“Đóng khuôn” là hạn chế con
Anh Huy Quang, một chuyên gia CNTT, trong nhiều năm sống và làm việc ở Mỹ thường đưa con về thăm gia đình (tại Hà Nội) vào những dịp hè. Điều anh ngạc nhiên nhất là mỗi lần định đặt vé cho cả hai đứa con cậu em tham gia chuyến du lịch nào cùng gia đình anh, thì đều nhận được những lý do từ chối rất kiên quyết. Sau nhiều lần quan sát, anh rút ra một kết luận: Những đứa trẻ Việt ở thành phố thường bị bố mẹ “hạn chế” trong nhà, không có cơ hội tiếp xúc với bạn bè cùng lứa tuổi. Phụ huynh bây giờ không dám cho con ra ngoài vì rất nhiều nỗi sợ. Nỗi sợ bé thì sợ con bị lấm bẩn, sợ những đứa trẻ khác sẽ đánh con đau, sợ con vấp ngã. Nỗi sợ to thì sợ con bị xâm hại, sợ con bị bắt cóc… Nhưng trong một thế giới luôn vận động và nhiều biến động như bây giờ thì sự bao bọc, giữ gìn, cảnh giác đó lại đang vô tình làm hại trẻ.
“Cha mẹ hãy để con được tiếp xúc và trải nghiệm thế giới bên ngoài, để con có thể biết cách hòa nhập vui chơi thoải mái cùng bạn bè, học cách vấp ngã và đứng lên. Đừng bảo vệ con trong cái khuôn như vậy” - anh Quang chia sẻ.
Anh Quang cũng cho biết: “Hàng ngày dù bận đến mấy, hai vợ chồng vẫn phải ưu tiên dành thời gian chơi với con. Sống trên một đất nước với điều kiện vật chất khá đầy đủ nhưng chúng tôi hiểu không gì có thể bù đắp được tình cảm của bố mẹ dành cho con cái. Con cái cần nhất là sự yêu thương quan tâm của bố mẹ. Cha mẹ cần học mọi thứ mới có thể làm bạn với con, học hỏi để biết chơi với con, chơi với con thì sẽ hiểu con mình hơn. Hơn nữa sợi dây gắn kết bố mẹ và con cái sẽ càng thêm bền chặt”.
Bố mẹ phải lĩnh hội trước kiến thức
Kiến thức chỉ là một phần làm nên một con người, nhưng việc rèn luyện nhân cách là điều quan trọng nhất. Việc kiềm chế cơn nóng giận là điều phụ huynh nào cũng cần phải học và rèn luyện với chính mình. Trẻ sẽ bắt chước cha mẹ, nếu khi tức giận bố hoặc mẹ, có thể thẳng tay ném đồ vật quý hay bình hoa xuống đất.
Trẻ em rất nhạy cảm với cảm xúc của người khác. Vì thế, cha mẹ tức giận nhất định sẽ ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc của con trẻ. Việc giải thích cho trẻ hiểu bản thân mình đã làm gì sai hoặc lý do gì khiến cha mẹ tức giận, sẽ có tác dụng giáo dục tốt hơn việc thể hiện sự tức giận để giải tỏa tâm trạng hoặc yêu cầu con cái chấm dứt việc gì đó mà cha mẹ không thích. Dạy con như uốn cây non: Việc dạy dỗ trẻ cũng khác với áp đặt. Các nhà tâm lý đã đưa ra nhiều lời khuyên giúp bố mẹ học được cách kiềm chế cơn giận, biết cách cương - nhu để trẻ không phải hứng chịu những trận đòn vô cớ chỉ để thỏa cơn bực tức của cha mẹ.
Cha mẹ cũng cần học cách nhớ ưu điểm của trẻ, bởi cha mẹ sống cùng các con mỗi ngày nên dường như chỉ nhìn thấy khuyết điểm mà bỏ quên ưu điểm của chúng. Muốn đứa trẻ noi gương một ai đó, bố mẹ thường có thói quen xấu là hạ thấp con mình và so sánh, thậm chí là khoa trương và mỹ miều hóa về đối tượng so sánh kia. Điều đó là phản tác dụng khi gây nên tổn thương rất lớn đối với các con, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến các con cả đời.
Cha mẹ nên tìm ra được ưu điểm của con, nhận ra điều khác biệt của con so với người khác, để khích lệ, đặt niềm tin tưởng vào con mới có thể động viên trẻ tiếp tục phát triển ưu điểm và sở trường của chúng.