Ngôn ngữ lệch chuẩn trong giao tiếp

GD&TĐ - Những năm gần đây, một số ngôn từ ngoài xã hội đã len lỏi vào trường học, khiến học sinh, sinh viên thời @ rơi vào tình trạng lệch chuẩn trong giao tiếp. Bên cạnh đó, sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội đã tác động đến một bộ phận học sinh. Hành động và lời nói của các em dù ít hay nhiều cũng đã làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.

Ngôn ngữ lệch chuẩn  trong giao tiếp

Sử dụng nhiều tiếng lóng, đệm

Chỉ cần dạo quanh các trường học, nhất là các hàng quán ở cạnh trường, sẽ thấy học sinh túm tụm, tán gẫu, dùng nhiều lời lẽ thô tục, thiếu lịch sự. Tại quán cóc vỉa hè, một tốp 3 học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa phì phèo hút thuốc lá vừa bình phẩm: “Tao thấy con đấy xinh vãi nhưng hơi “cua mò”, (chỉ quê mùa), hay cái thằng T…đúng là “sửu nhi, trẻ trâu”. Hay “Con người yêu của mày bắt mắt phết nhưng mỗi tội ăn mặc hơi “lỳ toi”.

Nguyễn Quang Huy, phụ trách một quán game trên đường Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội thừa nhận: Khách hàng của quán là học sinh, chuyên nói bậy, chửi tục, rất thường xuyên diễn ra ở đây.

Thực tế cho thấy, số học sinh có ngôn ngữ lệch chuẩn đang tăng lên cả về số lượng và mức độ. Qua khảo sát, chứng kiến, thấy rằng, lệch chuẩn ngôn ngữ chủ yếu rơi vào học sinh cá biệt THPT. Tuy nhiên, nhiều học sinh ngoan cũng bị ảnh hưởng.

Nhiều năm tham gia giảng dạy và làm giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Kim Phượng, Trường THPT Bình Lục A, Hà Nam chia sẻ: Học sinh nông thôn không ít em nói bậy như câu cửa miệng. Phụ huynh mải mê làm ăn, phó mặc việc dạy con cho nhà trường. Con chơi với bạn xấu, nói bậy, nói tục, bố mẹ cũng không hay. Chỉ đến khi, con vi phạm pháp luật, nhà trường, thậm chí công an gọi phụ huynh lên gặp thì họ mới biết là con mình từ lâu bị bạn xấu lôi kéo.

Trả lại sự trong sáng cho tiếng Việt

Hiện tượng học sinh, sinh viên có hành vi và lời nói tục tĩu, lệch chuẩn, vô tình làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Việc uốn nắn hàng ngày là rất cần thiết. Song, muốn làm tốt công tác này, bản thân mỗi thầy cô giáo phải kịp thời uốn nắn để học sinh biết nhận lỗi và sửa lỗi.

Trao đổi vấn đề này, NGND Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cho biết: Môi trường giáo dục phải trong sạch, trước hết bản thân thầy cô là tấm gương sáng. Học sinh Tiểu học Đoàn Thị Điểm không biết nói bậy, nói tục vì nhà trường quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên, thấy học sinh nào có lời nói chưa chuẩn, phải lập tức uốn nắn các em ngay. Như thế, sẽ không để các em lặp lại thói quen xấu.

Những năm qua, ngành GD-ĐT đã tổ chức các hoạt động, các phong trào, tạo các sân chơi lành mạnh cho thế giới học đường. Có thể nói, những phong trào này đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Giờ học ngoại khóa, Giáo dục công dân được giáo viên lồng ghép với việc dạy đạo đức, lối sống cho học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội từ học kỳ II năm học 2010 - 2011 đã đưa vào giảng dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho học sinh Hà Nội. Trong đó có những nội dung quan trọng như: Lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh trong nội dung Chương trình sách giáo khoa mới và các hoạt động giáo dục khác.

Tuy nhiên, quy định và văn bản hướng dẫn về vấn đề này đã có đầy đủ nhưng nếu các cơ sở giáo dục triển khai không quyết liệt, gia đình thiếu quan tâm thì sự giao tiếp lệch chuẩn trong học sinh vẫn tiếp tục gia tăng. Từ lời nói lệch chuẩn đến hành vi lệch chuẩn rất gần nhau. Bạo lực học đường từ đó mà sinh ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ