Trong mọi tình huống dù là nhỏ nhất họ tìm mọi cách để bảo vệ con cái. Thế nhưng, sự bao bọc con quá mức lại khiến cho trẻ không dám đối mặt với khó khăn, thử thách và những rủi ro.
Nuông chiều con thái quá
Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Hiền, Trung tâm Kỹ năng sống Wedo - Wegood (Hà Nội) chia sẻ: Xã hội hiện đại, kinh tế phát triển, cuộc sống ổn định hơn và sự bao bọc con, chiều chuộng con, lo cho con quá đầy đủ luôn thường trực trong mỗi gia đình. Vô tình thôi nhưng hầu hết các cha mẹ đang nuôi dưỡng ở con rất nhiều tính cách không tốt với sự đòi hỏi, sự lười biếng, chỉ biết ỷ lại, dựa dẫm, sự vô tâm hời hợt, ý thức kém, trách nhiệm kém…
Những tính cách này trong con cứ hồn nhiên phát triển mà đến con cũng không nhận ra. Con cứ tự do theo ý mình mà ít có sự lắng nghe, ít có sự hợp tác… thậm chí là sự phản kháng buông bỏ làm sao phải đạt được ý của mình đến cùng, không kiên trì, không vượt khó… không nhận thức được nên hay không nên, không quan tâm đến cảm xúc hay tâm lí, hoặc sự mong muốn của cha mẹ và của những người xung quanh.
Tâm sự của chị Trần Thu Hà (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) khiến cho nhiều bậc phụ huynh phải suy nghĩ lại về cách nuôi dạy con cái của mình: Thời anh chị, vất vả ngược xuôi hơn chục năm bám trụ tại thành phố cũng tạo dựng được cơ ngơi kha khá. Những mong con cái sau này đỡ vất vả nên anh chị luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con. Từ cấp tiểu học cho đến THPT, anh chị đều cố gắng tìm cách cho con được học ở những ngôi trường tốt nhất về cơ sở vật chất.
Trong cuộc sống hàng ngày anh chị luôn đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của con. Rồi đến khi vào đại học, anh chị lại lo cho con đi du học những mong con được đổi đời sau này. Tuy nhiên với sức học làng nhàng nên khi đi du học con chị gặp khá nhiều khó khăn. Bên cạnh đó do ở nhà quen với việc được bố mẹ lo lắng nên con chị luôn gọi điện về than vãn kể khổ... Mặc dù học được một năm tốn kém gần tỉ bạc nhưng anh chị cũng đành cho con về và năm nay định bụng sẽ phải tìm một trường đại học hoặc cao đẳng trong nước phù hợp với con hơn.
Nên để trẻ đối diện với thử thách
Các chuyên gia tâm lý học đã phát hiện ra rằng, một đứa trẻ không được chơi ngoài trời hay chưa từng sứt da đầu gối một lần nào thường có nhiều ám ảnh và nỗi sợ hãi khi trưởng thành. Trẻ em ngã một vài lần để hiểu rằng đó là điều bình thường, thanh thiếu niên có thể chia tay bạn trai/gái để biết trân trọng tình cảm trưởng thành của một mối quan hệ lâu dài. Do đó, các bậc phụ huynh hãy cứ để con cái mình được trải nghiệm và vấp ngã.
Trải lòng về mặt trái của việc quá chiều chuộng con, chuyên gia Phạm Hiền cũng bày tỏ quan điểm của mình: “Tiếp xúc với các con càng nhiều với nhiều tính cách, thái độ, suy nghĩ, cảm xúc, tâm lí, hành vi… khác nhau tôi luôn trăn trở, thậm chí cũng cảm thấy loay hoay không biết phải diễn đạt như thế nào để lột tả hết được những gì con cũng đang phải trải qua, những gì mà cha mẹ và con đang không hiểu nhau, những gì mà bản thân con cũng không hề muốn. Các con loay hoay trong sự thụ động đến đáng thương. Theo tôi quan trọng nhất trong việc dạy con vẫn là tư duy, quan điểm và sự kiên trì bền bỉ của cha mẹ để nhận thức các vấn đề có thể xảy ra.
Cũng theo chuyên gia Phạm Hiền, thế hệ trẻ ngày nay không phát triển được một số kỹ năng mềm mà thế hệ 30 năm trước trẻ em làm được bởi người lớn luôn chăm sóc cặn kẽ mọi vấn đề. Khi “giải cứu” con quá nhanh trước những vấn đề và để chúng quen với “sự giúp đỡ”, cha mẹ đã vô tình tước đi của con khả năng phân tích và giải quyết vấn đề. Ứng cứu con quá nhanh chỉ có tác dụng ngắn hạn và không thể giúp con tự trang bị cho mình kỹ năng lãnh đạo. Không sớm thì muộn, trẻ sẽ quen với suy nghĩ: “Khi mình vấp ngã hoặc thất bại, người lớn sẽ làm mọi thứ trở nên suôn sẻ và dọn dẹp hậu quả từ hành vi sai trái của mình”. Đó chắc chắn là điều không cha mẹ nào mong muốn.