ĐBQH trăn trở Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn còn là vùng trũng về GD-ĐT

GD&TĐ - Phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 31/10, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) nêu thực trạng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng đến nay vẫn là vùng trũng về GD-ĐT.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
 Hôm qua, chúng tôi rất mừng khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã nói đến kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông của vùng Tây Nam Bộ với 3 trục dọc và 4 trục ngang. Chúng tôi lo lắng không biết sắp tới cụ thể là điểm nào và để giúp Bộ Giao thông vận tải biến giấc mơ của người dân đồng bằng sông Cửu Long thành hiện thực kính mong Quốc hội, Chính phủ phân bổ nguồn vốn đầu tư để phát triển hệ thống giao thông là một vấn đề rất cấp thiết.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao 

Nhiều khó khăn tồn tại

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Đại biểu dẫn giải: Thứ nhất, đó chính là về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Trong Hội nghị đánh giá thực trạng về giáo dục đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở bậc mầm non và phổ thông, Bộ GD&ĐT nhận định, tỷ lệ số phòng học kiên cố hóa so với bình quân chung của cả nước là thấp nhất.

Để đạt định mức bình quân chung, chúng ta buộc phải đầu tư xây khoảng 3.300 phòng học cho mầm non và tiểu học; sửa chữa, nâng cấp tất cả hơn 8.500 phòng học.

Thứ hai, về ngân sách địa phương đầu tư cho giáo dục cũng còn nhiều bất cập. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT giai đoạn năm 2011-2016, mức chi cho giáo dục mầm non là 14,9%, cho THPT là 15,3%, THCS là 27% và tiểu học là 42,8%. Như vậy, nhìn vào tỉ lệ này, chúng ta thấy sự phân bố mất cân đối giữa các cấp học và đáng chú ý là đầu tư cho mầm non và THPT với mức thấp, thậm chí là thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

“Về ngân sách trung ương hỗ trợ cho phát triển giáo dục vùng này qua những chương trình dự án cũng thấp so với các vùng khác. Vì sao như vậy?” – đại biểu Châu Quỳnh Dao đặt câu hỏi, đồng thời cho biết: Bởi vì chủ trương của chúng ta là đầu tư nguồn lực cho các ngành mũi nhọn.

Ví dụ như: 3 chương trình mục tiêu: Thứ nhất là phát triển kinh tế - thủy sản bền vững. Thứ hai là đầu tư mạng lưới điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo. Thứ ba là biến đổi khí hậu.

Học sinh tiểu học xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) đến trường. Ảnh: Hữu Chí/baoapbac.vn
Học sinh tiểu học xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) đến trường. Ảnh: Hữu Chí/baoapbac.vn

Một điểm khó khăn nữa là đội ngũ nhà giáo. Đây là yếu tố then chốt quyết định đến sự thành công trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thế nhưng hiện nay, chúng ta vẫn chưa đáp ứng cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Cụ thể là mặc dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực về vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ nhưng vẫn chưa thỏa đáng.

Tình trạng này cũng bắt nguồn từ một số nguyên nhân, đó là chúng ta dùng điểm lẻ, cơ cấu lại trường lớp, tăng dân số cơ học, do chúng ta thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 5 tuổi, dẫn đến việc huy động trẻ em ra lớp tăng đột biến, với tốc độ rất nhanh và đặc biệt là thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhưng chưa chú ý đặc thù và thực hiện một cách cứng nhắc.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng, phần đông người dân Đồng bằng sông Cửu Long có mức sống rất thấp; trong khi đó chi phí cho học tập lại không nhỏ, cộng thêm tác động sinh viên ra trường chưa có việc làm, nên tác động mạnh đến nhận thức và tâm lý, chưa thực sự quan tâm đầu tư cho con trẻ của mình học hành đến nơi đến chốn, dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm 55,1% so với số lượng học sinh cả nước.

Đây chính là những rào cản ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng mà cả nước nói chung.

Đặc thù của vùng đồng bằng sông Cửu Long là hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, là giao thông cách trở, dân cư phân tán. Có những điểm trường lẻ cách điểm trường chính đến 20 cây số.

“Cho nên chúng tôi rất mong Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành cơ chế đặc thù riêng để giúp cho giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Chúng tôi hiểu chủ trương xóa điểm lẻ, một chủ trương hoàn toàn đúng đắn để tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí nhưng chỉ thuận tiện khi giao thông nơi đó thuận lợi.

Cho nên kiến nghị Quốc hội quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long” – đại biểu Châu Quỳnh Dao nói.

Do địa hình sông nước, kênh rạch, đi lại không thuận lợi nên ĐBSCL còn là khu vực có số điểm trường nhiều nhất cả nước và là khu vực duy nhất có điểm trường ở cấp THPT. Ảnh/internet

Do địa hình sông nước, kênh rạch, đi lại không thuận lợi nên ĐBSCL còn là khu vực có số điểm trường nhiều nhất cả nước và là khu vực duy nhất có điểm trường ở cấp THPT. Ảnh/internet

Đảm bảo nơi đâu có người học là nơi đó có người dạy

Liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế, đại biểu Châu Quỳnh Dao kiến nghị: Cần thực hiện vấn đề này theo đúng tinh thần của nghị quyết, đảm bảo tinh gọn nhưng phải hiệu lực, hiệu quả. Chúng ta không thể nào cắt giảm một cách cơ học, bởi vì sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc “Đảm bảo nơi đâu có người học là nơi đó có người dạy”.

Việc thẩm định cũng như bổ sung số lượng người làm việc trong ngành giáo dục, đảm bảo đến tính đặc thù của vùng miền, thành thị, nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; đại biểu kiến nghị Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong việc thống nhất lại quy định về tỷ lệ học sinh trên lớp nên theo ngưỡng tối đa đối với vùng thuận lợi và ngưỡng tối thiểu đối với những vùng khó khăn vừa nêu.

Bởi vì nếu chúng ta áp dụng theo quy định tỷ lệ học sinh trên lớp theo quy định hiện hành sẽ rất khó khăn cho những đơn vị trường học trên địa bàn như: nông thôn, vùng biên giới, hải đảo, vùng bãi ngang ven biển, vùng đặc biệt khó khăn v.v...

"Chính phủ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về giáo dục, không phải nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục chỉ là trách nhiệm riêng của Bộ GD&ĐT, mà đó là trách nhiệm của toàn ngành và để mỗi gia đình hiểu rằng, học tập không chỉ để biết chữ mà quan trọng là để lập nghiệp, để cống hiến và để thực hiện khát vọng đổi đời khi mà thế hệ trước chúng ta chưa làm được" - đại biểu Châu Quỳnh Dao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.