Hai ông bố nổi tiếng là MC Phan Anh và nhà văn Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ rất chân thành về cách bảo vệ con phòng chống lại sự xâm hại trong buổi ra mắt sách “30 ngày cùng con học hiểu chống xâm hại”.
Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng nhất trong bảo vệ con
Nhà văn Hoàng Anh Tú, anh cựu Chánh Văn báo Hoa Học Trò, một trong những ông bố lên tiếng mạnh mẽ nhất trước làn sóng phẫn nộ của dư luận về nạn xâm hại tình dục trẻ em, chia sẻ:
“Nhiều cha mẹ chưa hề có khái niệm nào về ấu dâm. Họ chỉ nghĩ ấu dâm có nghĩa là phải quan hệ tình dục, phải hãm hiếp trẻ em. Thậm chí chính họ, một cách vô tình, đã tiếp tay cho những kẻ đồi bại”.
Chính các bậc phụ huynh chứ không phải ai khác, là người đầu tiên có trách nhiệm quan trọng nhất trong việc bảo vệ sự an toàn của con trẻ.
Theo MC Phan Anh, nếu nói sâu về việc xâm hại thì có những thứ diễn ra hàng ngày mà đôi khi chúng ta không nghĩ rằng, con chúng ta đang bị xâm hại.
“Tôi chỉ nói một câu chuyện đơn giản như thế này thôi. Khi mà con tôi là con trai, thay vì nó thích chơi đồ chơi là ô tô thì nó lại chơi con búp bê.
Nếu như người khác nhìn thấy, có khi nói con tôi là đàn ông mà làm như thế à, đàn ông mà thích chơi cái đó à. Đó là một sự xâm hại đến con trai của tôi”.
MC Phan Anh cho rằng chỉ một câu nói như vậy thôi đã làm tổn thương tới con trai của anh. Đó là hàm ý về giới tính, cả tình dục nữa nên Phan Anh cho rằng đó là một sự xâm hại nặng nề.
“Tôi không bao giờ nói điều này với đứa trẻ khác và con của tôi. Thậm chí, nếu ai đó nói với con tôi như vậy, tôi sẽ gọi riêng người đó ra để nói chuyện. Đó là điều không ai được phép nói với con tôi.
Câu chuyện xâm hại bắt đầu từ những điều chúng ta tưởng nhỏ như vậy thôi nhưng đó là điều chúng ta rất nên quan tâm. Nếu muốn bảo vệ và yêu thương con chúng ta thì chúng ta phải biết bảo vệ con trước những điều nhỏ nhất” - MC Phan Anh chia sẻ.
Trang bị những kiến thức thiết yếu về chống xâm hại
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết, “30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại” không phải là các kiến thức học thuật khô khan, là một hành trình tìm hiểu và trải qua rất nhiều tình huống cụ thể, thiết thực và vô cùng hữu ích.
Bé sẽ được hình dung và tập phản ứng trước những tình huống nguy hiểm như làm thế nào để nhận diện kẻ xấu, nên xử trí thế nào khi bị theo dõi, bị lạc, thậm chí làm thế nào để vượt qua sợ hãi, mặc cảm nếu “lỡ” bị xâm hại…
Điều quan trọng nhất là cha mẹ, thầy cô hãy đồng hành cùng trẻ trong quá trình đọc để kịp thời giải thích những điều trẻ chưa hiểu, trao đổi, trò chuyện cùng trẻ, lắng nghe những suy nghĩ của trẻ về những tình huống và chủ đề của sách. Mỗi cha mẹ, thầy cô sẽ có thể trở thành một chuyên gia, giúp con tiếp thu và sử dụng những kiến thức về xâm hại hiệu quả nhất.
Ngay từ khi trẻ lên 5 tuổi, bố mẹ đã cần dạy trẻ thuộc lòng 5 báo động xâm hại và khả năng nhận biết với mọi nguy cơ xâm hại có thể đến từ chính những người thân cận với bé. Việc tự trang bị cho gia đình mình một cuốn tài liệu toàn diện về chống xâm hại chẳng bao giờ là muộn cả.