Là một MC chuyên nghiệp, thời gian gần đây, Phan Anh cũng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng. Anh bảo, khi góp phần xây dựng môi trường tốt, cộng đồng tốt chính là anh đang bảo vệ các con mình.
Cùng với nhiều ông bố nổi tiếng khác, Phan Anh đi đầu trong việc kêu gọi mọi người nâng cao ý thức phòng chống xâm hại trẻ em. Cuối tuần qua, khi trở thành khách mời một buổi giới thiệu sách, anh đã có dịp chia sẻ những câu chuyện và cách dạy con liên quan đến nội dung này.
Cha mẹ đang vô tư xâm hại con mà không biết
Câu đầu tiên đưa ra trong buổi nói chuyện, anh khẳng định: "Chúng ta đang làm những điều mà không nghĩ là xâm hại con mình. Chẳng hạn, khi con tôi chơi đồ chơi, cháu là con trai nhưng thay vì lựa chọn ô tô, cháu lại chọn búp bê và mọi người sẽ nói: "Đàn ông mà như thế à?", "Con trai mà làm như thế à?". Đó là một sự xâm hại đến con trai tôi".
Anh lý giải rằng, thông thường mọi người sẽ nghĩ điều này chẳng có vấn đề gì nhưng với tâm hồn của trẻ con, có những bé rất nhạy cảm, thì chỉ một câu nói đó thôi đã làm tổn thương đến các con, đặc biệt là khi nó liên quan đến vấn đề giới tính và tình dục.
"Đó là sự xâm hại tôi cho là nặng nề và tôi không bao giờ nói điều đó với những đứa trẻ khác. Nếu có ai đó nói như thế với con tôi, tôi cũng sẽ gọi ra và nói chuyện thẳng thắn. Đó là những điều không được phép nói với con tôi", Phan Anh khẳng định.
Trẻ bị xâm hại bắt đầu từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống mà cha mẹ đôi khi vô tâm, thờ ơ cho rằng đó là câu chuyện vô thưởng vô phạt. Ông bố ba con dẫn chứng bằng chính câu chuyện về bản thân mình mà ở đó anh là một nạn nhân của xâm hại nhưng anh vẫn vui vẻ nói chuyện với bạn bè (cũng là nạn nhân) và chấp nhận chuyện xâm hại như một điều hiển nhiên trong cuộc sống.
|
MC Phan Anh cũng là một ông bố ba con tâm lý. |
Phan Anh kể: "Ở khu tôi từng sống, từ cấp 1, bố mẹ xem phim người lớn và con cái nhìn thấy không phải là điều không phổ biến. Bố mẹ quan hệ tình dục với nhau và con vô tình nhìn thấy không phải là câu chuyện ít người biết. Mọi người thấy hai đứa bé có hành vi giống như người lớn chỉ đùa với nhau: "À, hôm qua lại xem phim để con nhìn thấy chứ gì?", rồi cười hả hê xong thôi. Nhưng đó là điều người lớn gây ra, người lớn có tội nhưng không nhận ra".
Bên cạnh đó, Phan Anh cũng nhận thấy rằng, trong các vụ xâm hại, nạn nhân thường bị mọi người chê trách đầu tiên. Anh lấy ví dụ một cô bạn của mình bị động chạm đến thân thể khi đi trên đường, cô ấy tâm sự lại với bố thì bị phán ngay một câu rằng: "Mày ăn mặc thế kia bảo sao bọn nó chả trêu".
Người bố này thay vì bảo vệ con mình thì lại quay ra chỉ trích nạn nhân. Hay những trường hợp khác là các em bé bị xâm hại ở miền Tây. Khi đó, mọi người đều nói: "Con bé đó bị thế này... bị thế kia..." mà không quan tâm đến việc lên án thủ phạm... Theo Phan Anh, chính điều này đã khiến các nạn nhận không dám lên tiếng về hành vi xâm hại và phải chịu uẩn ức, giữ bí mật đó trong lòng, có người gặp ác mộng hàng đêm.
Ông bố ba con cho rằng, trong tất cả những điều ở trên, không một ai trong chúng ta vô can. Mọi người đều có một phần trách nhiệm và không phải chỉ lo cho mỗi con chúng ta mà cần nhìn rộng ra hơn.
Tới tận bây giờ, anh còn nhớ như in cảm giác khi chia sẻ câu chuyện liên quan đến xâm hại của mình: "Người tôi nóng bừng lên và phải một tiếng sau mới dám ấn nút đăng bài". Anh bảo, không phải ai cũng dũng cảm vượt qua được nhưng bản thân anh khi nói ra được bí mật, anh cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Anh muốn truyền cảm hứng để những người khi ở hoàn cảnh tương tự như anh cũng có thể mở lòng ít nhất một lần.
|
Phan Anh cho rằng, việc dạy con không nên máy móc theo bất cứ cuốn sách nào. |
Dạy con kiến thức chống xâm hại nhẹ nhàng, bình dị như chính cuộc sống
Đối với các con của mình, mỗi ngày Phan Anh đều nói chuyện về một điều gì đó, khoảng 15-20 phút. Anh khuyên cha mẹ khi tham khảo những cuốn sách dạy con chống xâm hại, đừng áp dụng máy móc và không nên mang sự lo lắng vào nhà. "Bỏ bớt định kiến của mình và đọc với tinh thần tham khảo, trao đổi với con để con tự nhận thức được đúng - sai. Hãy làm mọi thứ nhẹ nhàng, bình dị như chính cuộc sống; trò chuyện với con, đừng làm áp lực, gây sức ép cho các con", anh chia sẻ.
Trong việc dạy dỗ, chăm sóc các con, Phan Anh thừa nhận sự vô tâm, vô tình thường đến từ cánh mày râu nhiều hơn do văn hóa ảnh hưởng lâu đời và một phần khác cũng vì lý do liên quan đến chức năng sinh đẻ của người mẹ. Phụ nữ mang thai và sinh con ra nên con là một phần của mẹ, tình yêu mẹ dành cho con hoàn toàn tự nhiên, bất diệt, còn với những ông bố thì chưa chắc. Để bố biết lo lắng, bảo vệ cho con thì phải làm cho bố yêu con.
Anh kể: "Ngày trước, tôi hay trách vợ mình: "Sao em chiều con thế!". Tôi đi công tác nhiều, về nhà thấy vậy chỉ biết mắng thôi. Cho đến những ngày vợ phải đi công tác xa nhà, tôi chăm con một mình. Lúc đấy, tôi mới hiểu các con đúng là những thiên thần, là những điều tuyệt vời làm tan chảy trái tim mình. Chính vì mình yêu con như thế nên mình mới ý thức được việc phải bảo vệ con bao nhiêu".
Cũng chính từ trải nghiệm của mình, Phan Anh đã rút ra được nhiều điều. "Tôi nghĩ là, các bà mẹ ạ, hãy tìm cách để con mình nhận được tình yêu của bố nhiều hơn, cho con chơi với bố nhiều hơn để tình cảm đó nảy sinh, đừng dại chỉ chăm con một mình.
Các chị đừng nghĩ mình giỏi, mình làm được dù các chị có thể làm được thật và làm rất tốt nhưng làm ơn, hãy để cho các con nhận được tình yêu thương của cả bố nữa. Tìm cách để các ông bố có thời gian chăm con, chơi với con, yêu con nhiều hơn. Khi các ông đàn ông nghĩ được rằng: "Con mình là số 1", họ cũng sẽ là những người tinh tế".
Phan Anh rất vui vì hiện tại vợ của anh cũng đã nhận ra điều đó, đã đẩy cho anh chăm sóc các con nhiều hơn. Nhưng bây giờ, với anh, việc chăm con không còn là gánh nặng. Anh cũng khuyên các bà mẹ một cách thẳng thắn rằng: "Chì chiết, chửi mắng không làm thay đổi các ông chồng. Chính tình yêu thương của các chị mới làm họ thức tỉnh. Còn nếu đã tạo cơ hội rồi mà họ vẫn không thức tỉnh thì hãy "bye bye" người đàn ông đó đi, sống độc thân tốt hơn nhiều".