Vì sao hiện tượng lệch chuẩn đạo đức lại gia tăng trên mạng xã hội?
Sự phát triển của mạng máy tính mang lại những thay đổi lớn cho cuộc sống của con người. Nó là một nguồn dự trữ thông tin vô cùng lớn với khả năng liên lạc một cách nhanh chóng và chính xác; là công cụ giải trí hấp dẫn mà chưa có một loại hình nào có thể sánh bằng.
Việc sử dụng các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đã dẫn đến hàng loạt vấn đề cụ thể về hành vi, trạng thái và cả những áp lực cùng với những diễn tiến phức tạp trong đời sống con người.
Thực tế hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là các em học sinh suy nghĩ sai lầm cho rằng mạng xã hội thế giới ảo, là thế giới riêng tư của cá nhân không liên quan đến ai khác. Vì vậy, các em cho rằng có quyền tự do ngôn luận, thoải mái bình phẩm người khác mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Các em không chỉ dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng, mà còn coi mạng xã hội như một công cụ để xả stress, nơi bộc lộ cảm xúc cá nhân, soi mói cuộc sống của người khác. Một hệ quả tiêu cực chính là sự lệch chuẩn đạo đức của các em từ những ứng xử trên mạng xã hội.
Đó là sự xuống cấp đạo đức, văn hóa truyền thống khó có thể tưởng tượng như, một đứa cháu công khai chửi mắng ông, một đứa con lăng mạ chính mẹ đẻ của mình. … khiến nhiều người không khỏi đau lòng và phẫn nộ.
Báo động về ứng xử lệch chuẩn của học sinh với giáo viên
Một trong những hành vi lệch chuẩn đạo đức của một bộ phận học sinh chính là thiếu sự tôn trọng với thầy cô giáo. Trên mạng xã hội những ngày gần đây, tôi nghe không ít những câu chuyện đáng buồn về việc học sinh nói xấu, xúc phạm giáo viên, thậm chí xuyên tạc sự thật trên mạng xã hội.
Một số em vì một chuyện bức xúc nhỏ nhặt nào đó với giáo viên liền đăng tải ngay lên mạng xã hội với những lời lẽ thiếu văn hoá. Điều đáng nói ở đây là những em học sinh khác dù hiểu sự việc hay không hiểu sự việc cũng tham gia bình luận nhiệt tình bằng vô số câu nói thiếu lịch sự khác. Có khi còn chia sẻ nhanh chóng những bài viết như thế.
Cách đây mấy hôm, cô bạn đồng nghiệp của tôi vừa kể vừa khóc vì một chuyện như thế. Chỉ vì một sự không hài lòng nào đó mà một nữ sinh đã đăng tải trên mạng những lời bịa đặt về giáo viên, gây ra những hiểu lầm không đáng có. Dù vấn đề đã được giải quyết nhưng bản thân cô giáo ấy và chúng tôi, những người đang sống với nghề dạy học vẫn rất đau lòng.
Đau lòng biết mấy khi những lời nhắc nhở đầy tâm huyết của giáo viên lại không được học sinh thấu hiểu; đau lòng biết mấy khi những người học trò mà mình dạy lại có thể xuyên tạc sự thật để nói xấu mình mà không hề hổ thẹn. Phải làm gì để điều đó không tái diễn là câu hỏi trăn trở của cô bạn tôi và cũng là của cả tập thể giáo viên trước thực trạng trên?
Một nhiệm vụ khó khăn
Để hạn chế hiện tượng lệch chuẩn đạo đức trên mạng xã hội nên chăng, cần có một quy định cụ thể về công tác quản lý, sử dụng mạng mạng xã hội; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động đúng đắn cho mọi người, đặc biệt là các em học sinh khi tham gia mạng xã hội. Hãy là người sử dụng mạng xã hội có văn hoá.
Gốc rễ của vấn đề chính là nâng cao nhận thức và ý thức đạo đức cho học sinh. Vì vậy, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục đạo đức học sinh; giúp các em nhận thức được đúng vấn đề, biết kiểm soát cảm xúc tiêu cực; hình thành những hành vi và cách ứng xử tích cực trước mọi tình huống trong cuộc sống cũng như học tập.
Hãy chung tay vì thế hệ trẻ tương lai của đất nước.