũng chỉ bằng 18,18% dự kiến tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2020.
"Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội hết sức quan tâm và tạo điều kiện để cung cấp đủ mức kinh phí như 20% mà Quốc hội đã quyết định” – đại biểu Quách Thế Tản nói.