Bảo vệ con thái quá: Bố mẹ biến con thành “cây trồng trong nhà kính”

“Đi cho biết đó biết đây / Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn” - Lời dạy của ông bà ta từ xa xưa đến giờ suy ngẫm lại thấy càng đúng…

Bảo vệ con thái quá: Bố mẹ biến con thành “cây trồng trong nhà kính”

“Con mình đứt ruột đẻ ra” nên bố mẹ nào cũng thương con, muốn bao bọc, bảo vệ con trước những “hiểm nguy rình rập” của cuộc sống. Nhưng làm sao cha mẹ có thể ôm con mãi trong vòng tay của mình được. Rồi con sẽ ngày càng lớn, mà bố mẹ ngày càng già đi. Nếu không có sự chuẩn bị để con dò dẫm bước vào cuộc đời, thì làm sao bố mẹ có thể mong con tự tin vững bước?

Quá trình trưởng thành từ lúc mới sinh đến lúc lớn lên của bất cứ giống loài đều cần những bài học, những va vấp để học những kỹ năng mà nhiều khi là bản năng.

Cũng giống như những chú chim non nở từ trong trứng, những tháng ngày đầu tiên, chúng luôn miệng chiêm chiếp đòi ăn, và chim mẹ mớm cho con ăn tận mồm. Rồi dần dần chim mẹ dùng “mẹo” để dạy chim con tập bay: mỗi khi cho chim con ăn, chim mẹ không đứng gần chim con như trước mà đứng xa hơn để chim con phải nhoài người ra xa hơn, xa hơn nữa, thậm chí có lúc ngã nhào xuống đất. Thậm chí, chim mẹ có khi còn chủ động đẩy con rơi khỏi tổ. Cứ như thế, chim mẹ đã giúp chim con tập bay. Đến một ngày chim con đã lớn khôn, đủ lông đủ cánh bay đi muôn phương.

Bảo vệ con thái quá: Bố mẹ biến con thành “cây trồng trong nhà kính” ảnh 1

Nếu chim mẹ chỉ giữ con trong tổ, thì làm sao có ngày chim con biết bay cao bay xa bằng đôi cánh của chính mình?

Loài chim nhỏ bé dạy con theo cách “chiến lược” như vậy, nhưng con người chúng ta thì nhiều khi lại có xu hướng giữ rịt con trong nhà, cung phụng con vì sợ con gặp nguy hiểm khi ra ngoài xã hội.

Bố mẹ nào cũng mong dành cho con những điều tốt đẹp nhất, bố mẹ làm gì cũng vì muốn tốt cho con. Nhưng nhiều khi những gì cha mẹ tưởng là làm tốt cho con lại rất có hại cho con, và tác hại đó biểu hiện càng rõ nét khi con trưởng thành. Việc cha mẹ giữ chặt con trong vòng kiểm soát của mình là một sự bất bình thường, nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của con.

Bậc thầy tâm linh người Ấn Độ Osho (1931-1990) dạy rằng: “Bạn hãy cho phép con cái mình lớn lên trong sự tự do. Dĩ nhiên là điều đó sẽ đem lại nhiều điều rủi ro, nhưng chúng ta có thể làm được gì? Cuộc sống là tập hợp những rủi ro, mọi sự phát triển đều có thể gặp rủi ro. Đừng bảo vệ chúng thái quá, nếu không chúng sẽ trở thành những nhánh cây được trồng trong nhà kính - hầu như hoàn toàn vô dụng.

Bạn hãy để chúng sống thanh thoát tự nhiên. Bạn hãy để chúng tự do tranh đấu cùng cuộc sống, bạn hãy để chúng tự phát triển, và chúng sẽ luôn biết ơn bạn. Bạn sẽ luôn được hạnh phúc vì sau này bạn sẽ nhận thấy rõ sự sống động ở chúng.”

Bố mẹ nên để con từng bước đối mặt với những hiểm nguy trong cuộc sống. (Ảnh minh họa)
Bố mẹ nên để con từng bước đối mặt với những "hiểm nguy" trong cuộc sống. (Ảnh minh họa)

Bố mẹ muốn con tránh những va vấp, xung đột để con được bình an, nhưng kết quả lại không phải như vậy. Theo nhà tâm lý học thiếu nhi người Thụy Sĩ Jean Piaget (1896-1980), xung đột là một phần chủ yếu trong quá trình phát triển tâm trí.

Thông qua các “cuộc chiến” với bạn bè và với bố mẹ, trẻ em học được cách thích ứng với thế giới và phát triển các chiến lược để xử lý các vấn đề nan giải. Những em tìm cách né tránh xung đột bằng mọi giá, hoặc những em được phụ huynh bảo vệ thái quá kết cục sẽ bị khiếm khuyết về mặt xã hội và tâm trí.

Nhà giáo dục, nhà quản lý nổi tiếng người Ấn Độ Virender Kapoor khuyên rằng: “Hãy để cho con tự đối mặt với những trận chiến nhỏ trong đời. Biến điều này thành thói quen sẽ làm tăng khả năng chống đỡ của con bạn”.

“Con tàu sẽ an toàn khi nằm tại bến cảng, nhưng con tàu được đóng ra không phải để nằm ở đó.” - Nhà thần học người Mỹ William Shedds (1820-1894)
Theo dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ