Bài toán “cân não”

Bài toán “cân não”

Dịch bệnh đột ngột tái bùng phát tại Việt Nam cũng là thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT gần kề. Có nên tổ chức kỳ thi này hay không nhanh chóng trở thành vấn đề nóng trên nhiều diễn đàn. Dư luận càng quan tâm hơn, khi tại hội nghị trực tuyến về công tác chuẩn bị với 63 Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành phố, Đà Nẵng đề nghị dừng tổ chức kỳ thi, xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh của địa phương này. Tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra 3 phương án, 1 trong số đó tương tự đề nghị của Đà Nẵng.

Không phủ nhận rằng, đề xuất của Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ góp phần ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp cho thí sinh trên diện rộng bị vướng về mặt pháp lý, do Luật Giáo dục 2019 quy định: Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định được dự thi, đạt yêu cầu được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, học sinh chỉ được cấp bằng tốt nghiệp THPT khi dự thi và thi đạt yêu cầu. Xét tốt nghiệp không qua thi là vi phạm Luật Giáo dục. Còn muốn thay đổi Luật buộc phải qua quy trình thủ tục để Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết – điều mà ai cũng biết chắc chắn không thể có trong một sớm, một chiều.

Chưa nói tới việc xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh trong tuyển sinh đại học, cao đẳng; đặc biệt là vào 42 trường thuộc khối công an, quân đội, sức khỏe, khi các trường này chỉ sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đơn cử tại Đà Nẵng, năm 2020, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là 10.955 nhưng có đến 9.385 thí sinh (85,67%) đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi.

Quyết định phương án nào để vừa thực hiện đúng luật, tạo công bằng cho tất cả học sinh; vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi đối tượng tham gia kỳ thi thực sự là một vấn đề cân não.

Không chỉ riêng ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng phải giải bài toán khó này. Cuối cùng, không ít quốc gia - kể cả Trung Quốc với tình hình dịch bệnh phức tạp và số lượng thí sinh khổng lồ - đã chọn phương án vẫn tổ chức thi và họ đã làm được với những quy định về y tế, phòng chống dịch hết sức chi tiết và nghiêm ngặt.

Tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ phương án tổ chức kỳ thi năm nay. Theo đó, sẽ tổ chức thi theo kế hoạch với địa phương không trong diện cách ly xã hội, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Với thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội, hay thuộc diện F1, F2, sẽ có phương án tổ chức thi sau, bảo đảm quyền lợi cho người học. Kết luận sau báo cáo của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện đúng Luật Giáo dục. Điều này đồng nghĩa với việc kỳ thi vẫn được tổ chức. Phương án này được đánh giá là hợp lý và khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Tổ chức thành công một kỳ thi cấp quốc gia để bảo đảm công bằng cho hàng triệu thí sinh, trong điều kiện bình thường cũng đã cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bối cảnh dịch bệnh, sự quyết tâm này còn cần nhiều hơn gấp bội lần. Nhưng chúng ta có thể vững tin vào thành công của kỳ thi, bởi sự chủ động, chuẩn bị bài bản từ Bộ GD&ĐT đến 63 tỉnh, thành. Thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi cơ bản đã hoàn tất. Vấn đề còn lại là tâm thế của từng cá nhân tham gia kỳ thi, với trách nhiệm, tinh thần vì cộng đồng, tất cả vì quyền lợi của thí sinh – những mầm xanh tương lai của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ