Nhận diện bạo lực học đường

GD&TĐ - Gần đây, bạo lực học đường (BLHĐ) có xu hướng ngày càng tăng trên thế giới. Ở Việt Nam, BLHĐ đang trở thành mối lo lớn trong nhà trường. Những hành vi lệch chuẩn trong môi trường học đường cần có giải pháp trước mắt và lâu dài.

Bạo lực học đường phần lớn xảy ra ở các học sinh phổ thông tuổi từ 11 - 17
Bạo lực học đường phần lớn xảy ra ở các học sinh phổ thông tuổi từ 11 - 17

Bạo lực học đường - SOS

Theo Chuyên gia Tâm lý Trịnh Thu Hà, Tổng đài Tư vấn trực tuyến Tâm lý học đường, BLHĐ có thể hiểu là hành vi thô bạo hay ngang ngược bất chấp tất cả về đạo đức hay nhân phẩm để hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại đến thân thể, sức khỏe hoặc cô lập, xua đuổi, trấn áp, lăng mạ, xúc phạm gây tổn thương tinh thần, uy tín, danh dự của người bị hại trong phạm vi đối tượng là trường học.

BLHĐ hiện nay có xu hướng gia tăng nhanh chóng, diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, đang xâm nhập và lan rộng ở Việt Nam, trở thành vấn nạn đáng lo ngại trong nhà trường và trong xã hội.

Những hành vi bạo lực học đường

Cũng theo bà Hà, BLHĐ được biểu hiện dưới nhiều góc độ khác nhau. Bạo lực về thể chất, vật chất, tinh thần, ngôn ngữ, xâm hại tình dục giữa học sinh, nhóm học sinh trong và ngoài trường với nhau, giữa giáo viên với giáo viên hay giữa thầy cô, nhân viên nhà trường với học sinh và ngược lại.

Dùng vũ lực để thực hiện hành vi tác động lên người khác như đấm đá, túm tóc, cào cấu, xé áo, lăng nhục, dùng hung khí tấn công hay trấn lột, dọa nạt, vu không giễu cợt, đổ oan, tung tin đồn thất thiệt…cho người bị hại đều được coi là những hành vi BLHĐ. Hành vi hiếp dâm, quấy rối tình dục… được xem là một dạng BLHĐ đáng lên án nhất. Các hình thức bạo lực diễn ra với mức độ và quy mô khác nhau nhưng đều tạo ra những thương tổn về sức khỏe, vật chất hay tinh thần cho người bị hại.

Có hai loại hành vi BLHĐ là thụ động và chủ động. BLHĐ thụ động là hành vi sai lệch do nhận thức sai hoặc nhận thức không đầy đủ các chuẩn mực, nội quy, quy tắc. Hành vi này không đáng lo ngại. Còn BLHĐ chủ động là các hành vi sai lệch mà các cá nhân biết rõ các chuẩn mực, nội quy, quy tắc nhưng vẫn cố tình làm sai. Các hành vi BLHĐ chủ động rất nguy hiểm, thường để lại những tổn thương lớn về thể xác cũng như tinh thần cho người bị hại. Một điều đáng lo ngại là các hành vi BLHĐ chủ động chiếm phần lớn trong các vụ bạo lực trong trường học và xảy ra giữa học sinh với học sinh thuộc cấp 2, cấp 3 từ 11 - 17 tuổi.

Hành vi lệch chuẩn cần được đẩy lùi

Theo từ điển Tiếng Việt, “Bạo lực là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong tổn hại một ai đó”. Bạo lực được xem là một mặt của quyền lực, nghĩa là chủ thể dùng sức mạnh như cơ bắp, vũ khí, kinh tế hay sức mạnh chất xám… để bắt đối tượng khách thể phải phục tùng.

Chưa bao giờ tình trạng BLHĐ lại xuất hiện nhiều đến vậy trong những năm gần đây. Nhưng video trên mạng xã hội ghi lại cảnh học sinh đánh nhau được phái tán lan tràn trên mạng xã hội. Nam có, nữ có với những hành vi đánh đập, hành hạ, nhục mạ đến không thể tin được lại xảy ra ở lứa tuổi học trò.

Trong những vụ bạo lực nhẹ nhàng cũng gây những ra tổn thương nhất định về tinh thần hoặc thương tích nhẹ cho người bị hại. Những năm gần đây, tình trạng BLHĐ ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm của nó. Người gây ra bạo lực nặng thì bị đuổi học, xử lý hình sự nhẹ thì bị kỷ luật còn người bị hại phải gánh chịu những sang chấn tâm lý, tổn thương về tinh thần cũng như thể xác thậm chí là sinh mạng để lại sự mất mát, đau đớn cho học sinh cũng như gia đình. Nhiều vụ án đau lòng liên quan đến BLHĐ trong những năm vừa qua được mang ra xét xử. Đứng trước tòa là những gương mặt non nớt của những cô cậu học sinh với những lý do gây án rất trẻ con như “nhìn thấy ghét”, “nhìn đểu”, “ bị bạn huých”, “thích bạn mà mình thích”… BLHĐ không những ảnh hưởng đến người bị hại mà còn ảnh hưởng đến những học sinh chứng kiến hành vi bạo lực.

“Không chỉ là đánh nhau, bạo lực học đường còn diễn ra ở hình thức thóa mạ trên mạng xã hội, xúc phạm nhau ở lớp, gây ức chế tinh thần dẫn đến có trường hợp các cháu phải quyên sinh. Tình trạng trên gióng lên hồi chuông báo động đối với ngành Giáo dục trong việc phối hợp cùng với các cơ quan chức năng, phụ huynh trong việc quản lý, dạy bảo học sinh” - Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) nêu thực trạng trong phiên thảo luận Quốc hội ngày 1/11/2017.

Có thể thấy rằng, BLHĐ đang trở thành vấn nạn trong nhà trường. Nó là hồi chuông cảnh báo cho những ai thực sự quan tâm đến thế hệ trẻ và tương lai đất nước. Để đẩy lùi và hạn chế BLHĐ cần nhiều sự vào cuộc quyết liệt của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế vấn nạn này là công tác tuyên truyền cho học sinh nhận thức đầy đủ, đúng đắn cũng như những hành vi nào được coi là BLHĐ để giảm thiểu những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày); cứ trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Trong khi đó, Trung tâm Kỹ năng sống Hoàn Năng dẫn số liệu của một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu trên học sinh 5 nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cho biết trung bình 10 học sinh thì có 7 em ở độ tuổi 12 - 17 trải nghiệm với bạo lực học đường. Việt Nam đứng thứ 2 trong 5 quốc gia được nghiên cứu có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ