Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá về lĩnh vực văn hóa - xã hội và có nêu vấn đề thực hiện tốt các quyền trẻ em, đây là nội dung rất cần thiết. Tuy nhiên, báo cáo chỉ phân tích, đánh giá về vấn đề bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em, còn vấn đề rất lớn như: chăm sóc, giáo dục cho trẻ em chưa được phân tích, đánh giá thấu đáo.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang cho rằng, việc đưa vấn đề thực hiện quyền trẻ em trong đánh giá tình hình kinh tế xã hội là rất cần thiết, đúng với tinh thần Luật Trẻ em.
Quyền trẻ em đã được cụ thể trong Luật Trẻ em từ Điều 12 đến Điều 34 với 23 quyền cơ bản và nhà nước phải có trách nhiệm, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, để hỗ trợ bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc; ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Có chính sách hỗ trợ bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục bảo đảm công bằng và cơ hội tiếp cận với giáo dục cho mọi trẻ em.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang nhấn mạnh, mục tiêu của giáo dục phổ thông tại Điều 29 Luật Giáo dục nêu rõ, giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thế chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người.
Thời gian qua một trong những hạn chế thường được đề cập về tình trạng lao động nước ta như thể trạng thấp, khả năng tạo việc làm hạn chế, tỷ lệ thất nghiệp cao, năng suất lao động thấp.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thực hiện quyền trẻ em, chăm sóc trẻ em, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, nhằm tạo cơ sở pháp luật, cơ chế, điều kiện thuận lợi cho các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, xác định các nội dung, mục tiêu và chỉ tiêu bảo vệ trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của các bộ, ngành, địa phương và trung ương.
Cùng với đó, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và địa phương thực hiện tốt Điều 89 và Điều 90 của Luật Trẻ em. Nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu hệ thống tiêu chí, bảng biểu thống kê liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia để theo dõi, đánh giá tình hình bảo vệ trẻ em, nhằm hoạch định ban hành chính sách, kế hoạch hợp lý, bố trí đảm bảo nguồn ngân sách; huy động tốt các nguồn lực xã hội, bồi dưỡng và kiện toàn nguồn nhân lực để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.