Nữ sinh lo sợ “động - chạm”
Mỗi ngày đi học, ngoài chuyện lo lắng về bài vở, nhiều học sinh còn đối mặt với những hành vi bị xúc phạm, quấy rối tình dục, xâm hại, dẫn đến lo sợ, ám ảnh, nhất là đối với những nữ sinh.
Đối với nhiều nữ sinh, bị trêu trọc, bông đùa quá đáng cũng là tác nhân gây ảnh hưởng tới tâm sinh lí, tới chuyện học tập. Tuy nhiên, nhiều nữ sinh chọn cách im lặng, mà không biết rằng mình đang bị bạo lực tình dục.
Khó chịu, bất lực vì hay bị các bạn trêu trọc, đùa quá đáng, Nguyễn Minh Hạnh (Trường THPT Q.T, Hà Nội) cho biết: “Trong giờ học lẫn giờ ra chơi, các bạn nam hay đùa quá đà, nhiều lúc cố tình cầm tay, động chạm vào cơ thể của bạn nữ, nhiều lúc em phản ứng, các bạn ấy vẫn không tha.
Lúc học về, em đi xe đạp cũng bị các bạn nam bám theo, trêu chọc như giật tóc, vỗ vào vai, giật quai áo lót khiến em giật mình, rất khó chịu”.
Còn Phạm Thu Hằng đang học lớp 11 tại một trường THPT trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Nhà em cách trường khá xa nên chủ yếu là đi xe bus.
Tuy nhiên, em rất sợ đi xe bus vì nhiều bạn nam, hoặc nam giới lớn tuổi cứ đứng sát vào em, thậm chí còn cố tình động, chạm vào người em. Xe đông, nên cũng không biết làm cách nào, thành ra mỗi lần lên xe là em tìm chỗ đông phụ nữ để đứng.
Ở trường, các bạn nam cũng thường xuyên trêu đùa, cầm tay còn đỡ, chứ nhiều bạn nghe lời thách đố còn nhảy xổ vào ôm em. Lắm lúc bực muốn khóc mà không dám, vì khóc lại bị trêu cả tuần là mít ướt”.
Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp nữ sinh hiện nay đang hàng ngày phải đối diện với bạo lực giới. Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu y - xã hội học và Tổ chức Plan tại Việt Nam về tình trạng bạo lực giới trong trường học tại 30 trường THPT ở Hà Nội cho thấy có khoảng 80% học sinh cho biết đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần. Trong đó, 19% học sinh cho biết bị bạo lực tình dục.
Tăng cường xử lí, răn đe
Kết quả của đợt khảo sát trên dù chỉ ở phạm vi hẹp (khoảng 3.000 học sinh) nhưng cũng khiến người lớn không khỏi “sốc” trước thực trạng đáng báo động hiện nay về bạo lực tình dục học đường.
Phụ huynh Trần Thị Tâm (Khương Trung, Hà Nội) có con gái đang học lớp 10, lo lắng: “Lâu nay con gái cũng hay tâm sự, chia sẻ chuyện học tập, bạn bè nhưng ít thấy cháu kể về bị trêu trọc, quấy rối.
Nên khi xem kết quả khảo sát, tôi không khỏi giật mình. Mong rằng nhà trường quan tâm, tuyên truyền để các cháu nhận thức rõ thế nào là hành vi bạo lực, các cách phòng tránh”.
Đánh giá về kết quả khảo sát, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, khi nói đến con số này, nhiều người sẽ giật mình, nhưng nếu hiểu rõ về các tiêu chí khảo sát thì sẽ thấy mọi chuyện không bi quan như thế.
Quấy rối và xâm hại tình dục không chỉ là hành động ép buộc tình dục (hiếp dâm), mà còn bao gồm: bình luận về hoạt động/hành vi tình dục, huýt sáo và những cử chỉ tục tĩu, gửi tin nhắn với nội dung bạo lực, sờ, hôn âu yếm, yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục, lan truyền tin đồn tình dục…
Để khắc phục tình trạng bạo lực giới, ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết: “Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục triển khai dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” của Tổ chức Plan tại Việt Nam, Hà Nội sẽ tiếp tục thường xuyên tuyên truyền kết hợp với các biện pháp giáo dục, các hình thức kỉ luật răn đe để các nhà trường, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh hiểu rõ bản chất của bạo lực giới, từ đó có biện pháp xử lý, ngăn chặn.
Để giảm tình trạng bạo lực giới trong trường học cũng rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là sự quan tâm, gương mẫu của các bậc cha mẹ học sinh”.
Theo một số chuyên gia tâm lí giáo dục, trẻ Việt Nam không được giáo dục giới tính đầy đủ. Trẻ bị bạo lực sẽ có tâm lý lo lắng, sợ hãi. Tâm lý không được giáo dục giới tính khiến trẻ dễ bị bạo lực giới.
Hiện nay giáo dục giới tính trong trường học vẫn bị coi nhẹ. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho bạo lực giới, bạo lực tình dục trường học đã trở nên đáng báo động như hiện nay.
Tổ chức UNESCO (năm 2013) đã đưa ra một định nghĩa đầy đủ về bạo lực giới trường học. Đây cũng chính là định nghĩa mà Tổ chức Plan tại Việt Nam sử dụng trong nghiên cứu.
Trong đó, bạo lực tình dục được xác định bao gồm: nhận xét về tình dục; huýt sáo và những cử chỉ tục tĩu; tin nhắn với nội dung tình dục; sờ soạng, hôn, hay âu yếm; chạm vào vùng kín; lan truyền tin đồn tình dục; hoặc ép buộc tình dục (hiếp dâm).