Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người lao động không có việc làm, không có nguồn tiết kiệm để bù đắp khi mất việc. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn 2020 - 2021, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như thiếu liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp và sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội.
Những thiệt thòi của người lao động khi rời khỏi hệ thống đã rất rõ ràng, nhưng hiện các quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn chưa thực sự tối ưu.
Cụ thể, theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây nhất, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án. Phương án một là người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng chưa đủ 20 năm thì được rút một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành, người lao động không được rút một lần nữa.
Phương án hai là sau 12 tháng người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm thì được rút một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Những phương án này áp dụng đối với lao động bình thường. Trường hợp người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư… vẫn được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 diễn ra mới đây, quan điểm của Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ phương án một như đề xuất của Chính phủ nhưng đề nghị xác định rõ hơn điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần...
Các ý kiến ủng hộ phương án hai thì cho rằng, phương án này giúp người lao động có thêm chi phí để giải quyết khó khăn trước mắt. Và vẫn còn những yếu tố mang tính động lực để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu hơn, tăng thêm khả năng được thụ hưởng các quyền lợi của bảo hiểm xã hội. Hơn nữa, phương án này cũng bảo đảm Quỹ Bảo hiểm xã hội luôn được duy trì ở trạng thái an toàn cao hơn so với phương án một trong trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đồng loạt rút một lần.
Có thể thấy, việc lựa chọn phương án nào về rút bảo hiểm xã hội một lần đến nay vẫn là bài toán khó vì mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm. Vậy nên vấn đề là cần làm rõ hơn nữa ưu điểm, nhược điểm của từng phương án và dự báo các tác động tới người lao động cũng như những phát sinh khi Luật có hiệu lực thi hành.
Đặc biệt, dù lựa chọn phương án nào cũng phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Đây mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.
Vì khi rút bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc người lao động mất đi các quyền lợi lâu dài như không được nhận lương hưu hàng tháng khi về già. Mất tiền mua thẻ bảo hiểm y tế mà mức hưởng khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thấp hơn người có lương hưu được cấp thẻ miễn phí. Khi qua đời, thân nhân không được trợ cấp mai táng, không được hưởng trợ cấp tuất…
Hệ thống bảo hiểm xã hội giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất trong hệ thống an sinh xã hội. Phát triển bảo hiểm xã hội là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cho nên, dù lựa chọn phương án nào cũng phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Đây mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.